Cảng Container Quốc tế Hải Phòng : Dấu ấn mới của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tại khu vực phía Bắc
HQVN -
Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HICT) đã đón chuyến tàu đầu tiên và chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 5-2018, trở thành cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, HICT vẫn từng bước phát triển và khẳng định được vị thế của mình qua những con số ấn tượng đã đạt được từ các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị cảng HICT cho biết: Sản lượng thông qua cảng năm 2018 đạt 64.190 TEUs, sản lượng nâng hạ bãi đạt 119.198 TEUs, sản lượng đóng rút đạt 180 TEUs. Cảng đã đón 127 chuyến tàu cập cầu cảng, trong đó có 125 chuyến tàu nước ngoài và 2 chuyến tàu nội địa. Trọng tải tàu lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại là 6 nghìn TEUs, lớn gấp 3 lần so với những tàu cập các cảng khác của Hải Phòng. Hiện nay, HICT đón 5 chuyến tàu/tuần, bao gồm 3 chuyến của hãng tàu MCC; 2 chuyến của 2 liên minh: PEL/GSL/KMTC/EMC và WHL/IAL/CSL/OOCL đi thẳng từ Ấn Độ về Hải Phòng, doanh thu đạt 100 tỷ đồng.
Một góc cảng container nước sâu quóc tế Hải Phòng
HICT nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng-cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cảng tiếp nhận tàu container sức chở 14 nghìn TEUs, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây. Cơ sở hạ tầng và công nghệ xếp dỡ container, kinh doanh kho, bãi và các dịch vụ biển được đầu tư đồng bộ, hiện đại; dịch vụ hoa tiêu, lai dắt tàu chuyên nghiệp.
Nằm ở vị trí thuận lợi, HICT là đầu mối của các tuyến đường thuỷ nội địa, đường ven biển đi đến khu vực Quảng Ninh và toàn bộ các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ; kết nối với cảng feeder Tân cảng 128, Tân cảng 189 và ICD Tân cảng Hải Phòng, ICD Tân cảng Hà Nam của Tổng công ty Tân cảng Sài gòn. HICT kết nối thông thương với cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung bộ và vùng Tây Nam Trung Quốc bằng đường bộ qua cầu Tân Vũ Lạch Huyện ra cao tốc Hải Phòng-Hà Nội.
Cảng HICT cùng với sân bay quốc tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và hạ tầng giao thương giữa Hải Phòng với các tỉnh thành trong nước và vươn ra khắp thế giới; mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tạo động lực cho thành phố cảng cất cánh và phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh phía Bắc.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do mới đi vào hoạt động, các trang thiết bị đang trong thời gian hoàn thiện, song HICT đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các mặt công tác, với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh ấn tượng; bảo đảm tốt công tác an ninh, an toàn, cho thấy nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công nhân, người lao động; trật tự trị an và an ninh chính trị được giữ vững.
Theo Trung tá Lê Mạnh Quân, Phó Giám đốc HITC, từ tháng 8 đến nay, cảng được trang bị nhiều trang thiết bị mới hiện đại và đồng bộ như: 30 xe đầu kéo, 8 cẩu eRTGs, 2 cẩu cố định, 1 xe nâng hàng và 1 xe nâng vỏ... Ngày 10-12 vừa qua, 3 cẩu STS lớn nhất Việt Nam đã chính thức cập cảng HICT, đánh dấu một cột mốc quan trọng để HICT có thể tiếp nhận và khai thác những chuyến tàu lớn với trọng tải lên tới 14 nghìn TEUs. Cẩu STS có tầm với lên tới 65 m, sức nâng đạt 65 MT cho phép khai thác sản lượng nhanh hơn và lớn hơn gấp nhiều lần so với những cảng khác trong khu vực. Dự kiến, đến tháng 2-2019, HICT sẽ có đầy đủ các trang thiết bị bao gồm: 6 cẩu STS, 24 cẩu eRTGs, 2 cẩu cố định, 30 xe đầu kéo, 1 xe nâng hàng, 1 xe nâng vỏ; đáp ứng mọi nhu cầu khai thác của khách hàng.
HICT đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng 24/7 với 2 số điện thoại hotline để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh của khách hàng về chất lượng dịch vụ; đưa website hict.net.vn vào hoạt động từ tháng 9-2018; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến qua mạng internet (E-port) góp phần tối ưu hóa thời gian, chi phí của khách hàng.
Đại tá Trần Khánh Hoàng cho biết thêm: Năm 2019, cảng HICT sẽ tiếp nhận các tàu container cỡ lớn hơn của các hãng tàu lớn nhất trên thế giới có tuyến dịch vụ trực tiếp đi Châu Âu và Châu Mỹ. Số lượng tàu cập cảng cũng dự kiến tăng lên thành 450 chuyến, sản lượng hàng hóa thông qua dự kiến đạt 350-400 nghìn TEUs. HICT triển khai vận chuyển bằng sà lan với 1 bến sà lan chiều dài lên tới 150 m, giúp cho việc thông thương hàng hóa giữa các tỉnh thành thuận tiện hơn.
Bài, ảnh: Thanh Hằng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cần nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hàng hải miền Trung phát triển - ( 11-11-24 07:00 )
- Công ty CP ICD Tân cảng Sóng Thần được vinh danh Top 10 công ty đại chúng - ( 09-11-24 05:00 )
- Công ty cổ phần Tân cảng Tây Ninh-Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ký quy chế phối hợp hoạt động - ( 07-11-24 08:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần thứ 8 liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia - ( 05-11-24 08:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương tại Trung Quốc - ( 03-11-24 03:00 )