Bút ký "Nhớ lắm Trường Sa" của một chiến sĩ giữ đảo

…"Sau gần hai năm gắn bó với đảo, với Trường Sa đầy sóng gió hiểm nguy; tôi nhận lệnh vào đất Mẹ thân thương. Nhưng nỗi nhớ Trường Sa, nhớ đảo, nhớ đồng đội, nhớ nhà chòi lại da diết khôn nguôi…".

"Trường Sa lại hiện lên một vùng đảo thân thương, nơi đã thành một phần của đời tôi, nơi ấy có biết bao đồng đội tôi đang ngày đêm canh giữ biển trời. Tôi muốn viết thật nhiều về Trường Sa - cái “giọt máu thiêng của đất Mẹ Việt Nam dưới ngầu ngầu bọt sóng đang sừng sững hiên ngang nơi tuyến tiền tiêu của Tổ quốc"... 

Khi đọc những dòng trên, cảm giác của bạn thế nào, còn tôi như thấy mình thực sự bị kéo đi trong những ấn tượng thiêng liêng, những dòng cảm xúc dạt dào chảy miên man giữa trùng khơi sóng gió. Dù Trường Sa, là nơi tôi vẫn ngẫm suy, vẫn khát khao một lần đến mà chưa thể nào có dịp được đặt chân tới nơi này. Đó là bút ký "Nhớ lắm Trường Sa" của Nhà giáo, Nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên (Nam Định), người từng có 2 năm gắn bó với Trường Sa.

Bạn đọc sẽ không hiếm gặp những câu từ dập dềnh sóng nước, gió khơi, những trường đoạn nôn nao tâm trạng và ắp đầy nỗi nhớ da diết như thế trong tập ký "Nhớ lắm Trường Sa" của Nguyễn Hoàng Nguyên. Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, anh đã dành trọn một trái tim ấm nóng nhất cho Trường Sa thân yêu. Bởi vậy mà nỗi nhớ cứ trở đi trở lại, đan quyện như một điệu khúc giữa bộn bề cuộc sống, và rồi ngay cả trong những giấc mơ những địa danh gắn với ký ức của Trường Sa lại cứ chập chờn ẩn hiện, nhắc nhớ cồn cào…

Bút ký "Nhớ lắm Trường Sa" của một chiến sĩ giữ đảo

Bìa cuốn sách "Nhớ lắm Trường Sa

Chắc chắn rằng những tháng năm làm lính Hải quân, trực tiếp sống, chiến đấu trên đảo đã mang đến cho Nguyễn Hoàng Nguyên những trải nghiệm sâu sắc, hiếm có trong đời. Những trải nghiệm ấy lại được chắp thêm đôi cánh văn chương để hôm nay người đọc có trên tay một tập ký khá chân thực, đầy đặn và xúc cảm nghĩa tình. Vừa là lính đảo vừa là thầy giáo, hẳn rằng trong những bài giảng văn, tôi hình dung anh sẽ luôn đắm đuối, say sưa kể cho lớp lớp học trò của anh nghe về một Trường Sa thực sự sống động, thực sự thiêng liêng và tràn đầy niềm tự hào, ngưỡng mộ mà không phải thầy giáo dạy Văn nào cũng có được.

Tập ký đã mang đến cho người đọc những ấn tượng hấp dẫn về vẻ đẹp của bức tranh Trường Sa vừa hùng vĩ nên thơ, vừa huyền bí thách thức, vừa chênh chao nỗi buồn. Trên cái nền của bức tranh Trường Sa là những gian khổ chất chồng mà mỗi người lính luôn phải vượt qua để ngày đêm chiến đấu canh giữ sự bình yên của biển trời Tổ quốc: "Vừa rời xuồng nhôm, bước chân lên đảo, đã thấy nhói lên… rồi hàng loạt san hô đá sắc lẹm cứa vào chân tứa máu". (Ngày ấy, chúng tôi ra Trường Sa); "Gian khổ của lính Trường Sa thì không hề thiếu: Thiếu nước ngọt đến trầm trọng, mỗi người chỉ có 5 lít nước một ngày, có lúc nước uống cạn hết, gạn từ phi 220 lít ra, thấy đen ngòm; lọc tới 7,8 lần mà khi nấu cơm vẫn còn đen như đổ tro vào. Lúc ăn, mùi dầu cặn xộc lên mũi chả bút nào tả xiết nhưng vẫn phải nhắm mắt mà nuốt cho trôi! Rau xanh không có… Rau muống khô chả còn chút lá lại dài ngoẵng, nhìn tựa như cái dây thừng đem ngâm nước cho nở ra, xào lên với mỡ thịt hộp ăn dai như nhai bìa cát tông. Rau cải bắp khô xào lên thì nhằng nhặng, chẳng khác gì rơm!". (Chuyện lính ở Trường Sa);...

Trong "Nhớ lắm Trường Sa", tác giả Nguyễn Hoàng Nguyên gợi lại những khoảnh khắc thú vị, đó là những lần câu bạch tuộc, câu cá để cải thiện đời sống. Cảnh chinh phục cá mập được khắc họa hết sức ly kỳ, hồi hộp, qua đó hiện lên nỗi cực nhọc, sự kiên nhẫn, can trường, lòng dũng cảm của những người lính đảo: "Được hơn chục chú cá mập, từ đó anh em đi câu đỡ phải làm công không cho chúng ăn. Bắt loại cá này, chúng tôi chỉ cắt lấy vây rồi mổ bụng, lấy 2 buồng gan; rán thành dầu, còn hầu hết thân cá thì trả về lại với biển khơi! Thịt của cá mập ăn khá gây, da lại nhám; khi cắt vây, mổ bụng chúng mà đã phải mài dao suốt; sức đâu mà lột da để lấy thịt?" (Câu cá ở Trường Sa).  

Có thể nói tập ký "Nhớ lắm Trường Sa" thực sự là một kho tư liệu quý giá về biển, đảo quê hương. Đọc nó, lúc đầu ta tưởng chừng như tất cả là những bản tốc ký được ghi lại bằng nỗi nhớ đằm sâu da diết nhưng kỳ thực lại được tác giả khảo cứu một cách vô cùng công phu tỉ mỉ; tra cứu, dẫn nguồn, trích dẫn những tư liệu lịch sử, địa thổ, pháp lý rất cụ thể, mang đến cho người đọc những hiểu biết phong phú về cảnh quan thiên nhiên, đời sống và hoàn cảnh chiến đấu của người lính, những địa danh thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. 

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn