Các giải pháp chống khai thác IUU (Kỳ 3): Cần quản lý chặt tàu cá khi xuất bến khai thác hải sản

HQVN -

Chủ trì cuộc họp trực tuyến với 657 xã phường ở 28 tỉnh thành ven biển sáng ngày 7/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Chậm nhất là trong năm 2021 phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC trong năm 2022. Các tỉnh thành còn có tàu vi phạm phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Quản lý tàu cá xuất bến còn hạn chế

Theo Thủ tướng Chính phủ, để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bên cạnh nguyên nhân về công tác quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh, thì công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm, nhất là kiểm soát tàu thuyền khi xuất bến còn lỏng lẻo, hạn chế.

Đại diện Tàu KN 204 tiếp nhận ngư dân từ cơ quan chức năng Indonesia. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết, theo Luật Thủy sản và các nghị định kèm theo, lực lượng chức năng chỉ cho phép các tàu xuất bến khai thác hải sản khi có đủ các loại giấy tờ như: Đăng ký, đăng kiểm tàu, giấy phép khai thác hải sản còn thời hạn, có các trang thiết bị bảo đảm an toàn như phao, neo tàu, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (từ 1/10/2019), nhất là phải khai thác đúng nghề được ghi trong giấy phép khai thác, không được khai thác sai vùng, sai tuyến, tàu từ 15 mét trở lên mới được khai thác vùng khơi xa...

Qua tìm hiểu các vụ việc mà lực lượng Kiểm ngư xử lý thời gian qua chúng tôi nhận thấy, để xảy ra tình trạng tàu cá vượt đường ranh giới, vi phạm vùng biển nước ngoài là phần nhiều là tàu cá xuất bến lậu, tức là ra biển khai thác hải sản khi chưa được phép của cơ quan chức năng địa phương, các tàu này đều thiếu các giấy tờ cần thiết theo qui định. Trong 3 vụ mà Tàu KN-219, 260, 270 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2 xử lý 4 tàu cá (Tàu TG 1115 TS, BV 96768 TS, BV 92568 TS, BV 92569 TS) hoạt động trái phép ở vùng biển nước ngoài tháng 5 vừa qua thì nhận thấy, ngoài các vi phạm như không treo cờ, không có giấy phép đăng ký tàu, giấy phép khai thác hải sản, thiếu thiết bị giám sát hành trình, không ghi nhật ký khai thác, không có giấy tờ tùy thân... thì lý do các tàu vi phạm cũng muôn hình muôn vẻ.

 Thuyền trưởng Tàu KN-270 cho biết: Khi kiểm tra Tàu BV 96768 TS thì thuyền trưởng Lê Tấn An, ở Phường 5, TP. Vũng Tàu khai báo là do tàu hỏng máy nên không may trôi dạt sang vùng biển nước ngoài, nhưng kiểm tra thì thấy máy tàu hoạt động bình thường. Có trường hợp thì khai ngủ quên, nên tàu bị trôi sang vùng biển nước ngoài... Đây là một trong những lý do để các “tàu cá dù” cố tình vi phạm để khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, bởi các vùng biển này thường nhiều hải sản, nếu trót lọt sẽ có nguồn thu lớn. Các trường hợp vi phạm trên lực lượng Kiểm ngư đều lập biên bản và thông báo cho cơ quan chức năng địa phương xử lý.

Xử lý vi phạm chưa nghiêm

Tháng 6/2019, đoàn thanh tra EC đến làm việc với tỉnh Kiên Giang để kiểm tra kết quả thực hiện IUU, kiến nghị gỡ thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam và chỉ ra 6 nội dung tỉnh cần khắc phục. Ngay sau đó, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để thực hiện nghiêm IUU. Tuy nhiên, qua Kết luận thanh tra công vụ số 02/KL-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, thậm chí có dấu hiệu vi phạm như: Từ năm 2018 đến 30/4/2020 có 214 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ xử phạt 57 tàu, với số tiền phạt 4,41 tỷ đồng, còn 157 tàu cá chưa được xử lý, nhiều trường hợp để kéo dài, chậm xử lý đã hết hiệu lực xử phạt (49 tàu).

Lực lượng Kiểm ngư đồng hành cùng các tàu khai  thác hải sản của ngư dân Việt Nam trên biển. ảnh Đức Tuấn

Đặc biệt, hồ sơ xử phạt còn sai sót như, có 15 quyết định xử phạt hai tàu cá nhưng mức phạt chỉ cho một tàu; 16 tàu cá vi phạm nhưng Biên phòng tỉnh không xử phạt vì cho rằng chưa đủ chứng cứ, nhưng qua thanh tra 13 tàu có đủ chứng cứ để xử phạt; vẫn cho các tàu không đủ các điều kiện như chưa gắn thiết bị hành trình, nằm trong diện thực hiện IUU, hết giấy phép khai thác hải sản... vẫn xuất, nhập bến. Chi cục Thủy sản, UBND huyện Rạch Giá, Châu Thành buông lỏng quản lý về đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị hành trình, xử phạt không nghiêm tàu cá vi phạm...

Đứng trước tình hình trên, ngày 13/7/2020 Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 34 về tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/9/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch 178 để quyết liệt thực hiện IUU.

Tàu KN461 tổ chức cứu kéo tàu cá PY 95436 TS bị nạn trên biển

Chỉ riêng 2 quí đầu năm nay, tỉnh Kiên Giang đã xử lý 16 vụ, 42 đối tượng tại 21 tàu cá vi phạm IUU. Trong số 2.000 trường hợp mất kết nối trên biển và 149 vượt ranh giới biển (chiếm 55,5% số tàu cá lắp đặt VMS), Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã xử phạt 89 trường hợp với số tiền 1,69 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã xử lý các tàu cá vi phạm nhưng trong Quí 2 năm 2021, tỉnh vẫn để xảy ra 22 vụ với 30 tàu bị nước ngoài bắt giữ, trong số này phần nhiều là tàu không số, không giấy tờ và xuất bến bất hợp pháp.

Phóng viên Lam Hiếu, Thường trú của VOV ở Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết, qua tìm hiểu các vụ việc liên quan đến IUU thời gian qua thì nhận thấy: Các cơ quan chức năng địa phương dù có chuyển biến hơn trong việc xử lý ngư dân vi phạm IUU, nhưng số vụ vi phạm và thực tế xử phạt còn hạn chế, xử phạt thiếu tính răn đe, các chế tài để ngư dân chấp hành còn bất cập (đối với các trường hợp không nộp hoặc chậm nộp phạt)... dẫn đến tình hình vi phạm IUU có chuyển biến nhưng chưa vững chắc.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm IUU và có chuyển biến gần đây. Năm 2020, tỉnh có 11 vụ, 23 tàu, 201 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; năm nay có chỉ có 3 vụ, 3 tàu, 41 ngư dân vi phạm; hơn 10 tàu vi phạm ở vùng giáp ranh bị lực lượng Kiểm ngư lập biên bản xử lý. Dù tỉnh quan tâm thực hiện IUU nhưng nhìn chung việc xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu tính răn đe nên tàu số lượng cá vi phạm vẫn còn cao.

Tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh hiếm hoi xử phạt tàu cá IUU nghiêm túc hơn các tỉnh khác, theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xử phạt 592 vụ với số tiền 4,38 tỷ đồng. Biên phòng tỉnh xử phạt 153 trường hợp với số tiền 336 triệu đồng... nhờ đó, số vụ việc vi phạm IUU của tàu cá tỉnh này cũng giảm nhiều.

Trọng Thiết (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn