UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV

HQVN -

Kinh nghiệm trong các cuộc xung đột quân sự hiện nay cho thấy phòng vệ chống các loại tên lửa hoặc UAV bay thấp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kịp thời phát hiện ra chúng. Xuất phát từ kinh nghiệm trong chiến dich quân sự, người Nga đã có những giải pháp hữu hiệu để phát huy tính ưu việt của UAV trong phòng vệ tên lửa.

Tháng 12/2023, tàu đổ bộ Novochekarsk của Hải quân Nga đang đậu tại cảng Feodosia đã bị trúng tên lửa Storm Shadow và hư hại, phòng không trực chiến tại khu vực không đánh chặn thành công quả tên lửa này do không phát hiện ra nó kịp thời. Thực tế các loại tàu đổ bộ, vận tải, bổ trợ của Hải quân Nga ở Hạm đội Biển Đen vốn là các mục tiêu có khả năng phòng không hạn chế, thường bị UAV hoặc tên lửa hành trình bay thấp tiến công và chịu thiệt hại.

 

Maket UAV Helios-RLD

Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay thường sử dụng máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (máy bay tuần tra ra đa) dạng A50/A100 cho các lực lượng tham chiến. Tuy nhiên, các máy bay này thời gian bay trên không không dài đồng thời phải có bảo vệ trên không, nếu không muốn bị bắn hạ. Ngoài ra, để duy trì hoạt động những máy bay này chi phí cũng rất cao. Đây là lý do người Nga đã phát hiện ra và đề xuất ý tưởng sử dụng các UAV bay cao, bay lâu, được trang bị những thiết bị trinh sát chuyên dụng, phù hợp để phát hiện tên lửa hành trình, UAV và cảnh báo cho những khu vực, mục tiêu tầm chiến thuật như: Kho dầu, tàu biển, trạm điện...

UAV có tên Helios-RLD (RLD-tuần tra ra đa trong tiếng Nga). Loại này có hình dạng bên ngoài khá giống với loại Global Hawk của Mỹ. Helios-RLD có trần bay 11.000m, tốc độ cao nhất khoảng 450kh/h, thời gian bay liên tục lên tới 30 giờ. Nga sử dụng một vài chiếc Helios-RLD bay tuần tra trên không ở độ cao lớn, quan sát địa hình, địa vật và trên không để phát hiện những mục tiêu dạng tên lửa hành trình để kịp thời cảnh báo và chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị phòng không…

 

UAV JY-300 của Trung Quốc

Những trang bị được đề xuất cho nhiệm vụ trên của Helios-RLD gồm có ra đa quan sát, các loại camera quan sát khác nhau, trong đó quan trọng nhất là loại sử dụng tia cực tím. Do UAV kích thước nhỏ cùng một lúc không thể mang theo và sử dụng đầy đủ các loại thiết bị kể trên như máy bay A50 nên mới có đề xuất mỗi UAV chỉ mang 1 loại thiết bị quan sát.

Vì vậy, chúng nên được sử dụng theo nhóm tuần tra trên không với quỹ đạo thay đổi để làm giảm khả năng bị phòng không địch bắn hạ, mặc dù đây là việc cũng rất khó do UAV bay cao, kích thước lại nhỏ. Camera tia cực tím được đề xuất là do khi nhìn từ trên xuống nó dễ dàng phát hiện được luồng phụt của động cơ UAV, tên lửa địch mà không sợ bị lẫn vào phông nền môi trường (vốn hầu như chỉ bao gồm dải bức xạ hồng ngoại). Đồng thời, các loại UAV này cũng đủ lớn để có thể bố trí những ống phóng nhiễu để tự vệ trước tên lửa không đối không tầm nhiệt của máy bay địch.

Theo những thông tin nghiên cứu của Nga thì ngoài loại UAV Helios-RLD của Nga còn có thể mua, sử dụng một số loại UAV có tính năng tương đồng khác như Orion, Sirius của Nga hoặc JY-300 của Trung Quốc.

Minh Ngọc

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn