Xây dựng Tổng công ty Kinh tế - Quốc phòng hàng đầu về kinh tế biển
HQ Online -
Có mặt và vững vàng bám trụ tại địa bàn chiến lược, đặc biệt là vùng biển đảo, các doanh nghiệp trong Quân chủng Hải quân vừa phát triển sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Làm kinh tế xuất phát từ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng
Xuất phát từ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, các doanh nghiệp trong Quân chủng Hải quân cơ bản đều đóng quân và vững vàng bám trụ trên các địa bàn chiến lược, nhất là trên các vùng biển, đảo xa đất liền. Năm 2017, các doanh nghiệp trong Quân chủng đã hoàn thành chỉ tiêu về sản xuất sản phẩm quốc phòng như đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, vũ khí trang bị; bốc xếp hàng quốc phòng; xây dựng công trình biển, đảo… Các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng đều có lãi, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Trung tâm Điều độ, Tân cảng Cát Lái. Ảnh: QT
Xoay quanh vấn đề này, Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân chủng, Phó Tư lệnh Hải quân cho biết: Chúng ta cần phải khẳng định, các doanh nghiệp trong Quân chủng Hải quân làm kinh tế xuất phát từ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Tại sao không chọn địa bàn thuận lợi, nơi có đông dân cư sinh sống, tại sao không chọn ngành nghề dễ phát triển… mà chúng ta lại phải lựa chọn trên các vùng biển và hải đảo xa xôi, nơi mà cả về vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu đến tất cả các mặt đều không thuận lợi. Đó chính là từ yêu cầu, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng mà ra. Và những nơi như vậy chỉ có quân đội nói chung, bộ đội Hải quân nói riêng mới thực hiện được.
Theo Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV 128, Công ty TNHH MTV Hải sản Trường Sa đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này, như: Dịch vụ bảo vệ dầu khí; dịch vụ khai thác cảng; sửa chữa Nhà giàn DK1; khai thác hải sản kết hợp tuần tra trinh sát; hoạt động công ích, làm dịch vụ hậu cần nghề cá hỗ trợ cho ngư dân khu vực biển Trường Sa, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là công tác cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển ở các âu tàu, làng chài ở quần đảo Trường Sa như âu tàu Song Tử Tây và âu tàu Sinh Tồn. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc cả 2 nhiệm vụ chính trị trọng tâm (nhiệm vụ quân sự quốc phòng và sản xuất kinh doanh), được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Đóng góp quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế biển
Thiếu tá Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế, Bộ Tham mưu Hải quân cho biết: Năm 2017, các doanh nghiệp trong Quân chủng đã tích cực, chủ động đề ra chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế, cơ bản duy trì và phát triển được sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất, doanh thu vượt kế hoạch trên 4% và tăng trên 10% so với kết quả năm 2016; lợi nhuận vượt kế hoạch 11% so với chỉ tiêu đề ra, tăng 13% so với kết quả năm 2016. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều doanh thu có lãi, giữ vững và nâng cao được uy tín, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trên các lĩnh vực: dịch vụ cảng biển, dịch vụ logictics, dịch vụ dầu khí, xây dựng các công trình biển đảo, gia công cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, sửa chữa nhà giàn DK1, giàn khoan dầu khí…
Tàu của Công ty 128 Hải quân bảo vệ công trình dầu khí Quốc gia trên biển. Ảnh: QT
Theo Thiếu tá Lê Thanh Sơn thì về nhiệm vụ này, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển nền kinh tế biển của đất nước đến năm 2020. Năm 2017, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh trên cả 3 trụ cột kinh doanh chính (khai thác cảng, dịch vụ logictics, vận tải và dịch vụ biển). Tổng Công ty duy trì mức tăng trưởng cao, sản lượng container thông qua hệ thống cảng của Tân cảng đạt 6,8 triệu TEUs (tương đương 90 triệu tấn), doanh thu toàn hệ thống đạt 20.157 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên 6% so với năm 2016 (21,2 triệu đồng/người/tháng). Kết quả đó cho thấy sự dịch chuyển trong cơ cấu tăng trưởng, phản ánh chiến lược phát triển đúng đắn của Tân cảng Sài Gòn trên 3 trụ cột chính. Đồng thời, việc mở rộng, kéo dài chuỗi địch vụ logictics trọn khâu, hàm lượng giá trị gia tăng cao; tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng đã rút ngắn được thời gian phương tiện đậu chờ, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao năng suất lao động và cắt giảm nhân sự một số bộ phận.
Sẽ là tập đoàn kinh tế-quốc phòng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển
Trong câu chuyện về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, thực tiễn hoạt động những năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp quân đội trên mặt trận kinh tế. “Đội quân sản xuất” luôn có bước phát triển mới với bản lĩnh, sáng tạo và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động của các doanh nghiệp quân đội cũng cần được đổi mới toàn diện để nâng cao hiệu quả. Từ kết quả, kinh nghiệm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội trong nhiều năm qua và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, lần này, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội được thực hiện với trọng tâm là sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề, quy mô nhỏ, hình thành doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh; kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Không nằm ngoài kế hoạch, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp trong Quân chủng tiến hành hoàn thiện mọi mặt để thực hiện tái cơ cấu và sáp nhập, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Hải quân đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm cũng chia sẻ thêm: Năm 2018, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xác định: “Phát triển hài hòa, tăng trưởng bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, trở thành Tổng công ty kinh tế - quốc phòng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển gắn với phát triển khu kinh tế- quốc phòng Trường Sa. Phấn đấu duy trì mức tăng trưởng từ 7% trở lên”. Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm: Nghị quyết của Đảng ủy phải luôn là “nghị quyết hành động”, “nghị quyết xây dựng”, định hướng cho toàn Tổng công ty với 49 đầu mối tập trung triển khai nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức biên chế nhằm tăng cường thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, tiếp nhận 2 doanh nghiệp Hải quân chuyển về và duy trì 4 công ty 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Với ý chí vươn lên không ngừng, các doanh nghiệp trong Quân chủng Hải quân cùng với các doanh nghiệp trong toàn quân đang khẩn trương rà soát, đánh giá lại mình, làm rõ những khó khăn tồn tại yếu kém, cũng như những tiềm năng thế mạnh trong chặng đường đã qua, nhất là những bất cập bộc lộ vừa qua để hoạch định lại chiến lược, phương hướng sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại ngành nghề, nguồn vốn, công nghệ, lao động, tay nghề phù hợp và điều kiện mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tại thời điểm này, điều quan trọng hơn cả đối với các đơn vị doanh nghiệp trong Quân chủng chính là tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, phải làm cho cán bộ, chiến sỹ, QNCN, CNVQP và người lao động nhận rõ, hiểu sâu 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là chủ trương đúng đắn, là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị, trong đó có quân đội phải làm. Bởi vậy, tái cơ cấu, sáp nhập là để khẳng định chức năng quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng của Hải quân nhân dân Việt Nam, nâng cao vị thế của Quân chủng, tăng thêm thế mạnh kinh tế biển. Sáp nhập là để chúng ta đã mạnh lại mạnh hơn, đã quản lý chặt chẽ lại chặt chẽ hơn, đã hiệu quả lại hiệu quả hơn. Sau sắp xếp lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Quân chủng sẽ ổn định và phát triển, giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng; đáp ứng yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị quân sự, đảm bảo kỹ thuật trên các vùng biển, đảo cả ở cấp chiến lược và chiến dịch; tạo ra thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đồng thời có điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và đối ngoại quốc phòng.
Thanh Hằng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cần nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hàng hải miền Trung phát triển - ( 11-11-24 07:00 )
- Công ty CP ICD Tân cảng Sóng Thần được vinh danh Top 10 công ty đại chúng - ( 09-11-24 05:00 )
- Công ty cổ phần Tân cảng Tây Ninh-Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ký quy chế phối hợp hoạt động - ( 07-11-24 08:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần thứ 8 liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia - ( 05-11-24 08:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương tại Trung Quốc - ( 03-11-24 03:00 )