Về làng gà Đông Tảo

Gà Đông Tảo thuộc xã Đông Tảo huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là đặc sản nổi tiếng có từ lâu đời. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có thời điểm tưởng như gà như đã tuyệt chủng, thế nhưng, nhờ sự tâm huyết, kiên trì, người dân nơi đây đã lưu giữ, bảo tồn giống gà quý giá này. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể “gà Đông Tảo”. Đến nay, gà Đông Tảo ngày càng lan tỏa, vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

Đặc sản “tiến vua”

Mấy năm trở lại đây, nhu cầu khách hàng mua gà Đông Tảo tăng đột biến, thậm chí có năm vào dịp tết Nguyên đán “cháy” hàng, khiến giống gà đặc sản này bị lên cơn “sốt”, giá gà thịt được đẩy lên cao ngất ngưởng. Để tìm hiểu thực, hư giống gà “tiến vua”, tôi tìm về tận nơi vùng đất nuôi, lưu giữ giống gà thuần chủng. Dọc con đường liên xã, tôi thấy rất nhiều biển, bảng quảng cáo của các chủ trang trại, hộ chăn nuôi với những dõng chữ ấn tượng: Giống gà Đông Tảo thuần chủng; Trại gà uy tín số 1; Gà Đông Tảo “độc nhất vô nhị”... đua nhau hiện lên.

Theo các cụ cao niên trong làng kể, gà Đông Tảo hay gọi là gà Đông Cảo có nguồn gốc vài trăm năm nay. Giống gà này có thân hình to lớn, có trọng lượng trung bình 4-5kg, thậm chí có những con nuôi 2-3 năm có thể lên tới 6-7kg. Gà trống thường có lông màu mận đỏ, đỏ sẫm; gà mái có màu lông vàng nhạt, vàng mỡ; đầu gộc tre, cánh úp vỏ trai;  đôi chân rất to, màu đỏ tía hoặc đỏ sẫm, vảy thịt (rồng)... Chân gà Đông Tảo trông kỳ dịu, nhưng lại làm nhiều người thích thú săn tìm để nuôi làm cảnh. Đồng thời, đôi chân là món ăn đặc sản nhất, có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như chân gà tần thuốc Bắc, hầm, luộc... Các món ăn đều rất thơm ngon, chân gà giòn sừn sựt mà không dai, không ngấy. Loại gà này, từ lâu đã nên thương hiệu “tiến vua” nổi tiếng trong nước và được liệt vào danh sách sản vật quý của Việt Nam.

Được biết, chuẩn bị cho thị trường Tết Đinh Dậu 2017, toàn xã Đông Tảo có gần 3.000 hộ nuôi gà, số lượng khoảng 45-50 nghìn con. Giá bán gà thương phẩm (gà thịt) dao động 300-400 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết: Thời gian tới, để thương hiệu ngày càng vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi đề nghị với UBND huyện Khoái Châu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng hoàn chỉnh xong Đề án “Bảo tồn, khai thác và phát triển gà Đông Tảo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”; thụ tinh nhân tạo để bảo tồn giống gà thuần chủng; xúc tiến chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, giết mổ và bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cặp gà giống Đông Tảo quý giá

Người lính biển với trang trại gà nổi tiếng

Đến xã Đông Tảo, nhiều người đều biết đến ông Đào Đức Thi, năm nay 84 tuổi, người có nhiều kinh nghiệm và là chủ trang trại gà. Trang trại của ông khoảng hơn 7 nghìn m2 được trồng bưởi Diễn và nuôi gà Đông Tảo. Thu nhập hàng năm đạt gần 1 tỷ đồng. Ông cũng được biết đến là một gương điển hình cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Đưa chúng tôi đi dạo quanh khu trang trại, ông vẫn giữ được tác phong của “nhà binh” miệng nói, tay chỉ rất nhịp nhàng giới thiệu ngọn ngành về quãng thời gian lập nghiệp cũng như sự kiên trì, dày công gây dựng cơ ngơi này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Xen dưới vườn bưởi sai trĩu quả, đang ngả màu vàng ánh là từng chuồng gà lớn nhỏ san sát nhau. Gà giống, gà con, gà chuẩn bị xuất đi cho  khách hàng trong dịp tết được phân theo từng khu, có chỉ dẫn. Ông còn được biết đến là một trong những người con của đất phố Hiến tham gia xây dựng Hải quân từ năm đầu mới thành lập.

Những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, Đại úy Đào Đức Thi là thuyền trưởng Tàu Hải Lâm. Con tàu du lịch do nước bạn tặng Bác Hồ và giao cho Hải quân quản lý. Và chính người thuyền trưởng này đã nhiều lần đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ đi thăm biển, đảo của Tổ quốc.  Ông đã từng tham gia nhận tàu phóng lôi, rồi đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và chiến đấu trong đội hình Đặc công Hải quân trên chiến trường sông, biển miền Bắc. Năm 1980 ông về hưu tại địa phương và bắt tay làm trang trại trồng cây, nuôi gà.

Chia sẻ về sự đam mê nuôi gà, ông Đào Đức Thi cho biết: “Ngay từ lúc 11 tuổi, tôi đã có một đam mê nuôi gà, cho đến lúc tham gia bộ đội, đơn vị đóng quân ở Đồ Sơn, Hải Phòng những cặp gà Đông Tảo cũng được ông kỳ công mang theo ra đơn vị để nuôi”. Theo năm tháng, kinh nghiệm được tích lũy dần đến nay ông đã nắm rất chắc về đặc điểm của giống gà, từ chọn giống, chăm sóc, đến kỹ thuật cho ăn, tìm đầu ra cho sản phẩm và cách chế biến món ăn ngon từ gà.
Năm 2012, Hoàng tử Nhật Bản Akishino trong chuyến công tác tới Việt Nam đã tìm đến chính trang trại gà của ông để thăm và chiêm ngưỡng những con gà “độc nhất vô nhị”.

Những biện pháp và cách làm của địa phương cùng sự nỗ lực của hộ gia đình, hợp tác xã nuôi gà sẽ thúc đẩy thương hiệu gà ngày càng trở lên thân quan với người tiêu dùng Việt. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu-năm “con ngà” theo phong tục tập quán của nhiều người gà Đông Tảo sẽ có trong mâm cỗ cúng tổ tiên dịp đầu xuân.

Bài, ảnh: Văn Vũ-Thái Kiên

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn