Bài phát biểu của Nixon và chiến dịch Pocket Money

HQVN -

Marcelo Ribeiro da Silva là nhà báo người Brazil và nhà nghiên cứu lịch sử hàng không quân sự. Ông đặc biệt quan tâm đến chiến tranh Việt Nam và đã viết nhiều bài cho các tạp chí lịch sử hàng không quân sự ở Brazil và nước ngoài. Báo Hải quân xin lược đăng một bài báo ông đã viết từ tháng 12/2019, tiêu đề của bài do Tòa soạn Báo Hải quân đặt.

Đêm 8/5/1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã có một bài phát biểu quan trọng trên các kênh truyền hình Mỹ. Ông ta muốn bày tỏ sự không hài lòng của mình với các nhà lãnh đạo của Bắc Việt Nam và các đồng minh của họ, đặc biệt là Liên Xô.

Bài phát biểu còn có một mục đích quan trọng hơn về mặt quân sự: Thông báo về một chiến dịch như phía Mỹ nghĩ rằng: Sẽ giúp kết thúc nhanh cuộc chiến do quân đội Mỹ khởi xướng ở Việt Nam trong gần 10 năm qua.

Tổng thống Mỹ Nixon trên truyền hình Mỹ đêm 8/5/1972. Ảnh: Tư liệu Mỹ

Nixon mặc một bộ đồ màu xanh lam và cầm một tập giấy lớn, bắt đầu bài phát biểu với giọng điềm tĩnh, ngắt quãng giữa các câu: “Chào buổi tối.Năm tuần trước, vào cuối tuần lễ Phục sinh, quân đội cộng sản của Bắc Việt Nam đã phát động một cuộc tấn công ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, một cuộc xâm lược có thể thực hiện được nhờ xe tăng, pháo binh và các vũ khí tấn công tiên tiến khác do Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác cung cấp cho Hà Nội.”

Sau những lời mở đầu đó, bài phát biểu bao gồm một đoạn dài giải thích cho một hành động mà Nixon sẽ công bố 8 phút sau đó- một chiến dịch thả thủy lôi ở Cảng Hải Phòng và các cảng lớn khác của miền Bắc Việt Nam, những cửa ngõ tiếp nhận vật chất hỗ trợ quan trọng cho cuộc chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Vào thời điểm đó, một đợt rút quân ồ ạt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam sắp bắt đầu. Chỉ còn 2 lữ đoàn chiến đấu của Hoa Kỳ ở lại miền Nam Việt Nam-Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 đóng quân ở Đà Nẵng và Lữ đoàn 3, Sư đoàn kỵ binh số 1 (dù) đóng quân ở Sài Gòn. Trong khi đó, chính quyền ngụy Sài Gòn đang xuống dốc tinh thần hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, Nixon đã đạt đến cao trào của câu chuyện của mình. “Chỉ có một cách để ngăn chặn việc giết chóc,” ông ta nói. “Đó là để giữ cho vũ khí chiến tranh nằm ngoài tầm tay của những kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế của Bắc Việt Nam… Do đó, tôi đã kết luận rằng Hà Nội phải bị ngăn chặn cung cấp vũ khí và nguồn cung cấp cần thiết để tiếp tục cuộc tấn công. Với sự phối hợp hoàn toàn với Việt Nam cộng hòa, tôi đã ra lệnh thực hiện các biện pháp sau đây khi tôi đang nói chuyện với các bạn”.

“Tất cả lối vào các cảng Bắc Việt Nam sẽ được rải bom, thủy lôi để ngăn chặn việc tiếp cận các cảng này và các hoạt động của hải quân Bắc Việt Nam từ các cảng này. Các lực lượng Hoa Kỳ đã được chỉ đạo thực hiện các biện pháp thích hợp trong vùng lãnh hải nội bộ và tuyên bố chủ quyền của Bắc Việt Nam để ngăn chặn việc vận chuyển bất kỳ nguồn cung cấp nào”.

Các máy bay phản lực F-4J Phantom II trên hàng không mẫu hạm Constellation chuẩn bị ném bom cảng Hải Phòng sáng 9/5/1972. Ảnh: Tư liệu Mỹ

“Đường sắt và tất cả các phương tiện liên lạc khác sẽ bị cắt đứt ở mức tối đa có thể. Các cuộc không kích và hải quân nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Bắc Việt Nam sẽ tiếp tục.” Nixon giải thích với khán giả rằng những biện pháp đó không nhằm vào các quốc gia khác. Hoa Kỳ sẽ đợi 3 ngày trước khi kích hoạt bom và thủy lôi thả ở các bến cảng của miền Bắc Việt Nam để các tàu nước ngoài hiện đang ở đó có thời gian rời đi an toàn.

Bài phát biểu ngày 8/5 của Nixon được phát sóng lúc 9 giờ tối theo giờ ban ngày miền Đông, tức là 9 giờ sáng 9/5 theo giờ Việt Nam. Bài phát biểu đó là sự khởi đầu của Chiến dịch Pocket Money (Tiền tiêu vặt). Các máy bay chiến đấu, máy bay tấn công và máy bay giám sát của Mỹ đã tiến hành cuộc không kích trong khi Nixon vẫn đang phát biểu.

Máy bay mang thủy lôi được chọn để thực hiện Chiến dịch Pocket Money là các máy bay tấn công A-7E Corsair II và A-6A Intruder trên tàu sân bay Coral Sea thuộc lực lượng Đặc nhiệm 77 của Hạm đội 7 Hoa Kỳ. 9 máy bay ném bom đã được chuẩn bị cho nhiệm vụ này. Các máy bay chiến đấu cũng được nhận lệnh cất cánh lúc 8 giờ 10 phút sáng 9/5. Cùng với 9 máy bay ném bom là một máy bay tác chiến điện tử có khả năng gây nhiễu ra đa-chiếc EKA-3B Skywarrior thuộc Phi đội tấn công điện tử VAQ-135. Nhiệm vụ đã được giữ bí mật tuyệt đối cho đến thời điểm đó.

Trong khi các máy bay hướng đến Hải Phòng đang cất cánh thì 17 chiếc Intruder cũng cất cánh từ hàng không mẫu hạm Kitty Hawk để tấn công các tuyến đường sắt ở Nam Định với ý đồ làm cho hệ thống phòng không của ta thiếu tập trung vào những gì sẽ xảy ra sau đó ở cảng Hải Phòng.

Một nhóm hải quân khác bao gồm các tàu khu trục/khu trục hạm tên lửa dẫn đường Berkeley, Myles C. Fox, Richard S. Edwards và Buchanan tấn công các khẩu đội tên lửa phòng không và pháo binh ở Đồ Sơn, Hải Phòng ngay trước khi máy bay tấn công của Mỹ đến.

Đúng 9 giờ 10 phút sáng, 36 quả thủy lôi đã được thả trên vùng biển Hải Phòng bao gồm 12 quả thủy lôi ở khu vực cảng và 24 quả thủy lôi ở luồng Nam Triệu. Sau khi bị phong tỏa, cảng Hải Phòng đã ngừng hoạt động trong 327 ngày.

Hải Phòng là cảng duy nhất bị phong tỏa ngày 9/5 nhưng bắt đầu từ ngày 11/5, 10 cảng khác tiếp tục bị phong tỏa là: Thanh Hóa, Đồng Hới, Vinh, Hòn Gai, Quảng Yên, Cẩm Phả, Cửa Sót, Mũi Ròn, Cửa Đáy và Cửa Lạch Giang. 9 tàu hàng nước ngoài rời Hải Phòng trước khi thủy lôi Mỹ được kích hoạt, trong khi 27 chiếc tàu khác phải nằm lại cảng gần một năm.

Cùng với chiến dịch Pocket Money, Mỹ còn huy động các chiến dịch ném bom khác kết hợp thả thủy lôi là Linebacker I (từ 10/5 đến 23/10/1972) và Linebacker II (từ 18 đến 29/12/1972) với mục đích khiến miền Bắc Việt Nam phải đồng ý đàm phán với những thỏa thuận có lợi cho Mỹ tại Paris.

Việc phong tỏa sông, biển miền Bắc Việt Nam được Mỹ tiếp tục cho đến tháng 1/1973.Khoảng 5.200 quả thủy lôi MK 52 và bom MK 36 DST kích hoạt bằng từ trường, âm thanh đã được thả trong chiến dịch Pocket Money. Còn trong các chiến dịch Linebacker Mỹ đã thả khoảng 6.500 quả bom và thủy lôi.

Quả bom cuối cùng trong số khoảng 11.711 quả đã được ném xuống gần thành phố Vinh vào ngày 14/1/1973, trước khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973.

Minh Đức (Tổng hợp) 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn