Cách mạng Tháng Mười Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở nước Nga. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác - Lê-nin con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Cũng từ đó, Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo đó ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam...

Từ chưa biết đến hoàn toàn tin tưởng Lê-nin

Ngày 7-11-1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bonsevich, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập lên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; mở đường cho Chủ nghĩa Mác - Lê-nin thâm nhập vào các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8-1957. Ảnh:Vietnam+  

Cùng thời điểm này, cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở về Pháp. Giữa lúc đang trăn trở tìm một con đường đi mới, thì tại đây, Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười… Từ chỗ chưa biết V.I.Lê-nin là ai, dần dần Người nhận ra rằng: Trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lớn lao chưa từng có: Một dân tộc đã lật đổ bọn áp bức bóc lột mình, tự tổ chức quản lý mọi công việc đất nước, không cần bọn chủ và bọn toàn quyền. Người từng viết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lê-nin vì Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình, trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lê-nin viết”(1).

Dần dần qua những trải nghiệm thực tiễn và nhãn quan chính trị thiên tài, bằng phân tích đánh giá khoa học, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh phát hiện ra giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người quyết tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Năm 1920, sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng trên Báo L’Humanité (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra “cẩm nang thần kỳ” cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi nói về sự kiện này, Người nhớ lại: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Từ đây, Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo V.I.Lê-nin, đứng hẳn về Quốc tế thứ ba.

Cách mạng Tháng Mười-ngọn đèn soi sáng cho cách mạng Việt Nam

Sau này, khi nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười Nga để truyền bá Chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩa Lê-nin vào thế hệ thanh niên yêu nước những năm 1925-1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đánh giá đúng đắn ý nghĩa của cuộc cách mạng này và khẳng định: Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng triệt để nhất và ngọn đuốc lý luận Mác - Lê-nin, kinh nghiệm của nó soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từng viết: “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(3). Người chỉ rõ, việc cần kíp trước hết mà cách mạng đòi hỏi đó là “phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững thì cách mạng mới thành công… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”. Người cũng đưa ra kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lê-nin”(4).

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận con đường cứu nước của mình vào Việt Nam. Người tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng; sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng cách mạng chân chính với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn. Từ đầu năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo đó, mọi quyết định của Đảng trong quá trình vận động đi đến khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám đều ghi đậm dấu ấn thiên tài Hồ Chí Minh. Từ việc chuẩn bị về đường lối, sách lược, tổ chức, về đối nội, đối ngoại, về nhận định tình hình thế giới, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng, Đại hội quốc dân ở Tân Trào…

Khi thời cơ lịch sử xuất hiện, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trên cả nước. Với quyết tâm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã vùng dậy chớp thời cơ làm nên thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Đi theo con đường cách mạng đó, Việt Nam tiếp tục đánh thắng các đế quốc lớn như Pháp, Nhật, Mỹ, thu giang sơn về một mối, đưa dân tộc ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Một thế kỷ đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tuy đời sống chính trị xã hội thế giới có những biến đổi sâu sắc, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị đối với nhân loại tiến bộ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng… Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(5).

Theo QĐND điện tử

 (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 561.

 (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 562.

 (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 304.

 (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 289.

 (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 461.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn