Xây dựng lòng tin chiến lược Hải quân ASEAN-Trung Quốc

HQVN -

Năm 2018 khép lại đánh dấu sự kiện ngoại giao quan trọng giữa Hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc khi tổ chức thành công Diễn tập hàng hải trong tháng 10 tại vùng biển Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc. Cuộc diễn tập nhằm thực hiện các sáng kiến đã được đồng thuận trong các cơ chế hợp tác khu vực giữa Hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc vì mục tiêu đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống và bảo đảm an ninh hàng hải trên biển.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân các nước ASEAN và Hải quân  Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức Diễn tập hàng hải (ACMEX 2018) với quy mô được các bên đánh giá khá lớn, cả về khoa mục, nội dung, thời gian, số lượng nhân sự và tàu tham gia. Với quy mô như vậy, nước chủ nhà Trung Quốc đã có sự chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt như: Chủ động trong công tác lễ tân, hậu cần; đề xuất nội dung diễn tập để các nước thảo luận và thống nhất… ACMEX 2018 không chỉ có sự tham dự của lãnh đạo Hải quân các nước ASEAN, giới chức địa phương mà còn thu hút số lượng lớn phóng viên báo chí quốc tế tới theo dõi, đưa tin về sự kiện này.

Sĩ quan Hải quân Singapore trình bày nội dung diễn tập trên hải đồ tại ACMEX-2018

Đồng chủ trì buổi lễ và phát biểu khai mạc ACMEX 2018, Trung tướng Viên Dự Bách, Tư lệnh Chiến khu Nam bộ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Chuẩn Đô đốc Lew Chuen Hong, Tư lệnh Hải quân Singapore (nước Chủ tịch ASEAN năm 2018) đã nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa của ACMEX 2018, trong đó hướng đến việc tăng cường trao đổi và hợp tác Hải quân giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm củng cố hợp tác thực chất trên biển. Thông qua ACMEX 2018, các bên sẽ tìm kiếm và khám phá cơ chế đối phó, biện pháp và phương pháp hoạt động trong tìm kiếm cứu nạn chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Không chỉ dừng lại ở cách thức triển khai thực hiện bộ quy tắc chung về ứng xử đối với các cuộc gặp bất ngờ trên biển, mục tiêu chung của cuộc diễn tập hàng hải lần này còn thể hiện năng lực, trách nhiệm, vai trò của Hải quân các nước ASEAN-Trung Quốc trong việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực… Do đó, các bên tham gia đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung, kế hoạch và nhân sự cho sự kiện lần này. Hải quân Việt Nam đã cử Tàu hộ vệ tên lửa 015-Trần Hưng Đạo và các sĩ quan tham mưu có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia các hoạt động quốc tế tới tham dự sự kiện lần này.

Ngay sau lễ khai mạc, các nhóm sĩ quan chỉ huy, thuyền trưởng tàu chiến đấu các nước đã tham gia hội nghị lập kế hoạch diễn tập, diễn tập trên sa hình, bản đồ, thống nhất phương án sử dụng thông tin liên lạc và thông qua kế hoạch đi biển. Tất cả các nội dung đều được các bên thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất cao các phương án, tình huống.

Đúng giờ G, ngày N theo quy định, tất cả các tàu rời bến, xuất phát đến khu vực diễn tập với tinh thần đoàn kết để cuộc diễn tập đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Tình huống giả định đầu tiên là trong thời gian hành quân, các tàu bị đe dọa từ nhiều hướng, trên không, trên mặt nước, dưới ngầm… Sở chỉ huy chung lập tức nghiên cứu tình hình, tổ chức thay đổi đội hình hành quân để thiết lập thế trận đối phó với các mối đe dọa khác nhau… Trực thăng và các loại vũ khí của tàu các nước được đặt trong trạng thái chiến đấu cao, bảo đảm tất cả các nguy cơ mất an toàn đều được kiểm soát. Cuộc luyện tập về mã hóa, giải mã bản điện theo thông tin liên lạc quốc tế đã được tổ chức thành một cuộc thi giữa các tàu vừa nhằm mục đích kiểm tra khả năng nắm bắt tình huống của tàu các nước vừa khiến khoa mục này trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Khoa học quân sự, Trưởng nhóm sĩ quan tham mưu Hải quân Việt Nam điều hành Tàu-015 tham gia diễn tập nhận xét: Sau cuộc diễn tập, hải quân các nước đều cảm thấy mình nắm vấn đề chắc hơn. Đây là cơ sở rất quan trọng để chúng tôi tiến hành khoa mục sau, là khoa mục vận động biên đội cũng như khoa mục tìm kiếm cứu nạn là khoa mục diễn tập cho mục tiêu chính của cuộc diễn tập lần này. Nhưng phần xương sống chính là việc sử dụng bộ quy tắc thông tin tín hiệu này để có thể phối hợp hoạt động được với nhau trên biển.

Trong quá trình nhóm chiến thuật hộ tống một tàu hậu cần chở vật liệu quan trọng theo đội hình vòng tròn bảo vệ, Sở chỉ huy chung nhận được tín hiệu báo tai nạn giả định: Một tàu bất ngờ bị cháy khoang máy, mất tốc độ, có người rơi xuống nước. Nhóm chiến thuật lập tức được chia thành 4 tốp chi viện, vận động theo đội hình tổ chức tìm kiếm, cứu nạn chung đồng thời tiến hành tiếp nhiên liệu và nước ngọt cho toàn bộ các tàu trong quá trình đang vận động để duy trì khả năng hoạt động liên tục…

Nhờ thực hiện đúng kế hoạch và hiệu lệnh từ Sở chỉ huy chung, khả năng liên kết duy trì đội hình, linh hoạt thay đổi cự ly chiến thuật theo từng tình huống tác chiến là những nội dung mà tàu chiến các nước đã phối hợp rất nhuần nhuyễn trong quá trình thực hiện khoa mục này. Các nội dung thực binh với mức độ khó ngày càng cao theo từng giai đoạn của cuộc diễn tập không chỉ đòi hỏi trình độ chỉ huy, điều khiển tàu mà còn đòi hỏi năng lực thực hiện công tác tham mưu diễn tập trong môi trường quốc tế…

Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam cho biết: Cuộc diễn tập này là do sáng kiến của các nước ASEAN. Việt Nam là một nước thành viên, do vậy chúng ta phải tích cực tham gia, cùng với bạn để giảm bớt căng thẳng trên biển cũng như thực hiện diễn tập trên bản đồ, diễn tập cứu hộ, cứu nạn và an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực. Mục tiêu lớn nhất của ASEAN và Trung Quốc là làm cho vùng biển hòa bình, ổn định, tránh xung đột bất ngờ, đặc biệt là thực hiện Bộ quy tắc ứng xử về tránh va chạm bất ngờ trên biển giữa tàu các nước. Qua đó, hải quân các nước có thể tìm được tiếng nói chung và xây dựng được lòng tin giữa các nước, đặc biệt là các nước ASEAN với Trung Quốc.

Sĩ quan Hải quân Việt Nam và Trung Quốc trao đôi thông tin trên Tàu 015-Trần Hưng Đạo 

Sự thành công ACMEX-2018 là kết quả của sự đồng thuận và chuỗi các hoạt động hội nghị lập kế hoạch nội dung giữa Hải quân ASEAN và Trung Quốc. Hội nghị lập kế hoạch ban đầu (được tổ chức tại Singapore vào tháng 5-2018); Hội nghị lập kế hoạch giữa kỳ (tổ chức tại thành phố Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc tháng 7-2018) và Hội nghị lập kế hoạch lần cuối (tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore ngày 1-8-2018).

Ngay từ hội nghị lập kế hoạch ban đầu, mục đích đã được các bên tham gia xác định là tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm củng cố hợp tác thực chất trên biển. Qua phối hợp hoạt động trong việc lập kế hoạch, trao đổi, thống nhất các tình huống giả định, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đưa ra các cơ chế đối phó, cũng như cách thức và phương pháp phối hợp hoạt động trong tìm kiếm cứu nạn chung. Cũng qua hoạt động này, các nước ASEAN và Trung Quốc có thêm cơ hội thực tiễn để làm quen với việc vận dụng Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển và qua đó, phát hiện vấn đề vướng mắc để tìm cách hoàn thiện hơn nữa CUES.

Khó khăn lớn nhất khi triển khai diễn tập là rào cản ngôn ngữ, song bằng sự nỗ lực của các nước thành viên, cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu các bên đã đề ra. Thành công của ACMEX-2018 là cơ hội tốt để Hải quân ASEAN và Trung Quốc tiếp tục tăng cường tình đoàn kết cũng như xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần duy trì vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Ngay trong lần đầu tiên tham dự một cuộc diễn tập có quy mô quốc tế, Tàu hộ vệ tên lửa 015 - Con tàu vinh dự được mang tên người đã đặt nền móng cho nghệ thuật sử dụng lực lượng Hải quân trong lịch sử Việt Nam, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với Hải quân các nước. Qua đó cũng khẳng định, cán bộ, thủy thủ Hải quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia các hoạt động quốc tế vì mục tiêu hòa bình, an toàn hàng hải; trình độ làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới và đi biển xa.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn