Các giải pháp chống khai thác hải sản IUU (Kỳ 2): Nguyên nhân và khó khăn trong việc thực hiện
HQVN -
Sau gần 4 năm thực hiện IUU, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận thì vẫn còn không ít khó khăn thách thức ảnh hưởng đến kết quả thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam.
Tàu không số hiệu, thiếu thông tin chủ tàu
Nếu như ở trên bộ, để kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường chỉ cần lập các chốt liên ngành ở các trục giao thông chính sẽ dễ dàng kiểm soát được các phương tiện và không khó để phát hiện các vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các qui định khác (nếu có). Tuy nhiên, ở trên biển, việc kiểm tra tàu thuyền hoạt động khó khăn hơn nhiều do địa điểm cố định trên biển chỉ là các tọa độ trên hải đồ, những chấm sáng trên màn hình ra đa. Do đó, việc kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển chủ yếu là khi tàu xuất bến (do Bộ đội Biên phòng, các chi cục thủy sản đảm nhiệm); tuần tra, kiểm tra thường xuyên của lực lượng Biên phòng (gần bờ) và Kiểm ngư, Cảnh sát biển (xa bờ).
Quan sát, giám sát hoạt động của tàu cá Việt Nam ở vùng biển giáp ranh. Ảnh: CTV
Theo thông tin từ cơ quan chức năng Quân chủng Hải quân, bên cạnh hầu hết tàu thuyền hoạt động trên biển đều có số hiệu, giấy tờ và các qui định của pháp luật khi đánh bắt, khai thác hải sản thì vẫn còn không ít tàu thuyền hoạt động kiểu như “xe dù, bến cóc” ở trên bộ, đó là thuyền không số, mang biển giả, giả dạng tàu cá nước ngoài để hoạt động trái phép ở vùng biển giáp ranh, vùng biển nước ngoài.
Chỉ riêng trong Quí 1, 2 vừa qua, trong số 23 vụ, 45 tàu, 304 ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý thì có đến 10 vụ tàu ngư dân sử dụng không có số, biển giả, giả dạng tàu nước ngoài. Các tàu vi phạm đều bị cơ quan chức năng Malaysia, Indonesia, Thái Lan bắt giữ, đưa về bờ xử lý. Riêng Campuchia khi phát hiện tàu vi phạm thì bắt và xử phạt ngay trên biển. Các địa phương có chủ tàu, thuyền viên vi phạm, bị nước ngoài bắt, xử phạt nhiều nhất trong năm qua là: Kiên Giang 5 vụ, Bình Định 3 vụ, Bà Rịa- Vũng Tàu 2 vụ…
Nhân viên Chi đội Kiểm ngư số 2 kiểm tra giấy tờ ngư dân khai thác thủy sản. Ảnh: PV
Điều đáng quan tâm là trong 23 vụ kể trên, bên cạnh việc các tàu không số và biển số giả thì chủ tàu và ngư dân trên các số tàu sau khi bị cơ quan chấp pháp nước ngoài bắt giữ đều không khai báo trung thực, khai tên giả và nơi thường trú nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp xử lý, giải cứu (nếu các tàu bị bắt đang khai thác ở vùng biển giáp ranh). Chỉ có 2/23 vụ bị nước ngoài bắt giữ là chủ tàu khai báo trung thực, gồm 1 chủ tàu ở Kiên Giang và 1 chủ tàu ở Cà Mau…
Tàu chưa lắp đặt, tắt định vị, vượt đường ranh giới
Một trong những bước đột phá về thực hiện IUU, đó là ngày 8/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019 NĐ-CP về Qui định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển. Theo đó, tàu cá có chiều dài từ 15-24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019. Thiết bị phải hoạt động 24/24 giờ trên biển, được kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá ở đất liền. Thiết bị tự động truyền qua vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày nơi tàu hoạt động với tần suất 2 giờ/lần. Nghị định cũng qui định các mức phạt cao như: Xử phạt từ 300-500 triệu đồng nếu tàu có chiều dài từ 15-24m không trang bị VMS; xử phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng nếu tàu có chiều dài 24m trở lên không trang bị VMS.
Cán bộ, nhân viên Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền cho các ngư dân quy định về khai thác hải sản bền vững. Ảnh: Đức Tuấn
Qui định và các mức xử phạt của Nghị định 26 là rất nghiêm khắc, tuy nhiên bên cạnh nhiều tỉnh thành thực hiện tốt (hiện nay đã có gần 27 nghìn tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp VMS đạt hơn 87%) thì không ít địa phương, chủ tàu cá thực hiện nghị định chưa nghiêm, còn có tính chất đối phó.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Thuyền trưởng Tàu KN-213, Chi đội Kiểm ngư số 2 cho biết: Trong đợt tuần tra kiểm soát ở vùng biển giáp ranh ngày 4/10 vừa qua, khi kiểm tra Tàu BV 9888 TS cùng 18 thuyền viên do ông Phan Quốc Tuấn làm chủ tàu và Tàu BV 9829 TS cùng 3 thuyền viên do ông Phan Thanh Khiết, đều trú ở phường 5, TP. Vũng Tàu thì phát hiện cả 2 tàu đều không có thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép, nhật ký khai thác, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân... Trước đó, ngày 30/9, khi kiểm tra ở vùng biển giáp ranh, Tàu KN-215 đã phát hiện Tàu BV 9808 TS và 9 thuyền viên không có trang bị hàng hải trên tàu, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân.
Giám sát tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình ở Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PV
Tiếp đó ngày 5 và 10/10, Tàu KN-263 tiến hành kiểm tra Tàu BT 98929 TS cùng 17 thuyền viên do ông Đào Văn Hải ở Ba Tri, Bến Tre làm chủ tàu đang hoạt động trái phép ở vùng biển Indonesia thì phát hiện 11/17 thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, nhật ký khai thác. Tàu có lắp thiết bị hành trình nhưng cài đặt chưa đúng tọa độ vùng biển giáp ranh (lệnh hơn 2 hải lý) nên tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện tốt IUU, nhất là Nghị định 26, trong số hơn 1.000 tàu hoạt động xa bờ thì có đến 961 tàu của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị hành trình, còn lại hơn 125 tàu chưa lắp đặt do đang sửa chữa tại bến. Tuy nhiên, năm qua có đến 74 chủ tàu mất kết nối trên biển trên 10 ngày, 28 tàu vượt ranh giới cho phép. Các trường hợp vi phạm Sở đã chỉ đạo các địa phương kiểm điểm nghiêm túc, buộc ký cam kết không vi phạm.
Còn Ông Lê Văn Tòng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Đến nay đã có 97% tàu cá có chiều dài trên 24m đã lắp đặt VMS; 88,5% các tàu từ 15-24m cũng đã được lắp đặt VMS. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt hành chính đối với 615 tàu cá từ 15 mét trở lên do tắt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Với gần 2.900 tàu cá của tỉnh hoạt động xa bờ nên việc thực hiện IUU tuy có nhiều tiến bộ nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trọng Thiết (còn nữa)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 685 khánh thành, bàn giao nhà đồng đội - ( 23-11-24 01:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Tây Nguyên - ( 23-11-24 08:00 )
- Tàu 467 cứu nạn thành công tàu cá Bình Định - ( 22-11-24 01:00 )
- Vùng 2 phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - ( 21-11-24 02:00 )
- Quân chủng Hải quân sáp nhập, tổ chức lại Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật - ( 21-11-24 02:00 )