Viết tiếp bản hùng ca Đông Hà-Cửa Việt

HQVN -

Đầu Xuân năm ấy, chúng tôi theo đoàn các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 thăm lại chiến trường Quảng Trị. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công huyền thoại. Hôm nay, chúng tôi lại được chứng kiến các “Yết Kiêu thời đại mới” vượt sóng dữ giành lại mạng sống của người dân khỏi tay tử thần.

Năm ấy, đúng 6 giờ 30 phút, đoàn xe lăn bánh từ nhà khách Hải Thành giữa thành phố Hoa phượng đỏ trong làn mưa Xuân lất phất, hướng về TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa.

Người lính già và câu chuyện đánh tàu địch năm xưa

Tôi may mắn được đi cùng xe với các Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Kim Nông, Lê Xuân Sênh. Tiếng nhạc trầm hùng của lời bài hát “Hành khúc đặc công” như thôi thúc lòng người hướng về miền đất thép. Anh hùng Lê Xuân Sênh cười vui: “Úi dào! Cậu Thi đêm qua gọi mình là máy nổ sặc xăng, rõ khổ!” Ông bạn già tủm tỉm cười chọc lại: “Còn ông thì thợ kéo gỗ”. Mọi người phá lên cười, không khí trên xe mỗi lúc một vui thêm…

Sau hành trình dài hơn 700km, chúng tôi đến Cửa Việt. Vừa xuống xe, Anh hùng Lê Xuân Sênh “tuýt còi” mời mọi người tập trung. Ông “liến thoắng” kể về trận đánh đầu tay của mình một cách rất hài hước: Các đồng chí biết không, lúc đó tôi là chiến sĩ thuộc Đội 2, nhận nhiệm vụ đánh tàu ở Xuân Khánh, anh Xuân-cán bộ Đội chỉ huy. Tôi và đồng chí Tập nhận nhiệm vụ đánh tàu địch có trọng tải 5 nghìn tấn. Chiếc tàu to lắm, khi chúng tôi bơi ra để tiếp cận thì nó lại trôi ra xa, chỉ huy Đội ngần ngại chưa cho đánh vì tiếp cận tàu rất khó khăn. Tôi xin anh Xuân cứ cho chúng tôi đánh, nếu đến giờ quy định của đơn vị chúng tôi chưa về thì các anh cứ về trước, chúng tôi sẽ chủ động.

Anh hùng Lê Xuân Sênh kể chuyện đánh tàu địch tại Cửa Việt. Ảnh: Đình Sáng

Vẫn chất giọng hào sảng, Anh hùng Lê Xuân Sênh kể tiếp: Chúng tôi liên kết bằng dây đội hình, bơi ngậm ống thở. Bơi được một lúc, thấy trời tối om, té ra là chúng tôi đang ở dưới đáy tàu. Tôi giật dây báo hiệu cho anh Tập đã đến mục tiêu, chúng tôi cạo hà thật cẩn thận, ốp mìn vào tàu, hẹn giờ nổ rồi bơi vào bờ.

Lúc này, nước chảy xiết, bơi rất khó khăn, chúng tôi phải bơi ngửa, tuy trời không lạnh nhưng dưới nước lâu cũng thấy rét. Anh Tập lúc đó đã khá mệt nên tôi phải kéo anh. Đi một đoạn, anh Tập ngoi lên mặt nước, bị địch phát hiện. Chúng bắn như đổ đạn về phía chúng tôi. Không thể bơi được nữa, chúng tôi phải ngậm ống thở đạp đất vào bờ. Lúc lên bờ đã hơn 1 giờ sáng.

Bất ngờ, một tiếng nổ dữ dội vang lên giữa màn đêm đen kịt. Chiếc tàu 5 nghìn tấn của địch bị tiêu diệt. Chúng tôi vỗ tay, hân hoan mừng chiến thắng. Cũng từ chiến công đầu tay này mà tôi đã được cấp trên điều động làm cán bộ…

Trời bắt đầu tối, đoàn tạm biệt Cửa Việt về nhà khách Quảng Trị chuẩn bị cho hành trình tiếp theo. Màn sương mờ càng tạo cho cảnh sắc Cửa Việt, lung linh huyền ảo hơn khi những ánh đèn bật sáng xuyên qua những hàng phi lao. Gió thổi, sóng vỗ, lòng người chộn rộn như khúc khải hoàn mừng ngày giải phóng.

Noi gương cha anh, quyết vượt sóng giữ cứu dân

Những ngày cuối năm 2020, chúng tôi đến thăm Đội 8, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đang trực tại TP.Đà Nẵng. Cán bộ, chiến sĩ Đội 8 vừa cùng các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu giúp thuyền viên Tàu Vietship 01 và ngư dân trong cơn bão số 6 trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.

Trong căn phòng của Trung úy Lê Duy Khánh hướng ra phía biển, những cơn gió Xuân se se khiến cho câu chuyện của tôi với những người lính Đặc công Hải quân thêm gần gũi. Tôi đem câu chuyện Anh hùng Lê Xuân Sênh kể cùng các anh. Chiến sĩ Đoàn Văn Đức xúc động nói: “Em được nghe câu chuyện này rồi. Bác Sênh đã kể cho chúng em nghe dưới chân Tượng đài đặc công ở Lữ đoàn 126. Vào trong này công tác, em luôn xác định sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như chiến công đánh tàu địch của bác Sênh năm nào”.

Đặc công Hải quân cứu thuyền viên Tàu Vietship 01 tại biển Cửa Việt. Ảnh: Vũ Hưởng

Biết tôi muốn tìm hiểu về chuyện vượt sóng dữ cứu ngư dân của tổ đặc công, Trung úy Lê Duy Khánh chậm rãi kể: 10 giờ đêm, chúng tôi nhận nhiệm vụ đi Quảng Trị cứu nạn. Một nhóm cán bộ, chiến sĩ Đội 8 do Trung tá Bàn Văn Thanh, Đại đội trưởng chỉ huy cấp tốc lên đường. Khi đến Quảng Trị thì đã gần 1 giờ sáng. Trên đường di chuyển ra hiện trường, chúng tôi vào thắp hương các anh hùng, liệt sĩ tại Tượng đài chiến thắng đặc công tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đứng trước Tượng đài chiến thắng đặc công kiêu hãnh giữa bầu trời Quảng Trị, không ai nói ra lời nhưng tôi hiểu trong mắt của mỗi người đều ánh lên niềm tin, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, đầu tháng 10-2020, Tàu Vietship 01 đang nạo vét tại luồng Cửa Việt thì bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn ở khu vực cách biển Triệu An (huyện Triệu Phong) khoảng 1km. Ban đầu, trên tàu có 12 thuyền viên, sau đó 4 thuyền viên bơi được vào bờ. Lực lượng cứu hộ của tỉnh Quảng Trị đã tìm mọi cách để cứu 8 thuyền viên còn lại nhưng bất lực, thậm chí 1 người trong đội cứu hộ đã mắc kẹt lại trên tàu. rung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải miền Trung sử dụng xuồng cao tốc ra tiếp cận cũng không được vì sóng to, gió lớn, đá ngầm nhiều. Đến đêm 10-10-2020, trên nóc tàu chỉ còn 7 thuyền viên và 1 người trong đội cứu hộ. Thời tiết ngày càng xấu đi, các phương tiện cứu nạn tìm cách tiếp cận tàu bị nạn nhưng đều vô vọng.

Tự hào những “Yết Kiêu thời đại mới”

Bộ Quốc phòng đã huy động các lực lượng tham gia cứu nạn. Đặc công Hải quân chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án tiếp cận Tàu Vietship 01 cứu người bị nạn. Sở chỉ huy cứu nạn phía trước quyết định sử dụng các tổ đặc công bơi tiếp cận. Lê Duy Khánh kể: Tổ tôi được lệnh xuất phát trước. Khi bơi được 50m, một đợt sóng dồn đánh vỡ đội hình, đứt dây liên kết. Cậu em út trong tổ-Đoàn Văn Đức động viên chúng tôi: Cố lên các anh, em không sao đâu... Anh Phan Cao Thắng sức khỏe “phi thường” đè sóng kéo chúng tôi ra hiệu buộc lại dây liên kết, tiếp tục bơi ngược sóng. Bơi đến gần tàu, tôi phát hiện một thuyền viên ôm phao bị sóng đánh gần chìm. Tổ đặc công nhanh chóng dời dây để cứu người bị nạn. Ngay sau đó, tổ bị rơi vào vòng xoáy quẩn nhưng chúng tôi đã áp dụng các kỹ thuật bơi và kinh nghiệm đi biển để nhanh chóng thoát ra vòng xoáy, bơi gối sóng theo đội hình chữ V đưa người bị nạn vào bờ.

Trung tá Bàn Văn Thanh, Đội trưởng Đội 8 cho biết thêm: Sóng gió dồn dập, nhìn từ trên bờ cát bằng mắt thường chỉ thấy cột nước trắng xóa. Đứng trên tàu Hải quân bằng phương tiện chuyên dụng người chỉ huy mới quan sát được hành động của tổ đặc công, giúp sở chỉ huy thông báo tình hình trong khu vực. Nghe tiếng loa trên tàu Hải quân thông báo “Tổ đặc công cùng người bị nạn cách bờ 1.000m, 750m, 500m…” lẫn trong tiếng hò reo của nhân dân địa phương mà lòng chúng tôi hồi hộp lo lắng, tim đập thình thịch. Chỉ khi anh em cùng người bị nạn được đưa vào bờ an toàn, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Khi Đặc công Hải quân đưa thuyền viên bị nạn vào bờ cũng là lúc lực lượng Không quân hoàn thành giải cứu các thuyền viên Tàu Vietship 01.

Noi gương cha anh những “Yết Kiêu thời đại mới” luôn tích cực rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Kao Dân

Có mặt tại hiện trường, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Tình hình mưa lũ diễn biến khó lường nên các cấp chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ người, phương tiện sẵn có để ứng cứu thuyền viên Tàu Vietship 01 nhưng không thực hiện được. Phải đến khi có trực thăng và lực lượng Đặc công Hải quân thì cuộc cứu nạn mới thành công…

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đội 8, chúng tôi ra về trong tiết trời Xuân ấm áp, lòng thấy vui vui và khẽ cất lên câu hát tự hào: “Muôn đời biển vẫn xanh, muôn đời ngời sáng tên anh, xứng danh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Đặc công Hải quân…” Và càng tự hào hơn khi được biết tháng 12-2020, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đã vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND lần thứ 3. Chứng kiến những thành tích đặc biệt xuất sắc, những hành động dũng cảm cứu dân của các anh hôm nay, chúng tôi hiểu rằng, những “Yết Kiêu thời đại mới” đã và đang kế tục xuất sắc truyền thống cha anh, viết tiếp bản anh hùng ca Cửa Việt-Đông Hà năm xưa.

Bài, ảnh: Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn