Cánh bay nối những niềm vui
HQVN -
Chuyện hôm nay
Sáng nay, chị Vũ Thu Phương ở căn hộ số 317, nhà N2, khu Đô thị Căn cứ quân sự Cam Ranh dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị tiễn chồng vào đơn vị - Biên đội 2, Phi đội DHC-6, Lữ đoàn Không quân Hải quân 954. Chồng chị - Thượng úy Nguyễn Văn Thuận, Biên đội trưởng sau nhiều ngày trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị mới chiều qua ghé về nhà nhưng rồi anh lại vào đơn vị ngay để chuẩn bị cho chuyến bay ra Trường Sa. Tiễn chồng xong rồi, chị lại tất tả chuẩn bị đồ đạc để ra Bắc chúc Tết và ra mắt hai bên nội ngoại (anh chị mới cưới nhau tháng 11-2017, sau nhiều năm yêu nhau).
Trong tiếng nhạc du dương của bài hát “Chắp cánh ước mơ bay” “Ngày bé, ấm áp bên tiếng ru mẹ vẽ/ Những giấc mơ lớn lao bay vượt chân trời…”, chị Phương vừa nhanh tay bày biện, trang trí đồ lễ trên bàn thờ vừa kiểm tra lại thực phẩm trong tủ lạnh. Vừa làm, chị vừa nghĩ tới những điều anh thường tâm sự về chuyện nghề, chuyện nghiệp. Tết này, vợ chồng không được ăn Tết cùng nhau mà chị không hề buồn tủi, chỉ thấy thương chồng hơn bởi chị rất hiểu và cảm thông với “nghiệp bay” của lính.
Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Văn Thuận
Bên cạnh đó, chị cũng lo lắng cho chuyến công tác hôm nay của anh. Trường Sa quanh năm thời tiết thất thường. Bay ra Trường Sa là hoàn toàn bay trên biển nên rất khó phân biệt đâu là biển, đâu là trời. Chưa kể việc cất hạ cánh cũng gặp không ít khó khăn do sân bay Trường Sa có đường băng ngắn và hẹp nhất. Thế nên, đòi hỏi của mỗi lần hạ cánh là tuyệt đối chính xác, không được phép sai lệch. Mỗi lần anh bay, chị cũng chỉ biết cầu mong thời tiết thuận lợi để anh và đồng đội đỡ vất vả hơn.
Chuyện hôm qua
Ngày 9-3-2014, Phi đội DHC-6 của Lữ đoàn 954 thực hiện chuyến bay ra Trường Sa đầu tiên. Lúc ấy, Thượng úy Thuận còn đang đi học hoàn thiện tại Trường Sĩ quan Không quân. Về đơn vị, anh thường được Đại úy Phạm Vũ Tuấn, Phó Phi đội trưởng cùng các đồng đội đi trước kể lại về “dấu mốc” quan trọng này.
7 giờ sáng, máy bay rời sân bay Cam Ranh thẳng hướng Trường Sa. Trên buồng lái, Phi đội trưởng Vương Đăng Nam làm cơ trưởng cùng Phó Phi đội trưởng, Tham mưu trưởng phi đội Phạm Vũ Tuấn làm phi công thực hiện chuyến bay. Sau hơn 2 giờ bay vượt khoảng cách 500 km, chiếc thủy phi cơ của Hải quân nhân dân Việt Nam có số hiệu VNT 777 đã hạ cánh an toàn trên đường băng sân bay Trường Sa trong niềm hân hoan chào đón của quân và dân nơi đây.
Đại úy Tuấn kể, bữa ăn trưa ngoài đảo hôm ấy khác hẳn những ngày trước bởi được bổ sung nhiều thực phẩm tươi ngon như: Rau xanh, bún, phở, trứng vịt lộn, sữa tươi… và có cả kem nữa. Những thứ ấy rất giản đơn với đất liền nhưng lại là “đặc sản” với người dân Trường Sa. Anh Tuấn cứ nhắc mãi câu nói của chị Lê Thị Trúc Hà, hộ dân số 1 ngoài đảo: “Lần đâu tiên thấy thủy phi cơ của Hải quân hạ cánh chúng tôi mừng lắm, mừng vì Hải quân lớn mạnh và cũng mừng vì từ nay đã có “cầu” nối đảo xa với đất liền”… Và quả thật, từ đó đến nay, DHC-6 vẫn là phương tiện quan trọng, hữu hiệu trong vận chuyển các đoàn công tác quan trọng, hàng hóa, cấp cứu, cứu nạn giữa Trường Sa với đất liền.
Và niềm kiêu hãnh của những phi công bay biển
Kể từ đó đến nay, gần 4 năm trôi qua, Phi đội DHC-6 của Lữ đoàn 954 đã thực hiện được 205 chuyến bay ra Trường Sa với tổng số hơn 820 giờ bay. Từ khi có “cầu hàng không” DHC-6, đời sống của quân dân Trường Sa được cải thiện rõ rệt, nhất là thực phẩm tươi sống phục vụ sinh hoạt trên đảo. Đã có nhiều ca bệnh hiểm nghèo ở đảo được cấp cứu nhờ DHC-6. Phấn khởi hơn, mỗi dịp Tết sẽ có từ 10 đến 15 chuyến bay vận chuyển phục vụ hàng Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Mỗi chuyến chở được khoảng vài chục tấn hàng, ngoài các nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày thì sẽ có thêm các mặt hàng như: lá dong, gạo nếp, thịt tươi, trứng, bún, câu đối, đào, quất, mai, hoa tươi… Ai bảo Tết Trường Sa không đầy đủ, trọn vẹn?
DHC-6 chở đoàn công tác ra huyện đảo Trường Sa
Thượng úy Nguyễn Văn Thuận tâm sự rằng: Cảm xúc của tôi đối với mỗi chuyến bay ra Trường Sa là rất hào hứng xen lẫn chút hãnh diện. Bởi không phải phi công nào cũng có thể lái được DHC 6, cũng cất hạ cánh được ở Trường Sa. Tết đến, được chở hàng Tết ra giúp anh em đồng đội, bà con nhân dân ngoài đảo, tôi lại càng cảm thấy hạnh phúc rất nhiều.
Khi được hỏi về mong ước của bản thân trước thềm Xuân mới, “Phi công tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân năm 2017” Nguyễn Văn Thuận không ngần ngại tâm sự: Các cụ thường bảo cuộc đời người đàn ông có 3 điều quan trọng nhất đó là “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, tôi đã có cả 3 điều ấy, ước mơ trở thành phi công đã thành hiện thực, được kết hôn với người mình yêu thương nhất, được sinh sống ở Khu đô thị Cam Ranh. Ngoài sự nỗ lực của bản thân tôi, còn có sự quan tâm, ưu ái của đơn vị, của Quân chủng trong đó nữa. Đó chính là động lực giúp tôi toàn tâm, toàn ý cho công việc của mình và cống hiến nhiều hơn nữa cho Quân chủng, Quân đội và đất nước.
Thùng hàng Tết Mậu Tuất cuối cùng được chuyển từ chiếc thủy phi cơ số hiệu VNT - 772 xuống sân bay Trường Sa. Nhìn đồng hồ đã là 9 giờ hơn sáng, kíp bay của phi đội DHC-6 cùng nhau thở phào. Có thể ngày mai họ lại bước vào các nhiệm vụ khác nhưng dư âm của những chuyến bay Trường Sa - chuyến bay kết nối yêu thương sẽ còn mãi với những ấm áp của sự sẻ chia với đảo xa.
Thanh Thủy
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 189 hưởng ứng cuộc thi trực tuyến - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 685 khánh thành, bàn giao nhà đồng đội - ( 23-11-24 01:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Tây Nguyên - ( 23-11-24 08:00 )
- Tàu 467 cứu nạn thành công tàu cá Bình Định - ( 22-11-24 01:00 )