Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động Cảng Quốc tế Cam Ranh-Bộ Quốc phòng

Ngày 27-6-2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng. Để tạo điều kiện cho độc giả hiểu rõ nội dung Quy chế, Phòng Bảo đảm hàng hải/BTM giới thiệu một số nội dung cơ bản như sau:

         Toàn cảnh Cảng quốc tế Cam Ranh

Sự cần thiết phải ban hành quy chế

Căn cứ quân sự Cam Ranh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông và quần đảo Trường Sa; có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa - chiến lược toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á; gần tuyến hàng hải quốc tế, các khu vực dầu khí tại thềm lục địa phía Đông - Nam Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Xuất phát từ mục đích và vị trí quan trọng đó, Bộ Chính trị, Nhà nước và Chính phủ đã cho phép Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Cảng quốc tế Cam Ranh, giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên doanh góp vốn thành lập Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh để triển khai dự án Cảng quốc tế Cam Ranh với chức năng chính là đón tiếp các loại tàu trong và ngoài nước đến thăm và sử dụng các dịch vụ tại Căn cứ quân sự Cam Ranh phục vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, củng cố tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc phòng.

Cảng quốc tế Cam Ranh được khánh thành ngày 08-3-2016 và đã đi vào hoạt động. Để có hành lang pháp lý trong khai thác cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu quân sự nước ngoài đến sử dụng các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa tại Cảng quốc tế Cam Ranh, Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh.

Một số nội dung cơ bản mang tính đặc thù của Quy chế

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng các dịch vụ tại Cảng quốc tế Cam Ranh. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Quy chế này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đó. Về cơ bản nội dung quy định tàu thuyền vào sử dụng dịch vụ tại Cảng áp dụng theo quy định của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định số 104/2012/NĐ-CP ngày 05/12/2012 quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ luật có liên quan khác. Quy chế quản lý hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh có một số quy định đặc thù như sau

           Tàu Hải quân Nhật Bản thăm Cảng quốc tế Cam Ranh

1. Về thời gian cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Cảng để bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng các dịch vụ

Qua việc đánh giá quy trình về thời gian để cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài vào Cảng có thể rút ngắn so với quy định tại Nghị định số 104/2012/NĐ-CP mà vẫn đảm bảo được thời gian thực hiện các công việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép, đồng thời phát huy được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Vì hiện nay, với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa, thủ tục cấp phép dần được thông qua bằng hệ thống điện tử nên sẽ rút ngắn được thời gian trong quá trình làm thủ tục cấp phép. Do vậy, đã điều chỉnh thời gian xem xét cấp phép tại Điều 10 của Quy chế cho tàu quân sự nước ngoài vào Cảng để bảo dưỡng, sửa chữa và sử dụng các dịch vụ còn 12 ngày làm việc. Như vậy Quy chế rút ngắn thời gian so với Nghị định số 104/2012/NĐ-CP là 18 ngày.

Còn đối với các trường hợp tàu quân sự nước ngoài thực hiện các chuyến thăm chính thức, thăm xã giao hoặc phối hợp huấn luyện, diễn tập vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 104/2012/NĐ-CP.

2. Về hoa tiêu hàng hải

Để đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền khi di chuyển trong vùng nước Cảng quốc tế Cam Ranh, hạn chế phát sinh các sự cố có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của Căn cứ quân sự Cam Ranh. Tại Điều 10 của Quy chế quy định: đối với tàu thuyền nước ngoài phải thực hiện chế độ hoa tiêu bắt buộc khi đến và rời hoặc di chuyển trong vùng nước Cảng quốc tế Cam Ranh. Quy định này khác với quy định Nghị định số 21/2012/NĐ-CP và Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định tàu thuyền nước ngoài có tổng dung tích dưới 100 GT không bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải.

3. Về quyền hạn Giám đốc Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh

Cảng quốc tế Cam Ranh là đơn vị được giao thực hiện các hoạt động đặc thù mang tính quốc phòng và ngoại giao bên cạnh việc thực hiện các dịch vụ kinh doanh thông thường. Do đó, cơ chế quản lý điều hành của Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh cần có những đặc thù riêng khác quy định của Luật Doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thông thường khác. Do vậy, Điều 23 của Quy chế quy định theo hướng mở rộng quyền hạn của Giám đốc Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh để đảm bảo tính linh hoạt cần thiết khi xử lý công việc, tăng tính tập trung và đề cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Trên cơ sở quy định của Quy chế này, Điều lệ Công ty, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để quyết định việc ký kết hợp đồng hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

4. Quy chế không lệ thuộc vào Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Tại Khoản 3 Điều 2 Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh ban hành kèm theo Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Các khu vực thực hiện liên doanh, liên kết làm dịch vụ kinh tế trong Căn cứ thực hiện theo quy định riêng”. Cảng quốc tế Cam Ranh được đặt trong khu Căn cứ quân sự Cam Ranh, là khu vực thực hiện dịch vụ kinh tế bên cạnh các nhiệm vụ quốc phòng. Do đó, việc xây dựng cơ chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh là phù hợp với quy định tại Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

  Nguồn do Phòng Bảo đảm hàng hải Hải quân cung cấp

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn