Cách neo đậu tàu cá trong khu tránh trú bão

Khi tàu cá vào nơi trú bão, việc làm đầu tiên phải tìm chỗ neo đậu, tùy điều kiện khu tránh trú bão mà có nhiều phương pháp neo đậu khác nhau để đảm bảo tàu cá an toàn.

Tàu ngư dân neo đậu tại bến Bèo, Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Vũ Hưởng

Nếu diện tích khu neo đậu rộng và có ít tàu đang neo đậu, tốt nhất nên neo tàu một mình riêng biệt sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn. Sau đó, thả 1-2 neo trước mũi tàu với chiều dài dây neo bằng 5-7 lần độ sâu neo.

Nếu trong khu neo đậu có các phao bù hoặc cọc neo buộc tàu, tàu buộc chặt dây neo mũi vào phao bù, cọc neo và xông dây neo ra một khoảng độ dài 5-7 m, sau đó thả thêm neo phía lái. Sử dụng các đệm chống va treo ở mạn tàu để tránh sự va đập giữa các tàu.Khi trong khu neo đậu không có các phao bù, cọc neo và có quá nhiều tàu neo đậu thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, chằng buộc vào các vật sẵn có trên bờ và thả thêm 2 neo phía mũi tàu. Tối đa chỉ được neo 3 tàu liền nhau và giữa các tàu phải có đệm chống va và dây liên kết. Đối với khu neo đậu tàu ở các đảo ngoài biển, chỉ được neo đậu tàu khi bão có cường độ tối đa cấp 9.

Nếu bão có cường độ mạnh từ cấp 10 trở lên thì phải đưa tàu về các khu neo đậu trong bờ, trong sông.Neo đậu ở vụng, vịnh, đầm phá ven biển, chọn những nơi khuất gió nhất và đáy biển là cát, cát pha sét hoặc sét, neo một mình cách biệt với các tàu khác và cách xa các vách đá và các chướng ngại vật khác. Thả 1 - 2 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5 - 7 độ sâu nơi thả neo, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn.

Hải Hà (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn