Thi tìm hiểu truyền thống Phụ nữ Quân đội nhân dân Việt Nam “70 năm chung nhịp bước quân hành” và tham dự triển lãm ảnh “Nét đẹp nữ quân nhân trong thời kỳ đổi mới”
Thực hiện Kế hoạch công tác phụ nữ năm 2016; Công văn số 75/PN ngày 24-2-2016 của Ban phụ nữ Quân đội về triển khai Cuộc thi tìm hiểu truyền thống Phụ nữ Quân đội nhân dân Việt Nam “70 năm chung nhịp bước quân hành” và tham gia Cuộc vận động triển lãm ảnh “Nét đẹp nữ quân nhân trong thời kỳ đổi mới” hướng tới các hoạt động chào mừng Đại hội phụ nữ các cấp trong Quân đội, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; 86 năm Ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10. Sau đây là bộ câu hỏi và đề cương cuộc thi tìm hiểu.
I. CÂU HỎI
Câu 1: Phụ nữ tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu từ khi nào? Trong hoàn cảnh lịch sử nào?
Câu 2: Đồng chí hãy kể về một số đơn vị nữ du kích, nữ tự vệ, nữ giải phóng quân nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp?
Câu 3: Đồng chí hãy nêu những hoạt động nổi bật của phụ nữ lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp và tình hình công tác phụ nữ thời kỳ này?
Câu 4: Đồng chí hãy nêu những nét khái quát về công tác phụ nữ trong quân đội thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược?
Câu 5: Đồng chí hãy cho biết hoạt động của Phụ nữ Quân đội và phương thức tiến hành Công tác phụ nữ Quân đội thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1985); trong giai đoạn đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh (1986-1995)?
Câu 6: Đồng chí hãy cho biết hệ thống cơ quan công tác phụ nữ, tổ chức phụ nữ trong Quân đội được hình thành như thế nào? Những kết quả nổi bật của Công tác phụ nữ toàn quân đến nay?
Câu 7: Đồng chí hãy cho biết trong quá trình phấn đấu và trưởng thành suốt 70 năm qua, phụ nữ quân đội đã có mấy đồng chí được phong quân hàm cấp tướng? đồng chí hãy kể về nữ tướng đầu tiên của Quân đội ta?
Câu 8: Từ khi thành lập đến nay, Phụ nữ Quân đội, Quân khu đã trải qua mấy lần Đại hội? Những thông tin chính của các kỳ Đại hội phụ nữ Quân đội, Đại hội Phụ nữ Quân khu?
Câu 9: Đồng chí hãy nêu các nội dung của Phong trào thi đua "Phụ nữ Quân khu tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc". Hội PNCS cơ sở của đơn vị đã thực hiện phong trào đó như thế nào?
Câu 10: Đồng chí hãy kể về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình trong quá trình tham gia công tác phụ nữ và hoạt động hội? Theo đồng chí chúng ta phải làm gì để công tác phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển?
II. ĐỀ CƯƠNG
Câu 1: Phụ nữ tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu từ khi nào? trong hoàn cảnh lịch sử nào?
Ngay trong ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Cứu quốc quân (đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này), tháng 4 năm 1941, trong 21 chiến sĩ đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hoá) đã có 5 nữ chiến sĩ tham gia. Trung đội Cứu quốc quân thứ hai của Bắc Sơn ra đời vào tháng 9/1941 tại khu rừng Khuổi Nạnh, xã Tràng Xá cũng có 3 phụ nữ tham gia. Chị em được huấn luyện cả về chính trị, quân sự, tích cực tham gia tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, không nao núng trước khó khăn, gian khổ, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Để đáp ứng với tình hình phát triển mới của cách mạng, tháng 12/1944, tại căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, cuối buổi chiều ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim), huyện Nguyên Bình, đã chính thức diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 cán bộ, đội viên được chọn lọc từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng về tập trung. Sau lễ thành lập, tối 22/12/1944, toàn Đội thống nhất ăn một bữa cơm chay không rau, không muối do ba nữ nuôi quân (chị Cầm, chị Loan, chị Thanh) nấu. Bữa cơm đầu tiên của Đội có ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc, biểu thị tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngoài ba chị trực tiếp làm công tác nuôi quân trong những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân còn có rất nhiều chị em làm công tác mua sắm vũ khí, ngụy trang giữ bí mật, vận chuyển lương thảo, vận động nhân dân địa phương tích cực ủng hộ Đội về mọi mặt và làm công tác chuẩn bị cho Đội tổ chức trận đánh đầu tiên ở hai đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944). Chị em đã tích cực tham gia phục vụ chiến đấu như dẫn đường, cảnh giới, vận chuyển thương binh, liệt sĩ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bộ đội, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong các khu căn cứ địa Việt Bắc. Chỉ một tuần sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã có được hai chiến công xuất sắc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng phụ nữ trong những ngày đầu gian khó.
Câu 2: Đồng chí hãy kể về một số đơn vị nữ du kích, nữ tự vệ, nữ giải phóng quân nổi tiếng trong kháng chiến chống pháp?
Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đi đôi với việc phát triển rộng khắp lực lượng vũ trang của quần chúng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, đó là những chi đội, đại đội Vệ quốc quân. Du kích, giải phóng quân, trong đó có nhiều đơn vị nữ được thành lập và góp phần không nhỏ trong thắng lợi chung của cả Dân tộc. Một số đơn vị tiêu biểu như:
- Trung đội nữ tự vệ chiến đấu Minh Khai nằm trong biên chế của Đội tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang nữ đầu tiên của thành phố Hà Nội được thành lập gồm 34 người do chị Đàm Thị Loan chỉ huy. Trụ sở của Trung đội đóng tại trường Hàm Long (nay là trường PTCS Ngô Sỹ Liên). Chị em hăng hái luyện tập quân sự, tham gia giữ gìn trật tự an ninh đường phố, tham gia các hoạt động chống bọn phản động khiêu khích, gây rối, góp phần chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng ở Thủ đô. Tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung đội tại trường Hàm Long, Người đã khen ngợi, động viên chị em phấn đấu theo gương Bà Trưng, Bà Triệu, chiến đấu tốt, học tập, rèn luyện tốt, luôn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giữ gìn kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sau một thời gian hoạt động, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho quân đội, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được biên chế bổ sung vào Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn Thăng Long. Trong 60 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thủ đô, chị em phụ nữ Trung đoàn Thủ đô đã dũng cảm chiến đấu, đảm bảo cơm nước, cứu thương, liên lạc... Điển hình như chị Lê Thị Tuyết Minh, Bí thư chi bộ Tiểu đoàn 101 đã cùng chỉ huy tiểu đoàn lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô.
- Đội nữ tự vệ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập với quân số 42 người do chị Đinh Thị Nhật làm Chỉ huy trưởng. Ngoài nhiệm vụ canh gác các cơ quan chính quyền, bảo vệ trật tự trị an ở địa phương, chị em còn thường xuyên tham gia các buổi huấn luyện quân sự. Đầu năm 1946, chị em phụ nữ thị xã Lạng Sơn và phủ Cao Lộc đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang của tỉnh đánh đuổi quân Tưởng Giới Thạch và tiễu phỉ thắng lợi.
- Đầu năm 1947, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập đại đội Nghĩa quân có 215 chiến sĩ, được biên chế thành 5 trung đội, trong đó có 1 trung đội nữ gồm 18 người, đặt tên là trung đội Trưng Trắc do chị Tâm phụ trách, chị Mứt là Chính trị viên. Trung đội là nòng cốt của Hội phụ nữ cứu quốc của tỉnh. Quán triệt và thực hiện ''Quyết nghị án tổ chức nữ du kích'' của Hội Phụ nữ cứu quốc Tỉnh, phong trào xây dựng các đơn vị nữ du kích ở Bắc Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Năm 1950, toàn tỉnh có 407 tiểu đội nữ du kích, trong đó có 117 tiểu đội được trang bị vũ khí tương đối đủ, 30 tiểu đội đủ khả năng độc lập trực tiếp chiến đấu chống giặc. Lập thành tích xuất sắc chiến đấu giết giặc lập công là 10 tiểu đội nữ du kích xã Đại Tân.
- Sát cánh với phụ nữ các tỉnh biên giới, phong trào nữ du kích các tỉnh như Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình cũng phát triển mạnh mẽ. Bước vào kháng chiến, từ năm 1947 đến chiến dịch Biên Giới, phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã có 915 chị tham gia du kích, 33 chị tham gia bộ đội chủ lực, 714 chị tham gia các đoàn dân công phục vụ các chiến dịch. Tỉnh Hưng Yên, lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân đã phát triển với số lượng tới 7.365 chị em, mỗi xã có một trung đội từ 60-70 người, đã phát huy nhiều hình thức tác chiến mới như hoá trang, độn thổ, phục kích đánh địch, đã đánh 680 trận trên đường 5, đường 39, đường sắt và trên các đường chiến lược, vành đai trắng Tả Ngạn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở tỉnh Thái Bình đã tổ chức các đội ''Nữ du kích căm hờn'', đội đầu tiên được thành lập tại xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, do đồng chí Nguyễn Thị Chiên làm trung đội trưởng. Tiếp đó các đội ''Nữ du kích căm hờn'' lần lượt được thành lập ở các xã Chương Dương, Phú Lương (huyện Đông Hưng), Trực Nội (Đông Quan), Minh Khai (Thư Từ), Tây Sơn (Quỳnh Côi)... Nổi lên tấm gương 15 nữ đội viên du kích xã An Định đã dùng lựu đạn, mìn, liềm, dao chiến đấu dũng cảm trong trận địch tấn công vào làng An Định, một trong những làng kháng chiến mạnh của tỉnh Thái Bình và cuối cùng các chị đã anh dũng hy sinh. Hai chị em Nguyễn Thị May, Nguyễn Thị Mắn khi bị bắt đã nổ lựu đạn diệt nhiều tên địch và hy sinh anh dũng.
- Lực lượng dân quân, nữ du kích Bến Tre đã phát triển đông đảo, rộng khắp và đóng vai trò rất quan trọng cả trong sản xuất nông nghiệp cũng như chi viện cho mặt trận. Các hoạt động vũ trang và đấu tranh chính trị đều kết hợp chặt chẽ với công tác địch ngụy vận, trong đó phụ nữ là lực lượng tham gia rất tích cực. Thấm nhuần phương châm: "Địch ngụy vận quan trọng ngang tác chiến", các chị đã tuyên truyền , vận động nhiều binh lính địch đào ngũ, mang theo cả súng ống, đạn dược sang hàng ngũ ta; đấu tranh chống bắt lính, không cho địch mang quân đi càn quét, bắt bớ, giết hại đồng bào. Chị em còn làm nòng cốt trong việc tiếp lương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương bệnh binh, làm công tác địch vận... Cùng với phong trào nam giới tòng quân lên đường giết giặc, hàng loạt chị em xung phong vào lực lượng vũ trang, làm y tá, cứu thương, thông tin, quân báo, hậu cần…
- Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, thực hiện Quân lệnh số 01 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc (ngày 13 tháng 8 năm 1945) và thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh (ngày 16 tháng 8 năm 1945), dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân đã nhất tề nổi dậy đập tan bộ máy thống trị của địch, thành lập chính quyền cách mạng, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của các đội nữ du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi), nữ tự vệ Hội An, Đà Nẵng (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Gò Duối, La Hai (Phú Yên), nữ du kích Phan Thiết (Bình Thuận)...Ở Nam Bộ, tính đến năm 1950 có 14 vạn nữ du kích "tầm vông diệt giặc".
- Tháng 9 năm 1945, sau CMT8 thành công, ở Quảng Nam đã thành lập đội nữ Giải phóng quân thuộc Chi đội Trần Cao Vân, do đồng chí Phan Quang Trong và đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công) chỉ huy lãnh đạo. Đội nữ Giải phóng quân có quân số tương đương một đại đội, các đội viên nữ đều cắt tóc ngắn, mặc quần soóc, trang bị vũ khí, hàng ngày luyện tập quân sự và làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu như các đơn vị Giải phóng quân khác. Sau đội nữ Giải phóng quân ở Quảng Nam, các tỉnh Nam Trung Bộ đều lần lượt thành lập đội nữ Giải phóng quân, khí thế rất mạnh mẽ. Chị em bắt tay ngay vào công việc đón các chi đội Nam tiến, phục vụ cơm nước, thăm hỏi, tiếp tế mùng mền, quần áo đến tận tay các chiến sĩ. Đặc biệt, chị em đã nhiệt tình hưởng ứng và vận động bà con ủng hộ ''Tuần lễ vàng'' theo sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch.
Câu 3: Đồng chí hãy nêu những hoạt động nổi bật của phụ nữ lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp và tình hình công tác phụ nữ thời kỳ này?
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ Việt Nam không chỉ tham gia công tác tại hậu phương mà còn tham gia đánh giặc trên khắp mọi lĩnh vực, mọi mặt trận, từ vùng địch hậu, vùng du kích đến vùng giải phóng, góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến trường kỳ đến thắng lợi. Phụ nữ lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ này bao gồm mọi mặt hoạt động của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước.
- Một trong những hoạt động nổi bật của phụ nữ lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp là công tác giao liên trinh sát. Nhiều chị đã tham gia vận chuyển thư từ, sách báo, đưa đón cán bộ từ địa bàn này sang địa bàn khác, vượt qua vùng địch chiếm đóng với những đồn, bốt dày đặc đến nơi an toàn. Công việc này đòi hỏi chị em phải sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm, khó khăn, không những phải có lòng dũng cảm mà còn phải nhạy bén, thông minh để kịp thời ứng phó với những tình huống bất trắc, nhất là khi phải đối mặt với kẻ thù. Không ít chị khi bị địch bắt tra tấn dã man đến chết vẫn không chịu khai báo để bảo vệ lực lượng, bảo vệ cán bộ. Các chị làm nhiệm vụ quân báo địch tình đã nắm bắt và kịp thời thông báo những âm mưu thủ đoạn và kế hoạch càn quét của địch, cung cấp những tin tức quan trọng để cấp trên có biện pháp kịp thời xử lý.
Ngoài lực lượng nữ dân quân, tự vệ, du kích ở các địa phương, số lượng chị em tham gia vào các đơn vị bộ đội tập trung (bộ đội chủ lực) cũng ngày càng tăng lên. Chị em có mặt nhiều nhất ở các bộ phận cấp dưỡng nuôi quân, quân y, sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược ở các xưởng quân giới, văn công, văn nghệ... Trong điều kiện cuộc chiến đấu đang ngày càng gian khổ, ác liệt, chị em các đội văn công thuộc Đại đoàn 304, 308, 312 và các đơn vị ở Trung Bộ, Nam Bộ đã ra tận chiến hào, đem lời ca tiếng hát, tiếng đàn động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ hăng hái giết giặc lập công. Ở các binh công xưởng, kho quân khí, nhiều chị đã tham gia làm tốt công tác bảo quản giữ gìn, sữa chữa, cung cấp vũ khí kịp thời phục vụ cho các chiến dịch...
- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công tác phụ nữ lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1944-7/1954) đã hình thành, phát triển, gắn bó với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta. Công tác phụ nữ thời kỳ này đã gắn kết chặt chẽ với các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, phát huy hiệu quả tốt trên các lĩnh vực hoạt động quân sự, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Do điều kiện đặc thù của quân đội trong thời kỳ này không có tổ chức hội phụ nữ, quá trình tiến hành công tác phụ nữ đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy, sự hướng dẫn của cơ quan chính trị các cấp. Nhờ đó, các nội dung, nhiệm vụ công tác phụ nữ trong lực lượng vũ trang nhân dân thường xuyên được thực hiện đầy đủ. Mặc dù thời kỳ này chưa có tổ chức Hội phụ nữ và hệ thống cơ quan công tác phụ nữ trong quân đội (tháng 9/1950, xưởng sửa chữa xe Tiền phong-Cục Vận tải-Tổng cục Cung cấp thành lập Công đoàn, lấy tên là Công đoàn Tôn Đức Thắng. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, kể cả nữ, đều là đoàn viên Công đoàn), nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, sự điều hành của người chỉ huy, sự hướng dẫn của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm mọi chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác phụ vận qua các giai đoạn lịch sử. Đây là nguyên nhân có tính chất quyết định mọi thắng lợi của công tác phụ nữ lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1944-1954). Nội dung công tác phụ nữ lực lượng vũ trang từng bước được hoàn thiện qua từng giai đoạn hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, có đủ khả năng, điều kiện đoàn kết, giáo dục phụ nữ trong và ngoài quân đội phát huy vai trò, truyền thống của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực hoạt động, tích cực phục vụ kháng chiến giành thắng lợi.
Hình thức, biện pháp tiến hành công tác phụ nữ trong lực lượng vũ trang thời kỳ này tuy còn đơn giản, chủ yếu là tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục và nêu gương nhưng đã chuyển tải được toàn bộ nội dung công tác phụ nữ đến với các đối tượng. Nhờ vậy đã tập hợp, huy động rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, nhất là lực lượng nữ dân quân, tự vệ, du kích trong phạm vi cả nước tham gia mọi mặt công tác kháng chiến, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng Điên Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với những kết quả hoạt động bước đầu, công tác phụ nữ lực lượng vũ trang thời kỳ này đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho những giai đoạn tiếp theo để vận dụng, phát huy và phát triển.
Câu 4: Đồng chí hãy nêu những nét khái quát về công tác phụ nữ trong quân đội thời kì chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong 21 năm (từ tháng 8/1954 đến năm 1975), kế thừa những kinh nghiệm bước đầu của công tác vận động phụ nữ lực lượng vũ trang nhân dân từ cuộc kháng chiến chống Pháp, công tác phụ nữ trong quân đội thời kì chống đế quốc Mỹ xâm lược đã có một bước trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt, chỉ đạo phong trào phụ nữ đạt kết quả tốt trên mọi lĩnh vực hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân ở cả hai miền Nam - Bắc. Công tác vận động phụ nữ giai đoạn này có một thuận lợi hết sức cơ bản là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết với nội dung thiết thực đáp ứng yêu cầu của công tác phụ vận trong tình hình mới, thể hiện sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng, các cấp uỷ, trong đó có quân đội, các ngành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác phụ vận, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ.
Về công tác xây dựng tổ chức, số lượng phụ nữ quân đội phát triển rất nhanh, năm 1968 có 20.075 người, đến năm 1975 đã tăng lên 38.863 người (chưa kể lực lượng dân quân, du kích), trong đó số chị em là cán bộ, công nhân viên quốc phòng chiếm 2/3. Số chị em này hầu hết là đoàn viên của tổ chức công đoàn, do các Ban nữ công cơ sở hướng dẫn, tổ chức hoạt động, chăm lo bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Ở những nơi không có tổ chức công đoàn, công tác vận động phụ nữ là một mặt trong công tác đảng, công tác chính trị của các đơn vị, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cùng cấp. Cấp uỷ và cơ quan chính trị nơi đó phải đảm bảo thực hiện mọi quyền lợi của phụ nữ như đối với cán bộ, công nhân viên chức khu vực Nhà nước.
Cùng với các hoạt động công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân, công tác vận động phụ nữ giai đoạn này đã coi trọng giáo dục nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam và phụ nữ Việt Nam, động viên phụ nữ tích cực tham gia chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Về phương pháp và hình thức tiến hành công tác vận động phụ nữ đã có bước phát triển mới so với giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác chính sách, giữa việc huy động lực lượng phụ nữ tham gia kháng chiến với việc bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sắp xếp chị em vào những ngành nghề chuyên môn, kĩ thuật và vị trí thích hợp để phát huy được khả năng của phụ nữ, trong đó công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp uỷ Đảng, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện thời chiến, các chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em vẫn được đảm bảo thực hiện đầy đủ, ngoài việc thi hành các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nữ công nhân viên chức trong khu vực Nhà nước, còn có một số chế độ, chính sách dành riêng cho nữ quân nhân, đảm bảo quyền lợi, tinh thần, vật chất của chị em, khuyến khích nữ thanh niên gia nhập quân đội…
Các hình thức tuyên truyền, động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, đặc biệt là các hình thức tổ chức quần chúng hành động cách mạng như tổ chức phát động, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã tập hợp rộng rãi các lực lượng quần chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn quân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động như phong trào "Phụ nữ 5 tốt", "Ba đảm đang chống Mỹ, cứu nước" đã gắn kết chặt chẽ với phong trào "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của quân đội đã tạo nên một làn sóng thi đua sôi nổi, mạnh mẽ trong phụ nữ quân đội, qua đó, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trước tình hình mới
Những kết quả, kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác vận động phụ nữ quân đội giai đoạn này đã để lại những bài học quý, tạo tiền đề vững chắc cho công tác phụ nữ quân đội phấn đấu trong những năm tiếp theo.
Câu 5: Đồng chí hãy cho biết hoạt động của phụ nữ quân đội và phương thức tiến hành Công tác phụ nữ Quân đội thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1985); trong giai đoạn đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh (1986-1995)?
- Thời kỳ 1975 - 1985
Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang có nhiều bước phát triển mới: từ nhiệm vụ chiến đấu là trọng tâm chuyển sang nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước trong thời bình. Trong giai đoạn mới của cách mạng, toàn dân, toàn quân ta...đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu làm hai nhiệm vụ chiến lược: Một là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, hai là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa". Quân đội ta tham gia xây dựng kinh tế, đây là một nhiệm vụ chiến lược mới.
Công tác phụ nữ trong quân đội thời kỳ này dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Tổng cục Chính trị, đã tăng cường hoạt động một cách toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của quân đội. Đồng thời cũng được chuyển từ thời chiến sang thời bình, gắn bó với việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-H của Tổng cục Chính trị về xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện trong tình hình mới. Cùng với việc toàn quân tiến hành kiện toàn tổ chức, ổn định sắp xếp cán bộ bảo đảm cho nhiệm vụ mới, từng bước giảm số lượng cán bộ theo quy hoạch đào tạo thời bình, bắt đầu thực hiện đào tạo cán bộ một cách cơ bản, dài hạn, đội ngũ cán bộ nữ cũng được chú trọng đào tạo bồi dưỡng ở nhiều lĩnh vực hoạt động của Phụ nữ quân đội, chủ yếu tập trung ở các đơn vị phục vụ chiến đấu, các bệnh viện, bệnh xá và một số cơ quan nghiên cứu...Công tác phụ nữ đã phối hợp với các ngành có liên quan giải quyết những vấn đề chính sách sau chiến tranh, nhất là chính sách thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, xác định quân nhân mất tích, chấp hành chính sách đối với quân nhân phục viên, chuyển ngành, trong đó có nhiều nữ.
Ở những nơi không có tổ chức Công đoàn, Công tác phụ nữ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị cùng cấp; ở những nơi có tổ chức Công đoàn, hầu hết đã thành lập Ban nữ công cơ sở để giúp Ban Chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động nữ công nhân viên chức quốc phòng hoạt động theo kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Ban Công đoàn Quốc phòng đề ra.
+ Bắt đầu từ 8/3/1978, Phụ nữ Quân đội tích cực hưởng ứng phong trào thi đua: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Phong trào đã được tổ chức phát động đến tận các Ban nữ công cơ sở trong quân đội gắn với các phong trào thi đua hành động cách mạng của công nhân viên quốc phòng, Chị em phụ nữ Quân đội hăng hái tham gia các đoàn kinh tế quốc phòng và lao động sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp trong Quân đội.
+ Phụ nữ toàn quân sẵn sàng, hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) và chiến tranh biên giới Tây Nam (1980 - 1981). Phụ nữ các nhà máy quốc phòng tích cực sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ các đoàn kinh tế quốc phòng vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ tháng 5/1975-1985, cấp uỷ Đảng, người chỉ huy và cơ quan các cấp trong quân đội đã có sự chuyển biến rõ nét về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm đối với công tác vận động quần chúng nói chung, công tác vận động phụ nữ nói riêng. Nội dung công tác phụ nữ trong quân đội được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động, các nhiệm vụ, các mặt công tác của quân đội, bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn hoạt động của các đơn vị. Chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác phụ nữ trong quân đội ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cách mạng trong thời kỳ mới, đoàn kết, giáo dục, động viên phụ nữ toàn quân phát huy vai trò, truyền thống của phụ nữ Việt Nam, góp phần cùng toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn 1986 -1995
Giai đoạn này, lực lượng nữ quân nhân và nữ công nhân viên chức quốc phòng đã có gần 5 vạn chị em lao động và làm việc ở các xí nghiệp quốc phòng, các bệnh viện, các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tuy chưa có hệ thống cơ quan chuyên trách làm công tác phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ ở cơ sở nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, công tác phụ nữ trong quân đội vẫn được tiến hành thường xuyên, nhất là ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở. Qua 10 năm hưởng ứng thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong những năm 1978-1988, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 44/CT-TW ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ” và Nghị quyết 176a/HĐBT ngày 24/12/1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc “Phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ trong quân đội đã có bước phát triển mới. Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị và cơ quan Chính trị các cấp, phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phong trào "Người phụ nữ tài năng" được triển khai sâu rộng trong phụ nữ toàn quân gắn với phong trào thi đua chung của các đơn vị đã phát huy được vai trò, vị trí, những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: cần cù, chịu khó, dũng cảm, sáng tạo, đảm đang công việc gia đình, nuôi dạy con khoẻ, ngoan.
+ Phong trào thi đua thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình đã được phát động, bước đầu đạt kết quả tốt trong việc giảm tỉ lệ sinh đẻ. Công tác xây dựng gia đình văn hoá mới được các cấp quan tâm chỉ đạo, hàng năm có trên 85% gia đình đăng kí và đã có từ 65-75% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá mới.
+ Công tác nhà trẻ - mẫu giáo giai đoạn này được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm cả về tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non. Từ năm 1985, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Ban Công đoàn Quốc phòng chính thức thành lập Phòng Nhà trẻ và Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị về tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác nhà trẻ - mẫu giáo trong toàn quân. Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ được củng cố, bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ, làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ….
Các Ban nữ công cơ sở đã được kiện toàn, được bồi dưỡng về nghiệp vụ, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động công tác phụ nữ ở đơn vị. Cùng với Công đoàn, chị em đã tích cực tham gia bàn cách tháo gỡ những khó khăn về sản xuất, việc làm, vận động phong trào làm kinh tế gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, may, thêu, đan… góp phần cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập cho gia đình cán bộ, công nhân viên quốc phòng.
Ngày 19 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 163/HĐBT ban hành Quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Đây là Quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức phụ nữ. Các cơ quan, đơn vị trong quân đội, nhất là ở các nhà máy, xí nghiệp có đông nữ bước đầu đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Hội đồng Bộ trưởng. Các chế độ chính sách đối với lao động nữ như việc phân bổ và sử dụng lao động nữ; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình; chính sách cán bộ nữ đều được quan tâm thực hiện đầy đủ. Một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chị em có đủ phẩm chất, năng lực để đề bạt, cất nhắc và tạo điều kiện cho chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở các đơn vị, xí nghiệp đông nữ, nhiều chị em đã được bố trí vào các cương vị quản lý, lãnh đạo, các đoàn thể quần chúng. Hầu hết chị em trên các lĩnh vực công tác và trên nhiều địa bàn trong cả nước đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần cù, tận tụy với công việc, khắc phục mọi khó khăn trong lao động sản xuất, công tác và đời sống, vươn lên cầu tiến bộ.
Thông qua hoạt động thực tiễn, đội ngũ cán bộ làm công tác phụ nữ cũng từng bước trưởng thành về mọi mặt, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức triển khai các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở, tạo ra bước chuyển biến tiến bộ trong việc làm tốt chức năng đại diện bảo vệ, chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ trong những năm đầu đổi mới, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị.
Câu 6: Đồng chí hãy cho biết, hệ thống cơ quan Công tác phụ nữ, tổ chức phụ nữ trong quân đội được hình thành như thế nào? Những kết quả nổi bật của Công tác phụ nữ toàn quân đến nay?
Căn cứ Quy định số 11/QĐ-TW ngày 30/7/1987 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu rõ các tổ chức quần chúng trong Quân đội gồm có Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn Quốc phòng, vì vậy công tác phụ nữ là một bộ phận nằm trong công tác Công đoàn Quốc phòng. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tế cần tập hợp được đông đảo nữ quân nhân ở những nơi không có tổ chức Công đoàn và theo gợi ý của đồng chí Nguyễn Thị Định, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đầu năm 1991, chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo Ban Công đoàn Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị có nữ trong toàn quân tổ chức đại hội phụ nữ cơ sở lần thứ nhất trong Quân đội. Đại hội lần thứ nhất này được tổ chức ở cả những Ban nữ công cơ sở nơi có tổ chức Công đoàn và cả những Ban nữ công quần chúng nơi không có tổ chức Công đoàn. Từ đây các phong trào thi đua, các cuộc Vận động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Tổng cục Chính trị tổ chức phát động trong phụ nữ toàn quân. Đến tháng 5 năm 1992, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quân lần thứ nhất đã long trọng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng; đồng chí Nguyễn Thị Định Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Cù Thị Hậu, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt. Nam…
Kể từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là lần đầu tiên công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong Quân đội được tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc nhất. Tại Đại hội, đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã khẳng định: “Công tác phụ nữ là một mặt quan trọng của công tác quần chúng trong quân đội. Nữ quân nhân, nữ công nhân viên chức quốc phòng cũng là một lực lượng quan trọng của quân đội...chị em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của quân đội, góp phần bảo đảm cho quân đội luôn là đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân…” . Đồng chí Nguyễn Thị Định Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã rất vui mừng, phấn khởi đến dự Đại hội và phát biểu: “Có thể nói nguyện vọng của tôi suốt mấy năm nay giờ đây đã trở thành hiện thực, chị em phụ nữ trong quân đội đã có một tổ chức để có điều kiện sinh hoạt, bàn bạc những công việc có tính chất phụ nữ của chúng ta. Nhân dịp Đại hội này, tôi cũng mới có điều kiện để gặp gỡ các chị em, đồng chí mà đã từ lâu tôi mong muốn, nhất là được gặp các chị em...tiêu biểu cho phong trào của quân đội nói chung và của phụ nữ nói riêng…”.
Từ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quân lần thứ nhất này, việc chỉ đạo công tác phụ nữ trong quân đội của Tổng cục Chính trị đã có sự phát triển mới. Sau gần một năm, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Tổng cục Chính trị quyết định đưa công tác phụ nữ quân đội vào nền nếp và có tổ chức chuyên trách ở các cấp, từ cấp Bộ đến cấp đầu mối trực thuộc Bộ. Ngày 10/3/1993, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 102/QĐ-QP về việc thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị. Ban có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về công tác phụ nữ trong Quân đội (từ đây, Công tác phụ nữ là một ngành độc lập, tách khỏi tổ chức công đoàn). Ngày 25/8/1993, Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội Nhân dân Việt nam đó ra quyết định số 619/QĐ-TM về việc ban hành biên chế hệ thống công tác phụ nữ trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 7/1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 72/QĐ-TW về “Tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; công đoàn Quốc phòng; Hội phụ nữ”. Từ đây Công tác phụ nữ trong Quân đội đó trở thành một ngành độc lập, được coi là công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội, một mặt hoạt động quan trọng của CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức Hội và lực lượng hội viên; xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phụ nữ, công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác Giáo dục mầm non; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Quân uỷ Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị và hướng dẫn về nghiệp vụ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ở mỗi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị cùng cấp, sự chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên. Ngày 16/10/2002, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã có Quyết định công nhận ngày 10/3 hàng năm là ngày truyền thống của Ban Phụ nữ Quân đội - ngành Công tác phụ nữ trong Quân đội. Ngày 10/3/1993 đã trở thành một dấu mốc, một sự kiện quan trọng trong trang sử truyền thống của Phụ nữ Quân đội.
Ban Phụ nữ Quân đội được thành lập cùng với hệ thống công tác phụ nữ trong quân đội được nhanh chóng hình thành và kiện toàn từ cấp Bộ tới các đơn vị cơ sở, đánh dấu một bước phát triển mới của công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong quân đội, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong thời kì mới, là bước cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”. Bắt đầu từ đây, phụ nữ quân đội đã có một mái nhà chung, một tổ chức của giới mình. Và từ đó, lực lượng phụ nữ quân đội được tổ chức theo một mô hình mới, là bước đổi mới cơ bản về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm của lực lượng vũ trang nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong quân đội nói chung và của phụ nữ quân đội nói riêng.
70 năm chung bước quân hành trong đội ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; 23 năm hoạt động với hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, mang tính chất một ngành công tác độc lập, một mặt CTĐ, CTCT, cùng với sự phát triển của Quân đội, công tác vận động phụ nữ và phong trào phụ nữ quân đội đã có bước trưởng thành, phát triển vượt bậc. Từ 510 Ban nữ công quần chúng đặt dưới sự chỉ đạo của công đoàn cơ sở, tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quân lần thứ nhất, qua 5 kì Đại hội, đến nay, toàn quân đã có hơn 1.928 Hội phụ nữ cơ sở được thành lập với 92.525 hội viên. Phụ nữ Quân đội đã khẳng định là một lực lượng quan trọng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực công tác của quân đội, trên mọi vùng miền của Tổ quốc, dù ở đâu, làm nhiệm vụ gì, phụ nữ quân đội cũng phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đội, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Với những những thành tích đã đạt được, Phong trào phụ nữ quân đội 23 năm liên tục được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc và xuất sắc tiêu biểu; được Chính phủ tặng bằng khen về công tác xoá đói giảm nghèo. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lực lượng phụ nữ Quân đội đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- MB trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói vay chỉ từ 5,5%/năm - ( 30-11-24 03:00 )
- Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh tăng cường, trời trở rét từ ngày 5/12 - ( 02-12-24 03:00 )
- Quy định mới về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông - ( 01-12-24 10:00 )
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 - ( 27-11-24 02:00 )
- Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe từ ngày 1/1/2025 - ( 24-11-24 09:00 )