Về nơi cội nguồn của những người làm báo
HQVN -
Nằm trong kế hoạch Trại sáng tác tác phẩm báo chí “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 của Hội Nhà báo TP. Hải Phòng, đoàn công tác và các hội viên tham gia trại sáng tác đã có dịp thực tế tại tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn được tham quan, trải nghiệm ở nhiều điểm tại TP. Thái Nguyên, trong đó ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc nhất đó là Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ) và Khu di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam (xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa). Tại khu di tích lịch sử, đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam là những địa chỉ đỏ mà những người làm báo hôm nay không thể bỏ qua.
Đoàn tham quan nhà trưng bày báo chí Khu di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thi
Nhà báo Vũ Thị Hải Hậu, Ban Văn xã, Báo Hải Phòng bày tỏ cảm xúc: Làm báo nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham quan Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi được biết, cách đây 73 năm (4/4/1949), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, đồng chí Xuân Thủy làm Phó giám đốc.
Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức duy nhất được một khóa học ngắn hạn gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước; giảng viên của lớp đều là các lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, vốn sống phong phú và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Nam Cao, Thế Lữ... Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên là những hạt nhân của báo chí cách mạng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà.
Tại Khu di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với gian trưng bày lịch sử ra đời báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Tại đây, công trình nhà trưng bày di tích lịch sử được xây dựng khang trang, bề thế; là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà và những hình ảnh về hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những tài liệu, hiện vật này giúp những thế hệ người làm báo hôm nay thêm hiểu hơn về các bậc tiền bối, về điều kiện sống và làm việc của họ, để suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống của thế hệ cha anh.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại bia di tích nơi ra đời Trường dạy viết báo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thi
Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa). Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam đã được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh. Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ 300 hội viên khi mới thành lập, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với trên 23 nghìn hội viên nhà báo hoạt động tại hơn 800 cơ quan, báo chí khắp cả nước.
Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cho biết: Tổ chức Trại sáng tác tác phẩm báo chí “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm nay cùng với những hoạt động thực tế tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An là một sự cố gắng rất lớn của Hội Nhà báo Thành phố, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ các Liên chi hội, Chi hội và từ chính các hội viên. Chúng tôi mong rằng, sau khi các hội viên được tham quan thực tế tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam giúp cho các hội viên có thêm động lực, có nhiều tác phẩm báo chí hay, góp phần nâng cao chất lượng công tác báo chí của thành phố Cảng.
Thanh Hằng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 83 đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ - ( 28-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 126 thông tin về tình hình biển, đảo tại Bắc Giang - ( 28-11-24 02:00 )
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )
- Hội nghị phối hợp thực hiện chương trình “Xuân Trường Sa” năm 2025 - ( 27-11-24 06:00 )