Chiến thắng 30-4 - Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4 cách đây 42 năm, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền. Toàn bộ nội các của tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh bị bắt sống và phải tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện. Nước nhà từ đây thực sự độc lập, thống nhất, non sông từ đây nối liền một dải.

Sự kiện Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 cũng là dấu mốc kết thúc cuộc trường chinh suốt 30 năm của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Để tiến được vào sào huyệt cuối cùng của giặc, từ đầu tháng 3-1975, quân và dân ta đã tiến hành liên tiếp cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, với các chiến dịch then chốt, quyết định như: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ tháng 3-1975) thắng lợi, ta đã phá vỡ một mảng lớn quân địch trên cao nguyên, cắt đôi thế bố trí chiến lược của quân ngụy, đẩy chúng vào nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng đã mở ra thời cơ để ta giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975 theo quyết tâm của Bộ Chính trị trong hội nghị ngày 1-4-1975. Đúng như dự kiến của Bộ Chính trị, chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Bác Hồ đã được thực hiện và giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30-4-1975. Như vậy là chỉ trong 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy (từ ngày 4-3 bắt đầu Chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 30-4-1975) với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, bằng sức mạnh áp đảo cả về quân sự, chính trị, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy quân sự khổng lồ và hiện đại của chính quyền tay sai được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Quân và dân ta đã làm tan rã đội quân lên tới 1,1 triệu người, trong đó có 4 quân đoàn chủ lực, 6 sư đoàn không quân và hàng chục trung, lữ đoàn pháo binh, hải quân của quân ngụy.

Các chiến sĩ Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

Chiến thắng 30-4 là kết quả từ sự đấu tranh, hy sinh, kiên gan bền bỉ suốt 30 năm của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đó cũng là kết quả từ sức mạnh tổng hợp xuất phát từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng này cũng xuất phát từ tinh thần khát khao độc lập, tự do, khát khao hòa bình thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thế nên Chiến thắng 30-4 là vô cùng to lớn, vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang tầm thời đại; thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí của người Việt Nam, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược.
Chiến thắng 30-4 đã tạo cho chúng ta một nền tảng về hòa bình, độc lập, thống nhất để cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng đó cũng tạo cho chúng ta một vị thế mới trên trường quốc tế. Vì vậy, ý nghĩa, bài học của Chiến thắng 30-4 cần phải được duy trì, vận dụng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, nâng cao vị thế đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này thì phải dựa vào sức mạnh nội sinh, do đó tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục được duy trì, củng cố bảo đảm ngày càng bền chặt. Đoàn kết phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài. Để tạo dựng được cái nền của tinh thần đoàn kết thì trước hết toàn Đảng phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần phải làm cho mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên luôn trở nên trong sạch thì mới có thể đảm đương được vai trò hạt nhân nòng cốt xây dựng tình đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào các nhiệm vụ chiến lược. Do đó cần tiếp tục siết chặt kỷ luật của Đảng, không ngừng củng cố năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xử lý nghiêm các đảng viên vi phạm để lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng. Bên cạnh đó, mọi hành động, hành vi xuyên tạc, hòng xâm hại, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là lực lượng nòng cốt làm nên Chiến thắng 30-4-1975. Bằng các đòn tiến công quân sự dồn dập, các đơn vị chủ lực của Quân đội ta đã đập tan mọi sự kháng cự của quân ngụy Sài Gòn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với lực lượng tương đương 5 quân đoàn, với cách đánh thông minh, táo bạo, ta đã chia cắt toàn bộ quân chủ lực ngụy, không cho chúng co cụm về Sài Gòn để cố thủ. Bộ đội ta đã tổ chức thọc sâu cấp binh đoàn, chiếm ngay các cơ quan đầu não và làm tê liệt toàn bộ hệ thống điều hành, chỉ huy của quân ngụy và chính quyền Sài Gòn. Chính cách đánh đó đã giữ cho thành phố Sài Gòn được nguyên vẹn như chưa hề có một cuộc chiến tranh.

Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó ưu tiên một số binh chủng, quân chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Từ truyền thống anh hùng, từ những chiến công hiển hách, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định bản lĩnh và sức mạnh của mình trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các đơn vị đang ngày đêm ra sức huấn luyện, lao động, công tác, có mặt trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, sát cánh với nhân dân, cùng khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xứng đáng với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân đã mến tặng.

Nghĩ về ngày chiến thắng, chúng ta càng không thể quên công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên suốt chặng trường chinh của dân tộc, không thể quên những gia đình có công với nước. Vì thế toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, quyết tâm không để đối tượng chính sách nào sống trong nghèo khó.

Đã 42 năm trôi qua nhưng Chiến thắng 30-4 vẫn tươi rói về ý nghĩa và bài học, để mỗi chúng ta hôm nay, khi nghĩ về chiến thắng lại thấy như được tiếp thêm động lực mới, để tiếp tục lao động cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn