Chuyện chưa kể về “Đại tá Toon” - huyền thoại phi công Việt Nam
HQ Online -
Trong cuộc gặp gỡ giữa các cựu phi công từng tham gia “không chiến” trên bầu trời Hà Nội năm 1972, chúng tôi được nghe các cựu chiến binh Mỹ nhắc nhiều đến cái tên “Đại tá Toon” - một huyền thoại phi công Việt Nam gây khiếp sợ cho phi công Mỹ. Có người cho rằng, đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Bảy. Người thì quả quyết đó là Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát. Người tỏ ra hồ nghi đó là phi công của Liên Xô tham chiến. Những giả thuyết khác cũng đầy thuyết phục, cho rằng đó là phi công Phạm Phú Thái, Lê Thanh Đạo...
Sự ám ảnh trên không trung
Những năm tháng đó, các phi công Mỹ thường xuyên ghi nhận hình ảnh chiếc máy bay MiG-17 mang số hiệu 3020 và chiếc máy bay MiG-21 mang số hiệu 4326, với ký hiệu 13 ngôi sao đỏ trên mũi, biểu hiện cho việc đã bắn hạ 13 máy bay của đối phương. Các phi công Mỹ cho rằng, những chiếc máy bay đó do một phi công Việt Nam điều khiển. Trong những lần bắt được tín hiệu liên lạc trao đổi giữa mặt đất hoặc giữa các phi công với nhau, họ thường xuyên nghe thấy từ “Toon” hoặc “Tomb” được lặp đi lặp lại. Họ cho rằng, đấy là tên của người phi công huyền thoại. Trong những cuộc trao đổi với nhau, họ liên tục thêm thắt các dữ kiện vào cái tên huyền thoại này. “Toon” được “phong” cấp bậc “Đại tá”, thậm chí gán cho cái họ “Nguyễn” rất đặc thù của Việt Nam. Những lời đồn đại này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các phi công Mỹ, dẫn đến việc vội vã ném bom khi chưa đến mục tiêu, hoặc lảng tránh không chiến khi thấy MiG xuất hiện.
Các cựu phi công hai nước Việt Nam - Mỹ gặp gỡ tại San Diego, Mỹ. Ảnh: Vũ Văn Anh
Thiếu tướng, cựu phi công hải quân Mỹ Ranny Cunningham bày tỏ: “Chúng tôi bị ám ảnh suốt từ năm 1967 đến năm 1972 và thường xuyên trò chuyện với nhau về cái tên này. Tôi nghĩ rằng, đó là phi công Nguyễn Văn Bảy. Các bạn nên cảm thấy tự hào về ông Bảy như một vị anh hùng của dân tộc. Ông ấy là một phi công tuyệt vời, người đã bắn hạ 7 máy bay đối phương từ MiG-17 bằng súng từ khoảng cách rất gần, chỉ vài trăm mét. Chúng tôi chưa bao giờ có một phi công nào bắn hạ hơn một máy bay chỉ với một khẩu súng, nhưng ông Bảy đã bắn rơi đến 7 chiếc, với một chiếc máy bay, ông ấy có nhiều cách để chiến đấu. Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời”. Mãi đến ngày 10/5/1972, chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 đã bị chiếc F-4 Phantom II do chính phi công Randy Cunningham và hoa tiêu William Driscoll bắn hạ thì huyền thoại về “Đại tá Toon” mới kết thúc.
Những chiếc phi cơ huyền thoại
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát cho biết, thông thường, các phi công Mỹ chỉ điều khiển riêng một máy bay, trừ trường hợp máy bay bị bắn hạ hoặc bị hỏng thì họ mới chuyển sang điều khiển máy bay khác. Ngược lại, do số lượng máy bay rất ít, các phi công Việt Nam thường thay phiên nhau sử dụng chung máy bay để chiến đấu. Hầu hết các máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao đều là chiến công của nhiều phi công khác nhau điều khiển nó. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của phi công Mỹ để hình thành nên cái tên huyền thoại: “Đại tá Toon”.
Mãi sau chiến tranh, một số thông tin mới được phía Việt Nam công bố. Theo đó, chiếc máy bay MiG-17F mang số hiệu 3020, là thuộc Trung đoàn 923 Yên Thế. Chiếc máy bay này được nhiều phi công thay phiên nhau điều khiển và họ đã bắn hạ ít nhất 8 máy bay đối phương bằng chính chiếc máy bay này. Hai trong số các phi công đó được xác định là Nguyễn Văn Bảy, người đã bắn hạ 7 máy bay và Lê Hải đã bắn hạ 6 máy bay. Cả hai người về sau đều được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND và tiếp tục cống hiến cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với cựu phi công Mỹ về cách đánh của phi công Việt Nam. Ảnh: Vũ Văn Anh
Ngoài ra, còn có chiếc máy bay MiG-21PF mang số hiệu 4326, từng thuộc Trung đoàn 921 Sao Đỏ. Chiếc máy bay này cũng được xác nhận là do nhiều phi công luân phiên sử dụng và đã từng hạ được 13 máy bay đối phương, trong đó có B52. Sau này, 6 phi công từng điều khiển máy bay này đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Song, kỷ lục lại thuộc về chiếc MiG-21PF số hiệu 4324 thuộc Trung đoàn 921, được sử dụng bởi 12 phi công khác nhau, từng cất cánh chiến đấu 69 lần, tiếp chiến 22 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa đối không, bắn hạ 14 máy bay Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11/1967 đến tháng 5/1968. Trong số 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này, có 9 người đã bắn hạ máy bay đối phương, 7 người được tuyên dương Anh hùng, 5 người trở thành tướng lĩnh của quân đội.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát khẳng định, hầu như các cách đánh mới của Mỹ lần nào xuất hiện, thì không lâu sau, phía Việt Nam đều nghĩ ra cách để phá vỡ được và Mỹ lại phải thay đổi. Sự thay đổi chiến thuật ấy cũng có gây khó khăn cho phía Việt Nam, nhưng chúng ta đã luôn tìm cách để ứng phó và thay đổi rất nhanh, tận dụng thế mạnh của mình, kể cả trong thế mạnh của đối phương mình cũng biến nó thành thế mạnh của mình để tìm ra cách chiến thắng. Nhiều phi công như Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Lê Hải, Lê Thanh Đạo, Vũ Đình Rạng... dù sử dụng vũ khí, khí tài lạc hậu, nhưng đã liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ mà không nhảy dù lần nào.
Trận không chiến 10/5/1972
Năm 2017, khi sang thăm Việt Nam, Thiếu tướng, cựu phi công Ranny Cunningham đã biết “Đại tá Toon” mà mình bắn rơi trong trận không chiến năm xưa là ai. Cựu phi công này kể lại: “Trận không chiến ngày 10/5/1972 là một trong những trận chiến khốc liệt nhất trên bầu trời Việt Nam. Khi người Mỹ bắt đầu quay trở lại đánh phá lần thứ hai hết sức tàn khốc, trận đánh ngày mùng 10 tháng 5, đặc biệt là trận đánh của phi công Trà Văn Kiếm và phi công Randy Cunningham là một trong những trận đánh được thế giới biết đến nhiều nhất, với một huyền thoại là “Đại tá Toon” của Việt Nam và một phi công xuất sắc của Hoa Kỳ. Khi đụng độ với anh Trà Văn Kiếm, ông ta đã phải sử dụng tất cả những kỹ năng của mình và đã hai lần suýt bị anh Kiếm bắn hạ. Điều đáng nói hơn nữa, đó là lần ra trận đầu tiên của anh Kiếm, nhưng anh đã chiến đấu thật ngoan cường với quyết tâm cao độ. Là lớp phi công thế hệ đàn em, chúng tôi coi anh Trà Văn Kiếm là một tấm gương sáng và là niềm tự hào của không quân Việt Nam”.
Rưng rưng thắp hương trên bàn thờ của phi công Trà Văn Kiếm, Thiếu tướng, cựu phi công Runny Cunningham bày tỏ: “Tôi đã từng ao ước và khát khao làm được điều này từ 45 năm nay rồi. Kể cả không có máy bay thì tôi vẫn nguyện đi bộ từ Mỹ sang Việt Nam để thăm mộ của anh Kiếm. Trà Văn Kiếm là một phi công chiến đấu cực kỳ dũng mãnh và điêu luyện. Tôi nhớ, cuộc đụng độ của tôi và anh Trà Văn Kiếm không giống như những cuộc đụng độ khác của tôi với các phi công Việt Nam trước đây. Khi các phi công không cảm nhận được họ có ưu thế là lập tức rút lui ngay, còn anh Trà Văn Kiếm thì chiến đấu với tôi đến phút cuối cùng. Đấy là một phi công giỏi và tôi càng cảm phục hơn khi biết đó là lần ra trận đầu tiên của anh ấy”.
Những năm gần đây, các cựu phi công của hai nước Việt Nam-Mỹ đã gặp gỡ nhau nhiều lần để cùng nói về cuộc chiến, nói về nhau với sự trận trọng, thấu hiểu và hữu nghị. Họ đã cùng viết những cuốn sách mới về không chiến Việt Nam và những bài học để cung cấp tư liệu cho người dân hai nước biết thêm về cuộc chiến tranh trên không với góc nhìn nhiều chiều. Một số cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam để tìm hiểu và đã xác nhận “Đại tá Toon” chỉ là một nhân vật tưởng tượng của các phi công Mỹ, một hình mẫu tổng hợp các phi công giỏi của Việt Nam. Cho dù là “Nguyễn Toon” hay “Đại tá Toon” không có thật, nhưng Việt Nam lại có rất nhiều Nguyễn Toon - những phi công huyền thoại.
Tuệ Lâm
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Luôn sẵn sàng khi ngư dân cần - ( 03-11-24 03:00 )
- Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Vùng 5 - ( 27-10-24 07:00 )
- Lục Yên ấm tình người - ( 26-10-24 07:00 )
- Thường vụ Đảng ủy Quân chủng kiểm tra Đảng ủy Lữ đoàn 131 - ( 04-05-24 09:00 )
- Lữ đoàn Tàu ngầm 189: Sinh hoạt chính trị tư tưởng về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ( 04-05-24 02:00 )