Bộ luật Hàng hải Việt Nam và những nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải Quân sự

HQ Online -

Ngày 8-12-2015 Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có Lệnh số 26/2015/L-CTN công bố ban hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 với 438 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết (chiếm 88,66% tổng số ĐBQH) và 433 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 87,65%).

Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Bộ luật hàng hải (BLHH) là Bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005, Bộ luật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhiều quy định mới được ban hành, các điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết, gia nhập và thực tế hoạt động hàng hải có những thay đổi đòi hỏi BLHH Việt Nam phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động hàng hải, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành hàng hải nói riêng.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách này, được sự phân công của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện BLHH Việt Nam.

Các quy định về chính sách phát triển hàng hải, tàu biển, thuyền viên, cảng biển, vận tải biển và dịch vụ thương mại, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng như việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và bảo hiểm hàng hải, cải cách thủ tục hành chính đã được đề cập trong 20 Chương và 341 Điều của Bộ luật, tăng 2 Chương và 80 Điều so với BLHH Việt Nam năm 2005, Bộ luật có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải nói riêng và kinh tế xã hội Việt Nam nói chung. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BLHH VIỆT NAM NĂM 2015

Thứ trưởng Bộ GTVT giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ luật Hàng hải VN 2015 tại buổi họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Chương I: Những quy định chung (12 điều)

Nội dung cơ bản của chương này quy định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật, đối tượng áp dụng luật là tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam; nguyên tắc chọn Luật và áp dụng Luật nước ngoài, quyền thỏa thuận trong hợp đồng, quyền vận tải nội địa. Nguyên tắc hoạt động hàng hải và chính sách của nhà nước về phát triển hàng hải. Trách niệm quản lý nhà nước về hàng hải, các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải.

Chương II: Tàu biển (37 điều)

Nội dung chương này quy định tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc, điều kiện và thủ tục đăng ký tàu biển Việt Nam; nguyên tắc, trách nhiệm đăng kiểm tàu biển; các giấy tờ và tài liệu của tàu, việc kiểm tra dung tích tàu biển; quyền sở hữu tàu biển, thế chấp tàu biển; quyền cầm giữ hàng hải; đóng mới và sửa chữa tàu biển; nguyên tắc phá dỡ tàu biển.

Theo quy định của Điều 13: Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự.

Chương III: Thuyền bộ và thuyền viên (23 điều)

Quy định về thuyền viên Việt Nam; địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền trưởng; tiêu chuẩn, chế độ, nghĩa vụ và điều kiện của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; hợp đồng thuê thuyền viên, trách nhiệm của chủ tàu.

Chương IV: Cảng biển (32 điều)

Nội dung chương này quy định về cảng biển, chức năng của cảng biển, phân loại cảng biển, quy định về mở, đóng cảng biển; quy hoạch phát triển, đầu tư, xây dựng và khai thác cảng biển; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại cảng biển; quy định về thủ tục tàu thuyền đến và rời cảng biển; quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng, đóng, mở cảng cạn.

Theo quy định của Điều 73: Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển chịu sự quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật này.

Chương V: An toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và bảo vệ môi trường (24 điều)

Đây là một chương được bổ sung mới nội dung quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường với các quy định chi tiết về an toàn, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, quy định về bảo vệ công trình hàng hải và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, phá dỡ tàu biển.

Chương VI: Bắt giữ tàu biển (16 điều)

Do tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ luật đã bổ sung chương mới này, quy định về bắt giữ tàu biển với các quy định chi tiết về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện, thời hạn, các biệp pháp bảo đảm tài chính, tài liệu liên quan trong việc bắt giữ tàu biển và thả tàu biển bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải.

Chương VII: Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (55 điều)

Nội dung của chương quy định hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phân loại hợp đồng vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chứng từ của người vận chuyển, hợp đồng thuê tàu chuyến, hợp đồng vận tải đa phương thức, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của người vận chuyển; người vận chuyển thực tế, người thuê vận chuyển, người gửi hàng, người giao hàng; chứng từ vận chuyển, các quy định liên quan đến việc xử lý hàng hóa bị lưu giữ, thanh toán cước vận chuyển, lưu kho… giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển.

Chương VIII: Hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý bằng đường biển (15 điều)

Nội dung quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, quyền và nghĩa vụ của hành khách; xác định vé đi tàu và bằng chứng giao kết hợp đồng; trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế, giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển.

Chương IX: Hợp đồng thuê tàu (20 điều)

Quy định về hình thức, nguyên tắc của hai loại hợp đồng thuê tàu là thuê tàu định hạn và hợp đồng thuê tàu trần, các nội dung chính của hợp đồng thuê tàu; quyền nghĩa vụ của người thuê tàu và của chủ tàu trong thuê tàu định hạn, thuê tàu trần, trả tàu và thuê mua tàu trong thuê tàu trần.

Chương X: Đại lý tàu biển và môi giới hàng hải (12 điều)

Nội dung chính của chương này quy định về khái niệm người đại lý tàu biển, người môi giới hàng hải, hợp đồng đại lý tàu biển, trách nhiệm của người đại lý tàu biển, của người ủy thác, giá dịch vụ đại lý tàu biển, tiền hoa hồng trong môi giới hàng hải, quyền và nghĩa vụ của người môi giới hàng hải.

Chương XI: Hoa tiêu hàng hải (9 điều)

Quy định về vị trí pháp lý, điều kiện hành nghề, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hoa tiêu hàng hải; chế độ hoa tiêu, tổ chức hoa tiêu; nghĩa vụ của thuyền trưởng và chủ tàu khi sử dụng hoa tiêu.

Chương XII: Lai dắt tàu biển (8 điều)

Quy định về khái niệm lai dắt tàu biển, hợp đồng lai dắt tàu biển, quyền chỉ huy tàu lai dắt, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng lai dắt tàu biển, trách nhiệm bồi thường tổn thất trong lai dắt tàu biển.

Chương XIII: Cứu hộ hàng hải (12 điều)

Quy định về khái niệm cứu hộ hàng hải, hợp đồng cứu hộ hàng hải, nghĩa vụ và quyền hưởng tiền công của người cứu hộ, nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ và phân chia tiền công cứu hộ hàng hải.

Chương XIV: Trục vớt tài sản chìm đắm (9 điều)

Quy định khái niệm tài sản chìm đắm, xác định nghĩa vụ trục vớt của chủ sở hữu tài sản chìm đắm. Quy định thời hạn thông báo và trục vớt tài sản chìm đắm, phân loại xử lý tài sản chìm đắm và thẩm quyền xử lý tài sản chìm đắm.

Chương XV: Tai nạn đâm va (7 điều)

Quy định khái niệm đâm va, nghĩa vụ của thuyền trưởng khi xảy ra đâm va, nguyên tắc xác định lỗi và bồi thường tổn thất trong tai nạn đâm va.

Chương XVI: Tổn thất chung (6 điều)

Nội dung quy định về tổn thất chung, tổn thất riêng, phân bổ tổn thất chung, tuyên bố tổn thất chung và chỉ định người phân bổ tổn thất chung.

Chương XVII: Giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải (5 điều)

Nội dung quy định về người được giới hạn trách nhiệm dân sự, các khiếu nại hàng hải áp dụng giới hạn trách nhiệm dân sự, các khiếu nại hàng hải không áp dụng giới hạn trách nhiệm dân sự, mức giới hạn trách nhiệm dân sự và lập quỹ bảo hiểm bồi thường.

Chương XVIII: Hợp đồng bảo hiểm hàng hải (34 điều)

Quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải, đối tượng bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm hàng hải, các quyền lợi được bảo hiểm, nghĩa vụ của người được bảo hiểm, giá trị bảo hiểm, chuyển nhượng quyền theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm bao, thực hiện hợp đồng bảo hiểm hàng hải, chuyển quyền đòi bồi thường, từ bỏ đối tượng bảo hiểm và giải quyết bồi thường.

Chương XIX: Giải quyết tranh chấp hàng hải (3 điều)

Quy định về tranh chấp hàng hải, nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải.

Chương XX: Điều khoản thi hành (2 điều)

Quy định về hiệu lực áp dụng Bộ luật, bãi bỏ BLHH năm 2005.

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HÀNG HẢI NĂM 2015 LIÊN QUAN ĐẾN CÁC HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI QUÂN SỰ

Phạm vi điều chỉnh BLHH Việt Nam năm 2015 (Điều 1), quy định hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về: Tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.e

Ngoài ra, Điều 1 còn quy định: Đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thuỷ nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thuỷ phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi, cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thuỷ nội địa chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể của Bộ luật này.

Các quy định này được hiểu là các tàu quân sự, cảng quân sự phục vụ cho mục đích quân sự cơ bản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật ngoại trừ các trường hợp có quy định cụ thể trong Bộ luật.
Căn cứ vào quy định trên, các nội dung sau đây của BLHH Việt Nam năm 2015 được áp dụng đối với tàu quân sự, cảng quân sự thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

1. An toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Khoản 2 Điều 105 quy định: Tàu quân sự khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam phải tuân theo chỉ dẫn của các báo hiệu hàng hải và chấp hành quy tắc phòng ngừa đâm va theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Cảng quân sự nằm trong vùng nước cảng biển

Khoản 4 Điều 73 quy định: Cảng quân sự nằm trong vùng nước cảng biển trong hoạt động và xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trên trong vùng nước cảng biển.

3. Kháng nghị hàng hải

Khoản 5 Điều 118 quy định: Kháng nghị hàng hải cũng được áp dụng đối với các loại tàu thuyền khác hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Kháng nghị hàng hải là văn bản do thuyền trưởng lập, công bố hoàn cảnh tàu biển gặp phải và những biện pháp thuyền trưởng đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh đó, hạn chế tổn thất xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ tàu và những người có liên quan.

4. Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải

Khoản 2 Điều 122 quy định: Khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu khác gặp nạn trên biển, vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu và những người đang ở trên tàu của mình thì phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết. Ngoài ra Khoản 1 Điều 122 còn quy định: Tàu thuyền và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định.

Như vậy, tàu quân sự không những có nghĩa vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải mà còn có quyền phát tín hiệu cấp cứu khi cần yêu cầu trợ giúp.

5. Lai dắt tàu biển

Lai dắt tàu biển, theo quy định của Bộ luật là thực hiện lai dắt theo hợp đồng. Lai dắt tàu biển theo hợp đồng bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển, nếu xảy ra tổn thất thì trách nhiệm bồi thường tổn thất được xác định như sau:

- Chủ tàu của tàu có thuyền trưởng giữ quyền chỉ huy đoàn tàu lai dắt phải chịu trách nhiệm bồi thường về các tổn thất đối với tàu, người và tài sản trên tàu của các thành viên khác trong đoàn tàu lai dắt, nếu không chứng minh được rằng các tổn thất đó xảy ra ngoài phạm vi trách nhiệm của mình.

- Chủ tàu của tàu thành viên khác không phải tàu giữ quyền chỉ huy trong đoàn tàu lai dắt, phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất đối với tàu, người và tài sản trên tàu của các thành viên khác, nếu tàu mình có lỗi gây ra tổn thất đó cho đoàn tàu.

- Nếu đoàn tàu lai dắt gây thiệt hại cho bên thứ 3 thì các bên của hợp đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo mức độ lỗi của mỗi bên.

6. Cứu hộ hàng hải

Cứu hộ hàng hải là hoạt động cứu tàu biển hoặc các tài sản trên tàu biển thoát khỏi nguy hiểm hoặc hành động cứu trợ tàu biển đang bị nguy hiểm trên biển, trong vùng nước cảng biển (Khoản 1 Điều 264). Cứu hộ hàng hải theo quy định của Bộ luật là thực hiện cứu hộ theo hợp đồng.

- Trong quá trình thực hiện cứu hộ, người cứu hộ có nghĩa vụ sau:

+ Tiến hành việc cứu hộ một cách mẫn cán.

+ Áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa hoặc giảm thiệt hại cho môi trường.

+ Phải yêu cầu sự hỗ trợ của những người cứu hộ khác trong trường hợp cần thiết.

+ Chấp nhận hành động cứu hộ của những người cứu hộ khác khi có yêu cầu hợp lý của chủ tàu, thuyền trưởng của tàu biển hoặc chủ của tài sản đang gặp nguy hiểm. Trong trường hợp này, số tiền công của người cứu hộ đó không bị ảnh hưởng, nếu việc cứu hộ của những người cứu hộ khác là bất hợp lý.

- Chủ tàu, thuyền trưởng của tàu biển hoặc chủ của tài sản đang gặp nguy hiểm có nghĩa vụ sau: (Khoản 2 Điều 265)

+ Hợp tác với người cứu hộ trong suốt quá trình thực hiện cứu hộ.

+ Phải hành động mẫn cán để ngăn ngừa hoặc giảm thiệt hại cho môi trường khi đang được cứu hộ.

+ Khi tàu biển hoặc các tài sản khác được cứu hộ được đưa đến địa điểm an toàn, phải giao lại tàu biển hoặc tài sản đó cho người cứu hộ, nếu người cứu hộ yêu cầu hợp lý.

a) Tiền công cứu hộ (Điều 266)

- Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý.

- Hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển được cứu thì không được trả tiền công cứu hộ.

Tuy nhiên các bên tham gia hợp đồng cứu hộ hàng hải có quyền yêu cầu huỷ bỏ hoặc thay đổi những thoả thuận không hợp lý trong hợp đồng, nếu:

* Các thoả thuận này được giao kết trong tình trạng nguy cấp và bị tác động bởi tình trạng đó.

* Chứng minh được là bị lừa dối, lợi dụng khi giao kết.

* Khi tiền công cứu hộ quá thấp hoặc quá cao so với thực tế được cung cấp.

b) Nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ (Điều 267)

- Tiền công cứu hộ được thoả thuận trong hợp đồng, nhưng phải hợp lý và không được vượt quá giá trị của tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ

- Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thoả thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở sau đây:

+ Giá trị của tàu biển và tài sản cứu được.

+ Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường.

+ Hiệu quả cứu hộ của người cứu hộ.

+ Tính chất và mức độ nguy hiểm của tai nạn.

+ Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc cứu hộ tàu biển, người và tài sản trên tàu biển.

+ Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan của người cứu hộ.

+ Rủi ro về trách nhiệm và rủi ro khác đối với người cứu hộ hoặc thiết bị cứu hộ.

+ Tính kịp thời của hoạt động cứu hộ do người cứu hộ thực hiện.

+ Tính sẵn sàng, năng lực của tàu và các thiết bị khác sử dụng trong việc cứu hộ.

+ Tính sẵn sàng, hiệu quả và giá trị của các thiết bị cứu hộ.

- Tiền công cứu hộ có thể bị giảm hoặc không được công nhận, nếu người cứu hộ đã tự gây ra tình trạng phải cứu hộ hoặc có hành động trộm cắp, lừa đảo, gian lận khi thực hiện hợp đồng cứu hộ.
Ngoài được hưởng tiền công cứu hộ trên, người cứu hộ có thể được hưởng tiền công đặc biệt trong cứu hộ hàng hải mà chưa được hưởng theo quy định trên, tiền thưởng cứu người trong tiền công cứu hộ.

7. Vấn đề trục vớt tài sản chìm đắm và thẩm quyền trục vớt tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng

- Tài sản chìm đắm quy định trong Bộ luật được hiểu là các loại tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trong vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam.

- Thẩm quyền xử lý tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng, tại Khoản 3 Điều 284 quy định, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự.

8. Tai nạn đâm va

- Đâm va tàu là một loại tai nạn giao thông xảy ra trên biển, trong vùng nước cảng biển giữa tàu biển với các loại phương tiện hoặc các cấu trúc công trình khác. Hình thức xảy ra đâm va tàu thường là đâm va trực tiếp và đâm va không trực tiếp.

- Đâm va tàu không trực tiếp là tàu được xác định có lỗi gây ra tổn thất cho tàu, người và tài sản trên tàu khác vì một nguyên nhân nào đó mà không có sự đâm va trực tiếp vào.

- Tuy nhiên khi tai nạn đâm va xảy ra theo quy định của Bộ luật thuyền trưởng của tàu liên quan đến tai nạn đâm va có nghĩa vụ sau:

+ Tiến hành cứu người, tàu và tài sản trên tàu khác, nếu hành động đó không gây ra sự nguy hiểm đặc biệt cho người, tàu và tài sản trên tàu của mình.

+ Ngay sau khi đâm va, thuyền trưởng các tàu liên quan đến tai nạn đâm va có nghĩa vụ trao đổi cho nhau biết tên tàu, hô hiệu, nơi đăng ký, cảng rời cuối cùng và cảng định đến.

- Nguyên tắc xác định lỗi và bồi thường tổn thất trong tai nạn đâm va:

+ Tàu có lỗi gây ra tai nạn đâm va phải bồi thường tổn thất về tàu, người và tài sản liên quan đến tai nạn đâm va đó. Trường hợp có hai hoặc nhiều tàu cùng có lỗi trong một tai nạn đâm va thì trách nhiệm bồi thường được phân bổ tùy theo mức độ lỗi của mỗi bên; nếu mức độ lỗi bằng nhau hoặc khi không xác định cụ thể mức độ lỗi của mỗi bên thì trách nhiệm bồi thường được phân bổ đều cho tất cả các bên.

+ Khi chưa xác định được lỗi một cách rõ ràng thì không tàu nào bị coi là đã có lỗi gây ra tai nạn đâm va.

+ Trong trường hợp bồi thường tính mạng, thương tích hoặc tổn hại khác về sức khoẻ con người, các tàu có lỗi phải chịu trách nhiệm liên đới.

- Ngoài các quy định trên, tại Khoản 5 Điều 287 còn quy định: Tàu quân sự đang làm nhiệm vụ ở vùng diễn tập quân sự và vùng cấm hoạt động hàng hải đã được công bố có lỗi gây ra tai nạn đâm va được miễn trách nhiệm bồi thường, nhưng thuyền trưởng phải thực hiện nghĩa vụ:

+ Cứu người, tàu và tài sản trên tàu khác, nếu hành động đó không gây ra sự nguy hiểm đặc biệt cho người, tàu và tài sản trên tàu của mình.

+ Trao đổi cho nhau biết tên tàu, hô hiệu, nơi đăng ký, cảng rời cuối cùng và cảng định đến.

9. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam

Theo quy định của Bộ luật (Điểm d Khoản 4 Điều 95 và Điều 255), tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam bắt buộc phải sử dụng hoa tiêu hàng hải Việt Nam. Quy định này là phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đồng thời bảo đảm thực thi chủ quyền và quyền tài phán của Nhà nước ta.

Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, cán bộ, chiến sỹ trong toàn Quân chủng cần phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung quy định của Bộ luật để thực hiện tốt những nội dung quy định có liên quan và bảo đảm giám sát thực thi có hiệu quả các quy định của Bộ luật góp phần bảo đảm thực thi chủ quyền của Nhà nước ta trên biển.
Chi tiết của Bộ luật: tải về tại đây.

Nguồn do Phòng Bảo đảm hàng hải Hải quân cung cấp

http://thuydacvietnam.org.vn/cttl/199-192-50-bo_luat_hang_hai_nam2015

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn