Viện Kỹ thuật Hải quân: “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, làm chủ khoa học kỹ thuật”

* Đại tá, TS NGUYỄN QUANG TRUNG, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hải quân

HQVN -

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu của Quân chủng, phải có cơ quan chuyên trách vừa nghiên cứu khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, cải tiến VKTBKT vừa tìm hiểu tính năng, tác dụng VKTBKT của địch để có biện pháp đối phó hiệu quả, ngày 29/12/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Cục Hậu cần (đơn vị tiền thân của Viện Kỹ thuật Hải quân ngày nay) và tháng 6/1967 phát triển thành Phòng Nghiên cứu kỹ thuật.

Trước yêu cầu xây dựng và phát triển của Quân chủng, ngày 8/5/1978 Phòng Nghiên cứu kỹ thuật phát triển thành Viện Kỹ thuật quân sự Hải quân trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân và đến năm 1995 đổi tên thành Viện Kỹ thuật Hải quân. Trải qua các thời kỳ với nhiều lần điều chỉnh tổ chức biên chế nhưng cán bộ, chiến sĩ Viện Kỹ thuật luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ngay trong những năm đầu mới thành lập, Ban, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật đã nghiên cứu chế tạo, cải tiến thủy lôi AMĐ-2 thành thủy lôi HAT-2, thủy lôi áp suất APS, cải tiến mìn áp mạn M1 để cho bộ đội đặc công nước đánh tàu địch rất hiệu quả.

Thủ trưởng Viện Kỹ thuật kiểm tra tiến độ thi công tại Xưởng sản xuất, chế thử. Ảnh: Mạnh Tưởng

Trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, cán bộ, nhân viên Ban, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, các nhà máy trong và ngoài Quân đội nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị rà phá thuỷ lôi, bom từ trường. Đó là ống phóng từ HT-5, HT-6, thiết bị phóng từ nổi HDL-9, thiết bị nổi PĐ-67, khung dây điện từ, tàu kéo khung dây điện từ T150, T152, T154, tàu phóng từ V412, V414, V416, thiết bị phóng từ 480… để rà phá thủy lôi địch, khai thông luồng lạch, bảo đảm giao thông đường thuỷ, góp phần phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Những năm tiếp theo, Viện Kỹ thuật Hải quân đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thiết kế cải tiến, lắp pháo-tên lửa lên tàu hải quân, lắp đặt súng 14,5mm và 12,7mm theo yêu cầu tác chiến. Viện đã chủ động đề xuất nghiên cứu, khai thác, khôi phục tổ hợp phao thủy âm; thiết kế, chế tạo bộ phận thiết bị kiểm tra tổng hợp và công nghệ phục hồi đồng bộ một số bộ phận của thủy lôi được cấp trên cho triển khai ứng dụng.

Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng về việc từng bước tự chủ sản xuất phương tiện trang bị kỹ thuật cho quân đội, năm 1978, Viện Kỹ thuật Hải quân đã tập trung lực lượng, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu thiết kế đóng mới 2 tàu pháo tuần tiễu. Đây là những con tàu chiến đấu đầu tiên được thiết kế đóng mới trong nước. Sau nhiều năm sử dụng 2 con tàu này vẫn hoạt động ổn định và hiện nay đang nằm trong biên chế của Bộ Tư lệnh Vùng 5. Trong những năm 80, 90, nhiều sản phẩm là kết quả lao động sáng tạo do đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Kỹ thuật đã được thi công đóng mới, đưa vào hoạt động như tàu vận tải 1.000 tấn, tàu chở dầu, tàu chở nước, tàu chở quân, tàu tuần tra cao tốc, tàu đặc chủng.

Viện Kỹ thuật Hải quân thực hiện nhiệm vụ sửa chữa đạn ngư lôi tại Lữ đoàn 954. Ảnh: Mạnh Tưởng

Trong những năm gần đây, với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị Viện Kỹ thuật đã triển khai nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ có hàm lượng khoa học cao, quy mô triển khai lớn, kể cả về lý thuyết tính toán, thiết kế, công nghệ chế tạo và phương án triển khai thử nghiệm. Cán bộ, nhân viên tập trung nghiên cứu, tích hợp, khai thác, làm chủ VKTBKT mới và nghiên cứu nâng cấp, hiện đại hóa VKTBKT cũ. Tiêu biểu như; Tích hợp hệ thống chiến đấu trên tàu hải quân, Trung tâm công nghệ thủy âm, Trung tâm đo, xử lý và tiêu từ tàu biển, nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tính toán để điều khiển pháo trên tàu hải quân và nhiều vũ khí đặc chủng khác…

 Gần 60 năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Viện Kỹ thuật Hải quân đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, làm chủ khoa học kỹ thuật”. Truyền thống đó là minh chứng sinh động khẳng định năng lực, bản lĩnh, trí tuệ của những người lính làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật hải quân.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, Viện Kỹ thuật Hải quân tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Quân chủng; quyết tâm xây dựng Viện Kỹ thuật VMTD mẫu mực, tiêu biểu. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, đam mê sáng tạo, tâm huyết xây dựng đơn vị.

Hai là, đổi mới, tạo bước đột phá trong công tác quản lý khoa học, công nghệ; nêu cao vai trò trách nhiệm của hội đồng khoa học quân sự và trách nhiệm của ban chủ nhiệm đề tài, cơ quan thường trực các dự án, tổ thực hiện nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành các sản phẩm nghiên cứu.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp “có trí tuệ, tầm nhìn, có khả năng bao quát, quán xuyến, có khát vọng và quyết tâm cao”; đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu KHCN có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ, có tư duy độc lập, sáng tạo và tác phong nghiên cứu chuyên nghiệp, hiệu quả gắn với xây dựng hình ảnh “người lính làm khoa học kỹ thuật”. Chủ động xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gắn với xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ, nhất là các lĩnh vực đặc thù hải quân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bốn là, tăng cường hơn nữa đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn; chủ động phối hợp với các học viện, nhà trường cử cán bộ tham gia giảng dạy một số chuyên đề về khoa học kỹ thuật chuyên ngành, chuyên sâu; phối hợp, liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Viện Kỹ thuật Hải quân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Nhì; nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ thi đua và Bằng khen, Giấy khen.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn