Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tuyển dụng qua tin nhắn
Vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết: Công an huyện Chương Mỹ đang điều tra, xác minh vụ việc một phụ nữ trình báo bị lừa gần 500 triệu đồng. Theo cơ quan công an, ngày 22/6/2022, chị C. (SN 1992, trú tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) lên mạng xã hội tìm việc làm online và được hướng dẫn tải app VINASUN làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng, hưởng tiền hoa hồng chênh lệch từ 10% đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, chị C. được yêu cầu nạp thêm tiền mới nhận được tiền gốc và thưởng, nếu không sẽ bị khóa tài khoản. Biết mình bị lừa, chị C. đến cơ quan công an trình báo.
Một hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua tin nhắn tuyển dụng. Ảnh: Minh Hà
Trên trang Facebook cá nhân, chị Nguyễn Thị Mến ở Hải Dương cho biết, đã bị lừa mất gần 200 triệu đồng sau khi đăng ký làm việc online tại nhà. Cụ thể, đầu tháng 5/2022, chị Mến có nhu cầu tìm việc làm và tìm thấy trên một trang Facebook có thông báo tuyển dụng cộng tác viên (CTV) của trang thương mại điện tử không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Chị Mến liên hệ kết bạn Zalo với người xưng là nhân viên tư vấn của công ty giới thiệu công việc và được quảng cáo về mức hoa hồng hấp dẫn mà các CTV có thể nhận được sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Khi nhận việc, chị Mến được hướng dẫn làm CTV thanh toán đơn hàng và được hứa hẹn nhận lại mức hoa hồng từ 10% đến 20% cho mỗi đơn hàng thanh toán. Ở nhiệm vụ đầu tiên, chị Mến thao tác mua đơn hàng trị giá 289 nghìn đồng, sau 5-7 phút họ sẽ hoàn lại cả gốc và 20 nghìn đồng tiền hoa hồng rất nhanh chóng. Để tạo lòng tin tuyệt đối nơi chị Mến, công ty tiếp tục chuyển khoản hoa hồng sau khi chị hoàn thành đơn hàng thứ hai. “Càng về sau, đơn hàng được phía công ty yêu cầu càng đắt tiền như xe máy, ti-vi… vì lỡ thanh toán số tiền lớn rồi cho nên tôi cố gắng hoàn thành đơn hàng để lấy lại vốn.
Tổng số tiền cho các đơn hàng hơn 200 triệu đồng. Sau đó tôi liên hệ nhiều lần với phía công ty nhưng không liên lạc được. Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa. Tôi vay mượn bạn bè số tiền này, giờ phải tìm công việc khác để trả nợ”, chị Mến cho biết.
Cũng từng là nạn nhân, chị Huyền Anh trú tại Hà Nội cho biết, thông qua mạng xã hội, chị được biết có một nhóm bán hàng đăng tin tuyển CTV làm công việc đăng bài viết về sản phẩm của nhóm trên trang cá nhân rồi sẽ trả lương cho cá nhân đăng bài. Khi chị Huyền Anh tham gia được ít ngày, có một địa chỉ-rất có thể do các đối tượng lừa đảo trong nhóm bán hàng nêu trên tạo ra, đặt hàng 70 thỏi son. Sau đó, chị Huyền Anh đặt cọc 1,5 triệu đồng từ nhóm trên để nhận hàng rồi giao hàng cho địa chỉ đặt hàng.
Tuy vậy, địa chỉ đặt hàng lại không có thật, trong khi liên hệ lại địa chỉ nhóm trên để trả lại hàng thì đó là địa chỉ ảo. Chia sẻ về vấn đề này, chị Huyền Anh muốn cảnh báo rằng, số tiền 1,5 triệu đồng tuy không lớn, nhưng cũng là bài học để qua đó mọi người cảnh giác khi làm CTV với những trang bán hàng trên mạng xã hội.
Thực tế thời gian qua, cùng với sự bùng nổ của xu hướng bán hàng trực tuyến, các cơ quan chức năng đã cảnh báo về các “chiêu trò” của một số đối tượng để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền thông qua các hình thức tuyển nhân viên bán hàng online. Song do thiếu hiểu biết và hám lời không ít người vẫn bị mắc bẫy. Trung tá Vũ Hải Đăng (Công an quận Ba Đình, TP Hà Nội), cho biết, rất nhiều người bị sập bẫy lừa đảo từ hình thức tuyển CTV thanh toán đơn hàng ảo.
Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là người nhẹ dạ cả tin, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, không có việc làm, muốn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Hiện chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo CTV bán hàng trực tuyến và số vụ việc mà nạn nhân tố cáo với cơ quan công an và cơ quan chức năng rất ít vì số tiền bị chiếm đoạt không lớn đối với người bị hại. Lợi dụng thực tế này, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người nhẹ dạ trên môi trường mạng internet.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, cùng với các biện pháp ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng, người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn nêu trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu; không nên liên hệ qua các tài khoản mạng xã hội khi chưa xác định được độ tin cậy, tính an toàn. Khi làm CTV cho các công ty, doanh nghiệp hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Nhân Dân điện tử
“Hoạt động tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để lừa đảo người khác. Các giao dịch đều không được cam kết hay bảo đảm bằng quy định pháp luật vì hoạt động hoàn toàn trên không gian mạng, cho nên mang tính rủi ro cao. Hành vi nêu trên của các đối tượng được coi là dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Luật sư Nguyễn Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bán thuốc online, mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản - ( 27-11-24 09:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ( 13-11-24 03:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn quảng bá tệ nạn thông qua các chiến dịch miễn phí - ( 09-11-24 08:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông qua mời xem phim online và bình chọn được trả phí - ( 22-10-24 07:00 )