5 chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trên thế giới
Hằng năm, quân đội các nước trên thế giới luôn dành một khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ cho việc phát triển, sản xuất một số loại vũ khí, trang bị.
Theo báo cáo gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu nhiều nhất, chiếm 35% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Trong bài viết mới đây, Hãng tin RIA Novosti đã kể tên 5 dự án vũ khí tốn kém nhất trên thế giới.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ
Tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford được công nhận là “người giữ kỷ lục thế giới” về chi phí đóng tàu. Việc chế tạo và thử nghiệm “biểu tượng” của lực lượng Hải quân Mỹ đã khiến ngân sách quốc phòng của Mỹ tiêu tốn gần 13 tỷ USD.
Tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford. Nguồn:AP
USS Gerald R. Ford được coi là tàu sân bay hiện đại và được vũ trang nhất trên thế giới. Chiếc tàu sân bay đắt đỏ này của Mỹ được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân và 1 hệ thống radar tiên tiến Dual Band Radar. Ngoài ra, trên boong tàu còn có sự hiện diện của 2 phi đội tiêm kích F-35C và F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay vận tải C-2 Greyhound cùng 8 trực thăng MH-60S Seahawk.
Vũ khí của tàu sân bay USS Gerald R.Ford là tên lửa phòng không RIM-162 ESSM, hệ thống pháo hạm Phalanx và RAM. Theo các nhà phát triển, USS Gerald R.Ford phù hợp để triển khai bất kỳ loại vũ khí tiên tiến nào, kể cả laser chiến đấu.
Tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ
Không chỉ có Mỹ, Ấn Độ cũng là một quốc gia quan tâm tới việc tạo ra đội tàu sân bay của riêng mình. Bản hợp đồng được ký vào năm 2004 được coi là thoả thuận lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ. Theo dự kiến, việc hiện đại hóa con tàu Nga chỉ làm khách hàng Ấn Độ tiêu tốn một khoản tiền không lớn là 750 triệu USD. Với khoản tiền này, Nga đã cam kết cung cấp cho Ấn Độ 30 máy bay chiến đấu MiG-29K. Vào năm 2013, nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk đã hoàn thành việc hiện đại hóa sâu chiếc tàu tuần dương chở máy bay Đô đốc Gorshkov, sau đó được giao cho Hải quân Ấn Độ với cái tên mới là Vikramaditya. Do việc gia tăng số lượng công việc theo một số điều khoản bổ sung của Ấn Độ, trên thực tế, chi phí hoán cải tàu Đô đốc Gorshkov thành tàu sân bay mới Vikramaditya, đã tăng lên mức 2,3 tỷ USD.
Tàu sân bay Vikramaditya. Nguồn: RIA
Tàu sân bay Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử hoàn toàn mới, hệ thống định vị, vũ khí, boong tàu cải tiến. Vikramaditya mang theo 30 máy bay các loại. Theo kế hoạch, con tàu sẽ phục vụ cho Hải quân Ấn Độ trong khoảng 40 năm.
Xe tăng AMX-56 Leclerc của Pháp
Để phát triển trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng bộ binh, quân đội các nước cũng phải dành một khoản ngân sách quốc phòng lớn. Một trong những chiếc xe tăng đắt nhất trên thế giới là AMX-56 Leclerc của Quân đội Pháp với mức giá 9 triệu USD. Chiếc xe bọc thép này đã được đưa vào trang bị vào năm 1992. Khi thiết kế người Pháp muốn tạo ra một chiếc xe tăng mạnh mẽ và được bảo vệ tốt như xe tăng Abrams của Mỹ, nhưng nhẹ hơn.
Tổng cộng, Quân đội Phảp đã nhận được 400 xe tăng AMX-56 Leclerc. Theo đó, Pháp đã phải chi 36 tỷ USD cho đội quân xe tăng này, không tính đến chi phí bảo trì và nâng cấp.
Xe tăng AMX-56 Leclerc được trang bị pháo 120mm và 2 súng máy 12,7mm và 7,62mm. Nhiều hoạt động của xe tăng được thực hiện tự động hóa thay cho nhiệm vụ của tổ lái. Đây là lý do chính để giải thích vì sao chiếc xe tăng này có mức giá cao như vậy.
Máy bay B-2 Spirit của Mỹ
Điều tạo nên sự khác biệt của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit so với các đối thủ khác không chỉ là hệ thống phòng thủ tiên tiến, mà còn mức chi phí sản xuất quá cao (hơn 1 tỷ USD, chưa tính đến thiết bị trên máy bay). Trong khi đó, người Mỹ đã dành một khoản tiền tương tự để chế tạo tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga.
Ngoài ra, máy bay B-2 Spirit rất tốn kém khi vận hành và bảo trì. Ví dụ, để giữ gìn lớp phủ tàng hình, B-2 Spirit cần được bảo quản trong nhà để máy bay chuyên biệt. Trong điều kiện bình thường, chất lượng lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar của máy bay có thể sẽ bị kém đi.
Hiện nay, Không quân Mỹ đang sở hữu 20 chiếc máy bay ném bom B-2 Spirit. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đang dự định loại biên phi đội B-2 Spirit trước năm 2030, dù cho loại máy bay này được đánh giá là có hiệu quả chiến đấu cao. “ Người kế nhiệm” B-2 Spirit được cho là máy bay ném bom chiến lược cải tiến B-52 Stratofortress.
Bom hạt nhân B61-12 của Mỹ
Vũ khí hạt nhân đắt nhất trong thời gian gần đây chính là quả bom mới B61-12 của Mỹ và đây không phải là loại vũ khí được tạo ra từ con số không, mà chỉ là một phiên bản của quả bom B61 mẫu năm 1963, đang hiện diện trong kho vũ khí của Mỹ.
Tổng chi phí của chương trình cải tiến khoảng 500 quả bom hạt nhân “lỗi thời” được cho là vượt quá 11 tỷ USD. Như vậy, giá của mỗi quả bom mới B61-12 là gần 23 triệu USD.
Sau khi nâng cấp, B61-12 sẽ có độ chính xác hơn nhiều so với “người tiền nhiệm” B61. Quả bom B61-12 sẽ được trang bị đuôi bom mới và một hệ thống hướng dẫn quán tính nên máy bay chở bom không cần ném bom theo chiều thẳng đứng, mà có thể thả bom từ xa để bom tự động tìm đến mục tiêu. Ngoài ra, B61-12 còn có sức xuyên phá đủ để phá hủy các trung tâm chỉ huy đặt dưới hầm ngầm sâu trong lòng đất. Với độ chính xác cao và tính tùy biến để có thể thích ứng nhiều kiểu nhiệm vụ khác nhau, B61-12 trở thành vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn