Vươn khơi an toàn trong dịch

HQVN -

Dịch bệnh kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn không chỉ các lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội, đời sống của nhân dân mà ngành sản xuất, kinh thủy sản của chúng ta cũng bị ảnh hưởng khá sâu rộng.

 Ảnh minh họa

Thời gian qua, ở lĩnh vực khai thác hải sản trên biển của ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề, sản lượng khai thác đạt thấp vì nhiều địa phương của các tỉnh ven biển có người mắc bệnh, phải cách ly, phong tỏa giá nhiên liệu tăng cao nên lợi nhuận sau mỗi chuyến đi biển giảm nhiều.

Người trực tiếp nuôi trồng thủy sản giảm thả nuôi con giống vì thiếu giống, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học, nhân lực lao động do dịch bệnh làm ngưng trệ sản xuất. Điều đó dẫn đến hệ quả việc thu mua trong nước bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu thủy sản nước ta sang các nước bị giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế…

Là những người sinh ra là để sống với biển, nghề biển được truyền lại từ đời cha ông, bà con ngư dân ta làm sao có thể ngồi yên nhìn biển trong cơn đại dịch. Biển là hơi thở, là cuộc sống, là chén cơm manh áo bao đời nay.

Càng khó khăn, bà con ta lại càng tìm cách khắc phục, vươn lên. Cơn bão Covid ập đến, có biết bao cảng cá ở các địa phương phải đóng cửa, tàu ghe phải gá bờ, ngư dân không được ra khơi. Nỗi buồn, sự rấm rứt, nhớ nghề là cảm xúc thường trực của những con người sống bằng nghề biển.

Bà con ta thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch và đợi chờ ngày để được ra khơi. Khi các địa phương có lệnh nới lỏng giãn cách để từng bước trở về trạng thái bình thường mới, ngư dân ở các xóm biển liền háo hức vươn khơi săn “lộc biển” sau những ngày dài neo bến.

Được vươn khơi, bám biển không chỉ là niềm vui, thoả nỗi nhớ nghề mà việc được sản xuất, khai thác hải sản đã giúp cho bà con có thêm thu nhập để trang trải, duy trì cuộc sống trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

Dù phải lênh đênh trên biển nhưng bà con ngư dân luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Thông qua hệ thống thông tin liên lạc, các tàu luôn trao đổi, nắm thông tin về diễn biến dịch bệnh để chủ động sản xuất, bán hải sản, mua nhiên liệu, các nhu yếu phẩm khác cho chuyến biển tiếp theo. Khi phát hiện các hiện tượng, tình huống khả nghi về dịch bệnh, bà con sẽ thông báo ngay cho lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để ứng phó nhanh.

Thông thường sau mỗi chuyến biển dài ngày, ngư dân sẽ lên bờ để trở về bên gia đình, người thân nhưng do thời điểm này dịch bệnh ở nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp trên đất liền nên các chủ ghe và lao động đã chọn cách ở lại để tiếp tục vươn khơi.

Dẫu khó khăn, bất tiện, thiếu thốn do dịch bệnh gây ra nhưng nhiều ngư dân ở các địa phương đã kịp thích nghi với điều kiện hiện tại để tiếp tục cố gắng vươn khơi bám biển giữa mùa dịch. Bà con coi đây như là một biện pháp cách ly xã hội an toàn, vừa phòng dịch vừa duy trì hoạt động đánh bắt của mình.

Mặc dù giá cả các mặt hàng hải sản bấp bênh nhưng họ vẫn cố gắng ra khơi. Điều đó thể hiện được ý thức trách nhiệm của bà con ngư dân ta luôn đồng lòng cùng các cấp chính quyền phòng, chống dịch bệnh.

Tình yêu biển cả đã ngấm vào máu của bà con ta. Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, của các biện pháp thực hiện nghiêm IUU nhưng các chủ tàu cá, ngư dân đã và đang tích cực vươn khơi bám biển, nỗ lực đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản hợp pháp, góp phần duy trì phát triển kinh tế và hướng đến bảo vệ ngư trường, khai thác hải sản bền vững.

Lam Giang

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn