Ý tưởng độc đáo của thanh niên Hải quân xuất phát từ tình yêu biển đảo

HQVN -

Trong số các công trình thanh niên tiêu biểu trưng bày tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quân chủng Hải quân lần thứ VII, nhiều ý tưởng gây ấn tượng mạnh với các đại biểu bởi sự độc đáo và tính hiệu quả. Một trong số đó là “Ý tưởng sử dụng bè cá truyền thống trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Mô hình bè cá truyền thống của Đoàn cơ sở Công ty 128

Báo tường trên cánh buồm tre
Bên lề Đại hội, nhiều đại biểu đã quan sát thật kỹ, nghe giới thiệu về công trình bè cá của Đoàn cơ sở Công ty 128 Hải quân, họ trao đổi, bàn tán khá sôi nổi. Chúng tôi quan sát tổng thể thì thấy công trình này khá đơn giản: Một chiếc bè nhỏ được kết bằng những khúc tre luồng khô, trên đó là chiếc buồm lớn cũng bằng tre trang trí sinh động những bài thơ, bài hát, hình vẽ… Thượng úy Nguyễn Đức Lam, Bí thư Liên chi đoàn Xí nghiệp Tàu đánh cá công ích, Đoàn cơ sở Công ty 128 Hải quân, người có nhiều tâm huyết với ý tưởng hồ hởi giới thiệu: Tờ báo tường trên chính cánh buồm của bè cá có chủ đề là “Ra khơi”. Các bài xã luận, ca khúc, thơ được viết ngay ngắn, rõ nét trên chất liệu tre, đan xen là các hình vẽ khắc họa hình ảnh biển, đảo quê hương trong ánh nắng ban mai rực rỡ cùng con tàu Hải quân hiên ngang lướt sóng. Với việc lấy nền báo tường là hình ảnh hoa sen cùng bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp “Thế hệ trẻ hôm nay luôn trân trọng và giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Điểm nhấn trong “công trình kép” của Đoàn cơ sở Công ty 128 Hải quân và cũng là phần quan trọng nhất chính là tổng thể chiếc bè, tính hữu ích và “giá trị tinh thần” to lớn của nó. Thiếu tá Đào Hữu Sáng, Trợ lý Thanh niên, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Công ty 128 Hải quân bộc bạch: Ý tưởng này xuất phát từ tình yêu, trách nhiệm của tuổi trẻ Công ty trong xung kích làm chủ biển, đảo. Ngoài ra, ý tưởng còn được bắt nguồn từ truyền thống quân thủy hào hùng của ông cha ta, sức mạnh từ nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong giữ nước. Đóng quân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nơi có những chiếc bè đánh cá truyền thống trên biển của các ngư dân, tuổi trẻ Liên chi đoàn Xí nghiệp Tàu đánh cá công ích sau nhiều ngày trăn trở, nghiên cứu đã nảy sinh ý tưởng và tiến hành thử nghiệm, dần dần hoàn thiện.

“Mổ xẻ” chi tiết công trình này chúng tôi thấy được, ý tưởng chiếc bè cá còn được bắt nguồn từ những nguồn chất liệu tạo bè như cây luồng, xốp đều là những vật liệu không bao giờ chìm, dễ kiếm, giá thành rẻ, thời gian sử dụng dài và đặc biệt rất gần gũi với những ngư dân đi biển. Tính hữu ích của bè cá đến từ việc bình thường nó là chiếc bè để ngư dân có thể đánh cá tiện lợi, khi cần bè sẽ là công cụ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngư dân sử dụng bè để đánh cá nhưng khi được huy động thì những chiếc bè này sẽ trở thành những “bức tường” vững chắc trên biển, bởi bè luôn nổi, dễ vận chuyển, khả năng gắn kết cao.

Theo thiết kế từ ý tưởng này thì bè dài 15m, rộng3 m, máy 15CV và có buồm đi kèm theo thiết kế. Với chất liệu làm bằng những khúc luồng được chọn lựa kỹ càng, cùng với hệ thống xốp nâng sẽ làm bè không bao giờ bị chìm. Với thiết kế như vậy thì bè sẽ có sức chở từ 3 đến 5 tấn, vận tốc 3-5 hải lý/giờ, tầm hoạt động trên một vùng biển rộng. Giá trị mỗi bè ước tính khoảng 25 triệu đồng, thời gian sử dụng là 10 năm. Đoàn cơ sở Công ty 128 đã trao đổi về ý tưởng này với cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Thanh Hóa và đông đảo bà con ngư dân ở xã Thọ Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa và được ủng hộ mạnh mẽ. Tại Hội nghị công tác tuyên truyền biển đảo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, ý tưởng bè cá truyền thống cũng được trưng bày và nhận được những đánh giá khả thi.

Đại tá Hà Đức Doanh, Phó chính ủy Công ty 128 Hải quân cho biết: Ý tưởng bè truyền thống của chúng tôi xuất phát từ lũy tre làng, từ truyền thống dân tộc. Đây có thể coi là “Lũy tre làng trên biển”, hay “Bom ba càng trên biển”, là tác phẩm biểu hiện rõ nét ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Với tính chất gần gũi, thiêng liêng với mỗi ngư dân cùng những đặc tính kỹ thuật hợp lý khi vừa là phương tiện đánh cá, khi là vật cản, công cụ tác chiến, bè cá truyền thống đã tỏ rõ những ưu việt của mình. Tuy nhiên đây mới là ý tưởng đang được thử nghiệm, chúng tôi hy vọng sau này bè cá sẽ được phổ biến đại trà cho các ngư dân ở nhiều vùng biển trong cả nước.
 

                                                                                                                                                              Bài, ảnh: Công Luật

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn