Tuyệt đối không để dịch Covid-19 lây lan trong khu vực cách ly và cộng đồng

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 7-12, tại Hà Nội. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Cần siết chặt các quy định phòng, chống dịch trên các chuyến bay

Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 7-12, Việt Nam 6 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh đã có kết quả âm tính với virus SAR-CoV-2. Tuy nhiên, trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng, chống Covid-19 theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực. Trong khi đó, thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng, chống Covid-19, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn khi nhập cảnh, cũng như việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, chúng ta cần quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép.

Tuyệt đối không để dịch Covid-19 lây lan trong khu vực cách ly và cộng đồng

Quang cảnh cuộc họp

Qua việc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân thời gian gần đây, nhiều tiếp viên hàng không mắc Covid-19; hoạt động của các cơ sở cách ly dân sự; trách nhiệm giám sát các khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, giám sát y tế người hết thời gian cách ly tập trung… Sau khi phân tích tình hình thực tế, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, có tình trạng hành khách trên một số chuyến bay giải cứu không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ở trên máy bay, vì vậy, đề nghị có giám sát bằng camera để xử lý nghiêm những người vi phạm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp; trong nước vẫn phát hiện các ca nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng liên quan, tăng cường biện pháp quản lý khu vực biên giới, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương, bộ ngành và toàn xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà, các cơ sở lưu trú, khách sạn…; xử lý nghiêm trường hợp phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương nỗ lực của TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh, sau 48 tiếng kể từ khi phát hiện ca nhiễm, đã xác định được toàn bộ các ca F1, F2, chủ động lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly. Đây là tiến bộ lớn về khả năng dập dịch của Việt Nam. “Tuy nhiên, từ vụ việc lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần xem xét, phân tích kỹ nguyên nhân do đâu để có giải pháp thật thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Qua vụ việc lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt các quy định phòng, chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước. “Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm Covid-19 hay không, nên các biện pháp phòng, chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nói.

Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19

Liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị nỗ lực đẩy mạnh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19. "Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nếu thuận lợi, đến quý 2-2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine Covid-19; do đó, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, gồm: Công ty TNHH một thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN) Trong đó, 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Công ty NANOGEN đã sản xuất 5.000 liều vaccine Covid-19 để thử nghiệm. Dự kiến, ngày 10-12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị các bộ ngành liên quan, ủng hộ, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn