Cảnh giác với hiện tượng giả danh công an để lừa đảo
Những ngày qua, trên địa bàn TP. Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc giả danh cơ quan công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngăn chặn tình trạng này đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, đòi hỏi việc gia tăng các biện pháp xử lý, tuyên truyền của cơ quan chức năng, sự cảnh giác của người dân.
Mặc dù Công an thành phố đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn mạo danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn nhiều người bị “sập bẫy” của các đối tượng. Mới đây, ngày 12/8, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của chị P. (sinh năm 1980; ở quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng thông báo chị P. có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản, chị P. phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi giả danh cán bộ công an để trục lợi, lửa đảo
Trước đó, Công an quận Đống Đa cũng đã tạm giữ 3 đối tượng: Đoàn Trung Dũng (sinh năm 1990; ở xã Võng La, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Thới Minh Nhật (sinh năm 1996; ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), Trần Quang Định (sinh năm 1996; ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng này đã giả mạo Công an thành phố Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng gọi điện thoại cho nạn nhân H. (sinh năm 1952; ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) thông báo liên quan đến vụ tai nạn giao thông và đường dây buôn bán ma túy. Do lo sợ và tin tưởng là thật, nên ông H. đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho các đối tượng. Làm theo hướng dẫn, ông H. thấy tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,2 tỷ đồng. Biết bị lừa nên ông H. đã đến cơ quan công an để trình báo sự việc.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại, các cấp, các ngành thành phố đã triển khai nhiều biện pháp và bước đầu có những chuyển biến tích cực. Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, Công an quận đã thành lập nhóm Zalo giữa Công an khu vực với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm; niêm yết biển cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao ý thức cảnh giác…
Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè và thông báo ngay với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh…
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bán thuốc online, mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản - ( 27-11-24 09:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ( 13-11-24 03:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn quảng bá tệ nạn thông qua các chiến dịch miễn phí - ( 09-11-24 08:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông qua mời xem phim online và bình chọn được trả phí - ( 22-10-24 07:00 )