Ý tưởng Mỹ giúp hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân tương lai của Nga
Sau khi các thông tin về dòng tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 lớp Husky của Nga được tiết lộ, căn cứ vào những thông tin được công bố, trong giới chuyên gia quân sự quốc tế đã tranh luận về việc có phải Nga đã sử dụng các ý tưởng về tàu ngầm hạt nhân tương lai của Mỹ trên dòng tàu ngầm mới?
Tàu ngầm lớp Husky của Nga có tới 3 phiên bản cho các nhiệm vụ khác nhau: Săn ngầm với vũ khí ngư lôi, diệt hạm với tên lửa hành trình siêu thanh Zircon và nhiệm vụ chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa. Với việc sử dụng chung một kết cấu khung thân và trang bị trên khoang, tàu ngầm Husky giúp tối ưu khả năng chế tạo, bảo dưỡng và hậu cần. Ý tưởng này từng được Mỹ công bố về dòng tàu ngầm mới sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tối ưu hóa công nghệ để tiết kiệm chi phí
Rõ ràng, về ý tưởng thiết kế, tàu ngầm lớp Husky của Nga có nhiều nét tương đồng với ý tưởng chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sau khi Ngũ Giác đài nhận ra các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf thiết kế thời chiến tranh Lạnh quá đắt đỏ. Ban đầu, tàu ngầm lớp Seawolf được thiết kế chuyên biệt mang ngư lôi tấn công, nhưng sau này Lầu Năm góc lại muốn trang bị trên tàu ngầm lớp Seawolf tên lửa hành trình. Sự thay đổi tư duy tác chiến này buộc phải can thiệp vào kết cấu của tàu ngầm lớp Seawolf các mô-đun chiến đấu đặc biệt làm tăng chi phí và thời gian đóng mới. Tư duy thiết kế này đã được thay đổi trong chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4 – lớp Colombia, khi tàu ngầm chiến lược tương lai của Mỹ sử dụng rất nhiều công nghệ và giải pháp kỹ thuật đã được thực nghiệm trên tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Virginia.
Sự thay đổi của tư duy tác chiến hải quân mới đã biến các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf đắt đỏ trở nên lạc hậu. Ảnh: Defensetalk |
Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, một trong những dòng tàu ngầm tấn công đa nhiệm của Hải quân Mỹ. Ảnh: Defensetalk |
Về phương pháp thiết kế, Nga phát triển tàu ngầm lớp Husky theo cùng ý tưởng với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Cụ thể, phiên bản tiêu chuẩn của tàu ngầm lớp Husky có lượng choán nước 8.000-9.000 tấn, tốc độ di chuyển khi lặn 32-33 hải lý/giờ. Phiên bản Husky tiêu chuẩn có thể trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình tấn công. Khi cần, tàu ngầm lớp Husky cũng có thể sử dụng trong nhiệm vụ triển khai đặc nhiệm vào sâu trong vùng biển của đối phương. Đối với phiên bản mang tên lửa hành trình chuyên nghiệp, kết cấu khung thân tàu ngầm lớp Husky được kéo dài cho phép bổ sung các mô-đun chiến đấu bổ sung, tương tự như trên tàu ngầm lớp Virginia. Thực tế, trên tàu ngầm lớp Virginia với 4 mô-đun chiến đấu bổ sung cho phép lắp đặt thêm tới 7 tên lửa hành trình. Cơ cấu này cho phép giảm thời gian tháo lắp tên lửa lên khoang tàu ngầm. Còn đối với phiên bản tàu ngầm lớp Husky mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, nó thực sự phiên bản phóng lớn của tàu ngầm lớp Husky mang tên lửa hành trình để phù hợp chuyên chở các đạn tên lửa cỡ lớn, sử dụng hệ thống động lực là các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ tương tự như trên tàu ngầm lớp Borey và Yasen.
Giới chức quân sự Nga tính toán, tàu ngầm lớp Husky sẽ có giá thành rẻ hơn đáng kể so với tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen đang có trang bị. Nhờ tiết kiệm chi phí, Moscow có thể tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới từ 16 lên 20 tàu ngầm tấn công trong tương lai. Ngoài ra, nhờ ứng dụng các công nghệ đã được thực nghiệm trên các tàu ngầm hạt nhân hiện có, thời gian đóng mới tàu ngầm lớp Husky sẽ giảm xuống còn 4 năm rưỡi và Hải quân Nga có thể tiếp nhận 2 tàu ngầm mới mỗi năm bắt đầu từ năm 2021. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, chiếc tàu ngầm lớp Husky đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nga vào năm 2025.
Biến thể trang bị tên lửa đạn đạo của tàu ngầm hạt nhân lớp Husky sẽ bắt đầu được đóng mới sau khi chương trình phát triển tàu ngầm lớp Borey hoàn tất. Kế hoạch này nằm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân chiến lược của Moscow trong những năm 2020 và không vi phạm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) ký với Mỹ.
“Thoát xác” khỏi tư duy hải quân thời Liên Xô
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, do những hạn chế về công nghệ và tư duy tác chiến tổng lực, tàu ngầm của Hải quân Liên Xô được thiết kế theo các nhiệm vụ chuyên biệt với chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Liên Xô tan vỡ và Nga được kế thừa các di sản thời Liên Xô với hàng loạt vấn đề phải đối mặt.
Dưới thời Liên Xô, các tổ hợp thiết kế và thử nghiệm công nghệ hải quân không đặt hoàn toàn trên lãnh thổ Nga, mà ở trên nhiều quốc gia khác thuộc liên bang (ngay là các quốc gia SNG). Việc Liên Xô tan vỡ đã làm quy trình phát triển và thử nghiệm công nghệ hải quân mới của Nga bị gián đoạn. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và Yasen thực tế vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư duy phát triển hải quân thời Liên Xô. Việc thiếu cơ sở thực nghiệm công nghệ và công nghiệp phụ trợ đã làm giá thành đóng tàu ngầm Yasen và Borey trở nên rất đắt đỏ và ẩn chứa nhiều vấn đề công nghệ.
Tàu ngầm lớp Yasen dù sở hữu nhiều tính năng hàng đầu, nhưng giá thành đóng mới đắt đỏ và các vấn đề về công nghệ đã cản trở việc đóng mới ở quy mô lớn. Ảnh: warfare.ru |
Hình ảnh mô phỏng của tàu ngầm hạt nhân lớp Husky. Ảnh: Rian |
Ngoài ra, tác chiến hải quân hiện đại đã thay đổi, nên xu thế chế tạo tàu ngầm đơn nhiệm trên thế giới đang dần được chuyển sang đa nhiệm, dễ chế tạo và chi phí sử dụng kinh tế.
Tàu ngầm lớp Husky có thể chính là dấu hiệu của việc Hải quân Nga đã kết thúc sự phụ thuộc vào các công nghệ tàu ngầm thời Liên Xô với việc kế thừa công nghệ tàu ngầm đã được thực nghiệm và áp dụng các giải pháp cải tiến công nghệ mới.
Tuy nhiên, việc Nga cùng lúc phát triển hai lớp tàu ngầm chiến lược có khả năng mang tên lửa đạn đạo chiến lược đã gây hoài nghi cho giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây. Theo đánh giá của chuyên gia Michael Kofman thuộc Viện Hải quân Mỹ, Nga chỉ nên tập trung vào các dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công đa nhiệm mới để tiết kiệm nguồn lực.
Về phần mình, nhiều chuyên gia quân sự Nga đánh giá, giới chức quân sự Nga kỳ vọng tàu ngầm lớp Husky sẽ giúp thay thế phần lớn các tàu ngầm hạt nhân cũ đóng từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể cả với Husky, Hải quân Nga sẽ không bao giờ sở hữu được hạm đội tàu ngầm hùng hậu, tung hoành trên các đại dương như Hải quân Xô Viết.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn