Cuộc chiến tàu ngầm Nga - Mỹ

Sau Chiến tranh lạnh, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ luôn là bá chủ dưới lòng đại dương. Trong khi đó, những chiếc tàu ngầm được phát triển từ thời Liên Xô “lặng lẽ” bị rỉ sét ở bến đỗ do nước Nga chưa bắt tay vào việc tu sửa. Hơn hai mươi năm sau, sự xuất hiện của tàu ngầm lớp Yasen thuộc lực lượng tàu ngầm Nga khiến đội tàu ngầm Mỹ đứng trước một thách thức không nhỏ…

Sát thủ dưới biển sâu

Phòng thiết kế Malakhit-một trong 3 phòng thiết kế tàu ngầm chính của Liên Xô đã lên kế hoạch phát triển tàu ngầm lớp Yasen vào đầu những năm 1980. Chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp này mang tên Severodvinsk được đóng vào năm 1993 tại Xưởng đóng tàu Sevmash nhưng do thiếu kinh phí nên đến hơn 10 năm sau con tàu này mới được hoàn thành. Tàu ngầm Severodvinsk chính thức được hạ thủy vào năm 2010 và đến năm 2013 được đưa vào trang bị của lực lượng tàu ngầm Nga.

Tàu ngầm lớp Yasen của Nga có chiều dài 120m, lượng giãn nước 13.800 tấn; thủy thủ đoàn gồm có 90 người, ít hơn nhiều so với số lượng thủy thủ trên tàu ngầm Mỹ. Điều này cho thấy mức độ tự động hóa của tàu ngầm Nga cao hơn. Nhìn từ bên ngoài, tàu ngầm lớp Yasen giống với tàu ngầm thế hệ trước lớp Akula nhưng khoang chiến đấu lại nằm sát gần mũi tàu hơn. Ngoài ra, trên tàu ngầm lớp Yasen còn có chỗ để triển khai các ống phóng thẳng đứng.

Cuộc chiến tàu ngầm Nga - Mỹ

Tàu ngầm Severodvinsk lớp Yasen của Nga. Nguồn: tvzvezda

Tàu ngầm Severodvinsk có hệ thống sonar mảng pha đa chức năng Irtysh-Amfora với một mạng lưới anten hình cầu phía trước, một mảng anten gắn ở thân tàu và một mảng anten kéo để phát hiện mục tiêu phía sau. Trên tàu ngầm này còn được lắp đặt radar MRK-50 Albatross để dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu mặt nước. Ngoài ra, tàu ngầm này cũng có một thiết bị gây nhiễu điện tử Rim Hat. Theo tài liệu Combat Fleets of the World (Những hạm đội tàu chiến trên thế giới) của Viện Hải quân Mỹ, tàu ngầm Severodvinsk được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650KPM với công suất 200 megawatt. Lò phản ứng này đảm bảo cho tàu ngầm Severodvinsk có thể đạt tốc độ lên đến 16 hải lý/ giờ  khi nổi và 31 hải lý/giờ khi lặn. Theo các nguồn tin khác, tốc độ của tàu ngầm Severodvinsk lớn hơn một chút, lên đến 35 hải lý/ giờ và nó có thể di chuyển không tiếng ồn dưới lòng đại dương với tốc độ 20 hải lý/ giờ.

Vũ khí của tàu ngầm lớp Yasen bao gồm 4 ống ngư lôi tiêu chuẩn có đường kính 10.533 mm và 4 ống phóng ngư lôi với đường kính 650 mm. Chúng có thể chứa các ngư lôi tự tìm mục tiêu và tên lửa 3M54 Kalibr ở các phiên bản chống tàu, mặt đất và chống ngầm. Các tàu ngầm lớp Yasen đều được trang bị 24 ống phóng tên lửa thẳng đứng sau tháp chỉ huy, mỗi ống có khả năng mang theo các tên lửa chống tàu siêu thanh P-800 Onyx.

"Con dao Thụy Sĩ"

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ hay còn được gọi là “con dao Thụy Sĩ” được phát triển để thay thế tàu ngầm lớp Seawolf. Chiếc tàu này có đặc tính xuất sắc, nhưng lại cực kỳ đắt. Tàu ngầm lớp Virginia đã hoạt động hết sức hiệu quả và trở thành trụ cột trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ.

Sở hữu chiều dài 115 m, tàu lớp Virginia ngắn hơn tàu Yasen của Nga 5 m. Về lượng giãn nước, tàu lớp Virginia lại kém tàu ngầm lớp Yasen 2 lần. Thủy thủ đoàn của tàu lớp Virginia gồm 113 người.

Cuộc chiến tàu ngầm Nga - Mỹ

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Nguồn: inosmi

Tàu Virginia sử dụng lò phản ứng hạt nhân General Electric S9G. Tàu có tốc độ di chuyển khi nổi là 25 hải lý/giờ và 35 hải lý/giờ khi lặn. Với tốc độ 25 hải lý/giờ, tàu Virginia không gây tiếng ồn.

Giống như đối thủ đến từ Nga, hệ thống sonar chính của Virginia có hình cầu và được triển khai ở mũi tàu. Tuy nhiên, bắt đầu từ series Block III, hệ thống sonar BQQ-10 được thay bằng hệ thống sonar cỡ lớn, cũng được triển khai ở mũi tàu. Mạng lưới anten bên phải và trái tàu đặc biệt thích hợp để phát hiện tàu ngầm điện-diesel của đối phương. Việc tìm kiếm và phát hiện mục tiêu ở phía sau đuôi tàu được giao cho mạng lưới anten TV-29(A). Cuối cùng, một mảng sonar tần số cao gắn trên nóc và mũi tàu cho phép tàu ngầm lớp Virginia phát hiện và tránh thủy lôi.

Tàu ngầm lớp Virginia có tất cả 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, đảm bảo có thể phóng ngư lôi tự tìm mục tiêu hạng nặng Mk.48 (ADCAP) để chống lại tàu nổi và tàu ngầm. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Virginia cũng sở hữu tên lửa chống tàu UGM-84 Sub-Harpoon. Các phiên bản trước đây của tàu lớp Virginia có thể sử dụng 12 tên lửa Tomahawk, được đặt trong các ống phóng thẳng đứng, nhưng trong series Block III, tàu được trang bị 2 cụm ống phóng module với cùng số lượng tên lửa mang theo như trên. Và từ phiên bản Block V, tàu Virginia sẽ tăng số lượng ống phóng lên, khi đó mỗi tàu sẽ có thể mang được khoảng 40 quả tên lửa Tomahawk trên boong.

So tài cao thấp

Chiến thắng sẽ thuộc về ai khi tàu lớp Virginia Block III của Mỹ và tàu ngầm lớp Severodvinsk Nga so tài?

Cả hai tàu ngầm này đều trở thành đỉnh cao về ý tưởng kỹ thuật và công nghệ phát triển tàu ngầm của Nga và Mỹ. Tàu Severodvinsk lớp Yasen của Nga có thể di chuyển chậm hơn, nhưng lại có thể lặn sâu hơn. Tàu lớp Virginia của Mỹ có thể di chuyển nhanh hơn nhưng theo thông tin từ tài liệu Combat Fleets of the World (Những hạm đội tàu chiến trên thế giới), vỏ tàu chỉ mới được thử nghiệm ở độ sâu 488m. Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ di chuyển ít tiếng ồn hơn tàu ngầm Nga, và nó có hệ thống sonar tốt hơn. Trong cuộc chiến dưới nước, đây là một sự kết hợp chưa từng có. Tuy nhiên, tàu ngầm Severodvinsk của Nga, mang theo tên lửa chống tàu, có khả năng phản ứng nhanh hơn với các mục tiêu đột nhiên xuất hiện.

Trong tương lai gần, tính hiệu quả của hệ thống sonar trên tàu ngầm lớp Virginia sẽ tăng lên do cập nhật chương trình thường xuyên. Tàu Severodvinsk không có khả năng cập nhập hệ thống sonar. Ngoài ra, các biện pháp để giảm tiếng ồn của tàu này sẽ không được thực hiện dễ dàng. Nhìn chung, lợi thế có vẻ vẫn nghiêng về tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn