Âm vang Khúc quân ca Trường Sa
HQVN -
Ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng thường được những người lính đảo Trường Sa cất vang trước biển trời bao la. Bài hát cũng được nhiều đoàn công tác ra thăm quân, dân huyện đảo tổ chức luyện tập và hát trong suốt hải trình tạo nên một không khí sôi động, ấn tượng khó phai mờ trên tàu, trên đảo. Khi ở Trường Sa về, nhiều người còn tìm gặp tác giả của bài hát để cùng ngân nga…
Nhịp quân hành trên tàu, trên đảo
Bản thân tôi đã có nhiều chuyến công tác đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những chuyến đi đó, Quân chủng Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành Trung ương và các địa phương để tổ chức các chuyến tàu an toàn, chu đáo, nghĩa tình, để lại ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc về chuyến đi.
Chân dung nhạc sĩ Đoàn Bổng
Năm qua, đoàn công tác số 10 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đi trên Tàu KN 490. Suốt hải trình công tác, lời ca, tiếng hát được cất lên hòa cùng với tiếng sóng biển. Lãnh đạo đoàn công tác đã tổ chức thi hát bài “Khúc quân ca Trường Sa”, chia theo 11 tổ. Tàu rời bến cũng là lúc phát động cuộc thi. Công diễn và trao giải được tổ chức vào đêm cuối của hải trình. Lời bài hát được chuyền tay nhau để các thành viên đoàn công tác tập hát. Trong phòng ngủ, hay hành lang tàu đều là nơi tập luyện và dàn dựng. Bà Huỳnh Thu Hương, nguyên cán bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam được xem là “chị cả” của đoàn công tác. Dù đã gần 70 tuổi nhưng khi hát bà vẫn hòa cùng một nhịp để hát với lời ca của biển.
Trong điều kiện trên tàu cơ động trên biển, các “đạo diễn” của từng đội bàn thảo, xây dựng ý tưởng rất linh hoạt. Để giúp các đoàn có thể luyện tập và xây dựng chương trình sát hơn, các nghệ sĩ Nhà hát chèo Thái Bình được biên chế đều cho các tổ để làm hạt nhân văn nghệ. Từ thực tế thăm các đảo và nhà giàn đã giúp các tổ xây dựng cách biểu diễn theo tựa đề mà đảo mình đến. Mỗi tổ mang tên một đảo mà đoàn công tác đến thăm. Mười một đảo nổi, đảo chìm là tên của từng đội văn nghệ. Đúng là thời đại công nghệ số, những chiếc điện thoại smatphone được các đạo diễn của từng đội ghi lại hành trình. Tổ mang tên đảo Tiên Nữ có cách thể hiện khá độc đáo. Cả tổ khi lên đảo đã cùng cán bộ, chiến sĩ tập luyện ghi được hình ảnh lúc mặt trời mới ló lên. Các thành viên cùng nắm tay nhau đứng sát mép nước biển, gợn sóng cất cao tiếng hát, không khác gì một ê kíp chuyên nghiệp thực hiện cảnh quay.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ: Tôi đã đi nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng chuyến đi này ý nghĩa và thấy sự tài tình giữ biển, đảo của cha ông. Tôi chưa bao giờ làm “ca sĩ” nhưng đi Trường Sa ôm đàn ghi ta hát “Khúc quân ca Trường Sa” thật xúc động, cảm thấy yêu Tổ quốc, bộ đội Trường Sa nhiều hơn.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng ký tặng vào lá cờ Tổ quốc gửi tặng bộ đội Hải quân
Cuộc thi hát “Khúc quân ca Trường Sa” thật ấn tượng. Trong điều kiện trên tàu, giữa biển mênh mông sóng nước nhưng cách thể hiện cũng hết sức độc đáo. Áo phao, áo yếm hải quân, con ốc, nhành hoa, quả bàng vuông… là đạo cụ tạo điểm nhấn cho một bữa tiệc âm nhạc của tàu. Có thành viên đoàn công tác thốt lên rằng như đang đón giao thừa tập thể ở đất liền. Anh Trần Việt Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ khi hát “Khúc quân ca Trường Sa” giữa biển trời đã sáng tác vọng cổ “Tâm sự Trường Sa” như để tiếp thêm khúc quân hành trên sóng: “Từ miền Tây tôi về thăm biển đảo…Khó khăn vẫn không sờn lòng của người lính đảo Trường Sa…Nay đã hiểu rồi Trường Sa đất mẹ…Gởi trọn tâm tình-nơi ấy Trường Sa”.
Nhiều người xin hát cùng nhạc sĩ Đoàn Bổng
Chúng tôi gặp Nhạc sĩ Đoàn Bổng tại buổi họp mặt đoàn công tác tại hội trường của Trung tâm Không gian văn hóa Đông Tây Hà Nội. Lúc đó, đoàn công tác số 10 thăm quân dân huyện đảo Trường Sa hội ngộ ra mắt cuốn kỷ yếu của đoàn. Các đại diện của đoàn công tác từ mọi miền của Tổ quốc có cuộc gặp hiếm hoi giữa lòng Thủ đô, ôn lại kỷ niệm của hải trình. Trong không khí vui vừng, phấn khởi, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã đến dự và chung vui với đoàn. Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết: Tôi rất xúc động vì bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” không chỉ là ca khúc động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ Hải quân quyết tâm bảo vệ biển, đảo đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mà còn là lời hiệu triệu để mọi người cùng hướng về biển, đảo Tổ quốc thân yêu. Cũng chính trong ngày vui hôm đó, nhạc sĩ bày tỏ, hơn 10 năm trở lại đây, các đoàn công tác ra thăm, quân dân huyện đảo Trường Sa đều cho biết: Hơn 10 đảo trong hải trình, đến đảo nào cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn cũng hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ. Nhiều bạn đã tìm đến tôi để xin hát cùng tác giả.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng đã có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia) năm 1972. Rời nhà trường, năm 1973 ông được tuyển chọn làm phóng viên, rồi cán bộ biên tập âm nhạc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới lưới lửa bom đạn, không sợ hiểm nguy đến tính mạng, Đoàn Bổng đến nhiều địa phương ở miền Nam sưu tầm, chọn lọc những làn điệu dân ca Huế, Liên khu 5, Nam Bộ… để có bản tin phát thanh ca nhạc vào đúng 21 giờ hàng tuần trên sóng của Đài. Mỗi khi nghe tin chiến thắng trên từng mặt trận, Ban Ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng nơi ông công tác đều có ngay chương trình văn nghệ, góp phần cổ vũ, động viên chiến trường.
Năm 1976, nhạc sĩ Đoàn Bổng được tổ chức điều động về làm cán bộ biên tập âm nhạc và giữ chức Trưởng phòng Ca nhạc, Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2004). Thời gian ở Đài Truyền hình Việt Nam, ông dành phần lớn thời gian cho sáng tác âm nhạc. Hầu hết ca khúc của ông đều mang đậm hồn thơ, rất gần gũi với công chúng yêu ca hát. Bài Khúc quân ca Trường Sa là một minh chứng rõ nét cho điều đó. “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua…”
Đoàn công tác hát múa bài “Khúc quân ca Trường Sa” trên boong tàu
Nhạc sĩ Đoàn Bổng bộc bạch: Trong cuộc đời theo Đảng, theo Bác Hồ tôi đã làm được một số việc tuy nhỏ nhưng nó đã góp phần động viên tin thần quân và dân cả nước. Bản thân tôi, các anh chị cũng biết, đối với xã hội, đối với Bác Hồ kính yêu, tôi đã có gần 10 tác phẩm nằm trong Bảo tàng Hồ Chí Minh do lãnh đạo Bảo tàng đề nghị. Bộ Công an cũng xin được tặng bài thơ về anh hùng chiến sĩ Công an nhân dân, bài thơ đó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Công an ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Viết về nghìn năm Thăng Long-Hà Nội nhạc sĩ Đoàn Bổng là tác giả duy nhất có 3 tác phẩm được đoàn nhạc giao hưởng từ nước Pháp chọn biểu diễn trong Đại lễ nghìn năm và năm sau đó, 3 bài hát này tiếp tục được biểu diễn bên nước Pháp, được bạn bè, công chúng yêu nhạc nước bạn đánh giá cao. Đối với Quân chủng Hải quân, Đoàn Bổng đã viết một số ca khúc tiêu biểu:“Chỉ có em mới biết về anh”, bài hát viết về Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126; “Kể chuyện những con tàu Không số”; “Tôi đứng đây canh biển trời Tổ quốc” nói về sự hiên ngang của những Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Vũ Hưởng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 tổ chức tọa đàm thanh niên - ( 15-11-24 01:00 )
- Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân diễn ra từ ngày 18/11 - ( 14-11-24 09:00 )