Phát triển khu kinh tế-quốc phòng Trường Sa bền vững

HQVN -

Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân khẳng định: “Việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt trên các vùng biển xa là mở ra không gian sinh tồn cho dân tộc không những cho hôm nay mà còn của mai sau”.

Trung tá Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Hải quân cho biết: Sau gần 1 năm thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong Quân đội, việc sáp nhập các đơn vị lưỡng dụng vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế (như Hải đoàn 128, 129) về Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã tạo sức mạnh tổng hợp, nâng nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của Tổng công ty Tân cảng lên một bước lớn, xứng tầm với những thành tích về phat triển kinh tế mà Tổng công ty Tân cảng đã đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ nét nhất hình hài một doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng. Qua việc sáp nhập, Hải đoàn 128, 129 có điều kiện để nâng cao cơ sở vật chất; kỹ năng, trình độ quản lý, khai thác các trang thiết bị mới. Việc sáp nhập cũng tạo sự giao thoa giữa cơ sở bờ với khu kinh tế quốc phòng Trường Sa mà trước đây Hải đoàn 128, 129 đảm nhiệm. Đó là sự nhìn nhận và quyết định đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng với đề xuất của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc tại cảng Container quốc tế Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tại Hải Phòng. Ảnh: Thanh Tùng

Khi sáp nhập Hải đoàn 128, 129 về Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thì các âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa do Hải đoàn 128, 129 quản lý cũng sáp nhập vào hệ thống cảng bờ do Tổng công ty Tân cảng quản lý xuyên suốt từ Bắc đến Nam. Hệ thống cảng biển, cảng bờ của Tổng công ty Tân cảng hiện nay như một cánh tay nối dài, liên kết các cửa cửa ngõ trọng điểm đến các khu trung tâm kinh tế trong nước. Vừa tạo điều kiện phát triển các khu kinh tế của đất nước vừa phải đảm bảo tốt an ninh- quốc phòng ở các khu cảng biển.

Năm 2018 là năm đánh dấu hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa được củng cố tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cung ứng hậu cần, sửa chữa tàu thuyền, phát triển dịch vụ nghề cá và là nơi trú đậu an toàn cho các tàu của ngư dân khi gió bão. Hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa chính là tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về việc phân bổ dịch vụ hỗ trợ ngư dân bám biển, là cơ sở để thực hiện tốt nhất Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.

Theo Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân: Hiện nay, Quân chủng Hải quân đang tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa, đây là hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng trên biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là khoảng cách địa lý, khí hậu...

 Song song với phát triển Khu kinh tế ven biển mà Đảng, Nhà nước đã xác định (tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc), phát triển Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa là phát triển một hệ thống kinh tế biển có tầm nhìn chiến lược. Đây là nhiệm vụ gian nan, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVCQP của Quân chủng Hải quân đang ngày đêm thực hiện, xây dựng nền tảng, làm nòng cốt, tạo không gian mới cho các nền kinh tế cơ bản trong nước; tạo hướng mới để các nhà kinh tế học nghiên cứu về phát triển kinh tế biển ở vùng xa bờ một cách rõ nét nhất.

Cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân ở Âu tàu đảo Song Tử Tây

Thực tế trên thế giới, các nước có nền kinh tế phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Mỹ…. đều có rất nhiều bài học, phương pháp tập trung phát triển kinh tế biển. Vì vậy, việc phát triển kinh tế biển của đất nước gắn với nguồn tài nguyên vô hạn trên biển của chúng ta là cần thiết hơn bao giờ hết để tạo sản phẩm từ nền kinh tế xanh bền vững.

Nhiệm vụ làm kinh tế trên biển không thể nói là hoạt động kinh tế đơn thuần, việc duy trì hoạt động kinh tế biển sạch, ổn định, không ảnh hưởng đến môi trường hoạt động biển còn là bổn phận, trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ: Năm 2019 là năm bản lề, bước sang thời kỳ hội nhập rất rõ nét, khi mà Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, cũng là mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong Quân đội nói chung và doanh nghiệp của Hải quân nói riêng. Không nằm ngoài làn sóng đó, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng liên kết, hợp tác, đầu tư. Các hãng tàu nước ngoài đang dồn về hệ thống cảng biển của Việt Nam. Như vậy, trong những năm tiếp theo, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ tăng vọt về số lượng hàng, tăng hệ thống cảng biển chiến lược, cam kế quốc tế, khẳng định vai trò dẫn dắt hệ thống cảng biển Việt Nam đúng theo chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước.

Với chủ trương “Phát triển hài hòa, tăng trưởng bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, trở thành Tổng công ty kinh tế quốc phòng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển gắn với phát triển Khu kinh tế quốc phòng Trường Sa”, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục với định hướng phát triển bền vững 3 trụ cột “Khai thác cảng, dịch vụ logictics, vận tải và dịch vụ biển”.

Phát triển nền kinh tế biển bền vững, chấp hành đúng luật pháp quốc tế, Luật Biển Việt Nam, đó là nền tảng sức mạnh của nền kinh tế đất nước trên biển, tạo không gian sinh tồn cho dân tộc trên hướng biển sau này.

Thanh Hằng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn