Bảo đảm an ninh, an toàn trong mùa lễ hội đầu năm
Tháng Giêng là thời điểm người dân du xuân, tham gia các lễ hội đầu năm, mật độ giao thông tăng cao và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh- trật tự (ANTT) tại các khu di tích, đền, chùa... Vì vậy, lực lượng chức năng và các địa phương đã tăng cường các giải pháp để bảo đảm an toàn.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29/1/2024 về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định...
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công an các địa phương đã tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường ra, vào các điểm du lịch, khu di tích, đền, chùa. Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra lưu động và lập các chốt xử lý vi phạm, trong đó, tập trung vào các hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy...
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm để tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, đẩy mạnh kiểm soát quyết liệt, xử lý vi phạm nồng độ cồn; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, kịp thời giải quyết các sự cố, tai nạn giao thông”.
Các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội còn phối hợp với ban quản lý các khu di tích triển khai phương án bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn các hành vi gây rối, trộm cắp, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình... Lực lượng công an xã, phường, thị trấn (nơi có các điểm du lịch, khu di tích, đền, chùa) tổ chức tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kiểm tra, giám sát các điểm trông giữ xe ô tô, xe máy và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp ép giá, ép khách.
Trung tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng công an thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Từ mồng Một Tết đến nay, lượng du khách đổ về khu vực Đền Nưa-Am Tiên tăng cao. Dự báo trước tình hình, Công an thị trấn Nưa đã phối hợp với chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện Triệu Sơn bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ tổ chức phân luồng, phân tuyến ngay từ khu vực đền Nưa; sắp xếp lại các bãi đỗ xe, cắm các biển cảnh báo nguy hiểm tại tuyến đường lên Am Tiên. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông được kiềm chế”.
Không chỉ bảo vệ an ninh, an toàn vòng ngoài mà bên trong các khu du lịch, đền, chùa đều có sự giám sát của lực lượng chức năng. Lực lượng công an xã và bảo vệ kết hợp tuần tra công khai, cải trang, mật phục để ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp. Năm nay, tại các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như: Chùa Hương, Yên Tử, phủ Tây Hồ, chùa Bái Đính, đền Bà Chúa Kho... không có tình trạng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức cờ bạc trá hình. Các hành vi trộm cắp, móc túi, chèn ép khách, cúng thuê... cũng được ngăn chặn, hạn chế.
Bên cạnh công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, công tác phòng, chống cháy nổ tại các địa bàn cũng được quan tâm. Công an các địa phương tăng cường tại những nơi tập trung đông người, nơi thờ tự để kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân về sử dụng nguồn lửa, khuyến cáo việc đốt vàng mã để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hướng dẫn các biện pháp thoát nạn, xử lý các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra.
Ban quản lý các khu di tích đã có các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC, như: Hướng dẫn người dân thắp hương, đốt nến, hóa vàng mã đúng nơi quy định; kiểm tra hệ thống điện, hệ thống báo cháy, bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm, khả năng hoạt động của các phương tiện tại chỗ....
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ ngày khai hội đầu xuân, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã cử 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm ANTT, an toàn PCCC, xây dựng phương án bố trí lực lượng thường trực, ứng trực phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tổ chức lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về PCCC, ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC cho hơn 300 hộ kinh doanh trong khu vực lễ hội chùa Hương.
Còn tại Quảng Ninh, Ban quản lý Di tích Yên Tử tăng cường các biển báo tiêu lệnh về PCCC cũng như thời lượng phát trên loa truyền thanh về công tác bảo đảm ANTT và triển khai các phương án phòng, chống cháy nổ tại các khu vực nhà ga, bến xe, khu tổ chức các dịch vụ ăn, uống. Hầu hết các địa phương tổ chức lễ hội đều chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn, PCCC để người dân du xuân, chiêm bái.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Quy định mới về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông - ( 01-12-24 10:00 )
- Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe từ ngày 1/1/2025 - ( 24-11-24 09:00 )
- Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất quy định tại Luật BHXH năm 2024 - ( 05-11-24 08:00 )
- Nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn - ( 15-10-24 09:00 )
- Những điểm mới có lợi về việc bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất - ( 14-10-24 08:00 )