Bến tàu giữa lòng dân

Trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống kẻ thù xâm lược, tình đoàn kết quân dân là một nhân tố vô cùng quan trọng đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, đối với hoạt động của Đoàn tàu Không số, sự thương yêu, đùm bọc, che chở của nhân dân, nhất là bà con ở Đồng bằng Sông Cửu Long thực sự có ý nghĩa lớn lao.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962-đơn vị tiếp nhận những con tàu Không số xúc động kể cho chúng tôi: 4 bến của Đoàn 962 gồm: cụm bến Vàm Lũng, Cà Mau; cụm bến A10, Bến Tre; cụm bến B22, Trà Vinh và cụm bến Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi tiếp nhận vũ khí miền Bắc đưa vào Nam hiệu quả nhất. 124 tàu mang khoảng 7 nghìn tấn hàng hóa, vũ khí vào các bến này, chỉ có 7 tàu gặp địch buộc phải chiến đấu và phá hủy để đảm bảo bí mật tuyến đường. Thiệt hại ấy đã được giảm ở mức thấp nhất, ngoài dự kiến của Trung ương là nhờ sự góp sức quan trọng của nhân dân các địa phương có bến.

Cụm Bến A101 - Bến Tre đóng tại Bình Đại, Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú là vị trí đứng chân chủ yếu của Ban chỉ huy Đoàn 962. Nơi đây vừa là bến tiếp nhận, vừa là trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre. Cụm bến này đã tiếp nhận 27 chuyến tàu cập bến an toàn và hàng trăm lượt trung chuyển vũ khí từ các bến ra chiến trường.

Nhắc tới cụm bến này, mọi người thường nhắc đến bà Sáu “phấn khởi” (tên thật là Trần Thị Bé) ở Cồn Kẻm, Thới Thuận. Không chỉ phục vụ công tác giao liên, hậu cần, cứu thương, những người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” ở cụm bến như bà còn tham gia bốc dỡ vũ khí, hàng hóa từ những con tàu Không số. Hay với bà Nguyễn Thị Hết, ký ức về những ngày tham gia cụm bến A101 trong vai trò y tá khi tuổi còn rất trẻ vẫn vẹn nguyên. Bà cho chúng tôi biết: “Nhiều năm liền, chúng tôi không về thăm nhà. Chúng tôi không chỉ đối mặt với những trận càn quyét khốc liệt của địch mà còn chịu đựng sự thiếu thốn, một trong những khắc nghiệt nhất đối với phụ nữ ở căn cứ là thiếu nước ngọt. Khi biết bà giờ đây vẫn sống một mình ở cửa biển Thừa Đức, chúng tôi đã hỏi rằng, có khi nào bà cảm thấy hối tiếc những tháng ngày tuổi trẻ chưa? Bà trả lời một cách dứt khoát: Tôi thấy mình đã sống những ngày đáng sống nhất. Tôi đã được cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt thì luôn xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào, có thể chẳng được gặp lại người thân. Được sống và hưởng hòa bình là tôi thấy mình may mắn, mãn nguyện rồi.

Bốc xếp hàng xuống tàu Không số chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Trong 4 bến của Đoàn 962 thì Bến Vàm Lũng-Cà Mau vinh dự đón con tàu chở vũ khí đầu tiên của Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, mở thông con đường vận tải chiến lược trên Biển Đông. Nằm giữa vùng kênh rạch chằng chịt, xung quanh là rừng và đặc biệt là sự chở che của bà con, từ chuyến tàu đầu tiên ngày 16-10-1962 đến chuyến cuối cùng là ngày 5-4-1971, bến Vàm Lũng nói chung và các bến khác của Cà Mau đều bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Sự bình yên cho các bến tiếp nhận, vũ khí an toàn còn có cả sự hy sinh hạnh phúc riêng tư của những người phụ nữ. Bà Nguyễn Kim Hoa, quê ở Viên An, Ngọc Hiển, Cà Mau tham gia công tác hậu cần, thư ký đánh máy đã bám bến cho đến ngày hòa bình kể lại cuộc vượt cạn đầy trắc trở của mình: Hồi đó, chị Tiết Thị Đào, một nhân viên quân y khám cho tôi thấy không ổn bèn khẩn trương chuyển tuyến. Chồng tôi vốn là chiến sĩ lái xuồng chuyển vận vũ khí đã lái hết tốc lực mà phải mất 12 tiếng mới cập bến dân y của tỉnh và đứa bé đã bị ngạt trong bụng mẹ. Chồng tôi vừa tuôn trào nước mắt vừa đào đất chôn đứa con đầu lòng. Sau này, khi mang bầu đứa thứ hai, chồng tôi rút kinh nghiệm chuẩn bị sẵn sàng xuồng để đưa tôi đi đẻ sớm…

Cũng trong đội hình của Đoàn 962, Bến B22-Trà Vinh nằm trên địa bàn xã Long Vĩnh và Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải. Đây là bến nằm trong tầm hoạt động của pháo binh, biệt kích, thám báo của địch nên mọi hoạt động rất khó khăn. Ấy vậy mà, Bến đã tổ chức tiếp nhận được 16 chuyến an toàn, với 824 tấn vũ khí; lực lượng vũ trang bảo vệ bến còn kết hợp với địa phương chiến đấu 30 trận lớn nhỏ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn và đưa vũ khí ra chiến trường.

Bến Lộc An thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón được 3 chuyến tàu Không số cập bến thành công, chuyển 109 tấn vũ khí cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng; từ đó góp phần làm thất bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Nhiều lần chúng tôi tự hỏi, nếu không có những người vợ trung kiên, chịu đựng oan khuất như chị Nguyễn Thị Ba ở Duyên Hải, Trà Vinh (vợ của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Thắng) do mang thai sau lần bí mật gặp chồng để giữ bí mật đường dây; nếu không có những người mẹ nhiều năm nước mắt ngảy ngược vào tim, sẵn sàng hiến dâng con mình đứt ruột sinh ra cho Tổ quốc; nếu không có những người phụ nữ chôn vùi tuổi xuân của mình trong những cánh rừng bí mật, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ các bến thì liệu rằng có huyền thoại mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Và chúng tôi chắc rằng chỉ có con đường Hồ Chí Minh trên biển mới có những bến tàu lòng dân đặc biệt như vậy.

Bảo Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn