Tuyên truyền biển, đảo phải đặt lợi ích Quốc gia lên trên hết

HQ Online -

Quán triệt sâu sắc các chủ trương của trên về chiến lược biển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thời gian qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân chủng Hải quân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền về biển, đảo (TTBĐ). 

Triển khai đồng bộ, hiệu quả

Từ năm 2006, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chủ động đề xuất với Tổng cục Chính trị và Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Quân chủng Hải quân với các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí và ra Chỉ thị số 7172/CT-ĐUQC cho các đơn vị trực thuộc; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, điều kiện cụ thể triển khai phối hợp hoạt động.

Giai đoạn 2011-2016, Quân chủng Hải quân và các địa phương, cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí đã cụ thể hóa những nội dung TTBĐ đã xác định theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức ban hành chỉ thị và chương trình triển khai công tác TTBĐ; thành lập ban chỉ đạo, ban vận động phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”. Cơ quan tuyên giáo các cấp phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, giúp cấp ủy Đảng xây dựng, triển khai kế hoạch hằng năm và trong từng hoạt động cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

 Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các địa biểu tham quan các ấn phẩm tuyên truyền biển, đảo. Ảnh: Thanh Thủy

Quân chủng Hải quân giữ vững mối quan hệ và tăng cường ký kết với 46 tỉnh, thành phố (trong đó có 28/28 tỉnh, thành ven biển) và 15 cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí phối hợp thực hiện trên 3 vấn đề lớn: Tuyên truyền biển, đảo; đấu tranh bảo vệ chủ quyền; phát huy vai trò xung kích và vận động tổ chức quần chúng cả nước tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cục Kỹ thuật Hải quân là một điển hình về phối hợp TTBĐ với các địa phương. Cục được giao phối hợp với 7 địa phương gồm: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên- Huế, Phú Yên, Trà Vinh, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuy gặp không ít khó khăn do phạm vi rộng, lực lượng phân tán, đối tượng đa dạng song với phương châm “đa dạng, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tăng cường lực lượng, mở rộng đối tượng tuyên truyền”, các đơn vị của Cục Kỹ thuật cùng với các tỉnh, thành đã bám sát nhiệm vụ chính trị, phong trào ở địa phương, đổi mới các hình thức tuyên truyền.

Đại tá Phạm Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân cho biết: Rút kinh nghiệm giai đoạn 2006-2011, bên cạnh việc tuyên truyền miệng và tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi chú trọng tăng cường hình thức tuyên truyền trực quan bằng các cuộc triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật; kết hợp tuyên truyền với các hoạt động giao lưu, dân vận để tạo hiệu quả cao hơn. Theo tôi, điều quan trọng là giữa các đơn vị ký kết chương trình phối hợp phải gắn bó, đoàn kết thực sự trong mọi hoạt động của cả hai bên.

Hiệu ứng lan tỏa rộng rãi

Trong 5 năm qua, gần 6.000 lượt phóng viên, các văn nghệ sĩ được Quân chủng tạo điều kiện đến các cơ quan, đơn vị Hải quân và các vùng biển, đảo để tác nghiệp. Hàng nghìn chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tác phẩm thực sự hấp dẫn như: “Biển, đảo Việt Nam”, “Đây biển Việt Nam”, “Tâm tình nơi biên giới và hải đảo”, “Giao lưu hướng về biển, đảo quê hương”... đã phản ánh sinh động thực tế hoạt động của bộ đội Hải quân và cuộc sống trên các vùng biển, đảo tới khán, thính giả nghe đài, đọc báo, xem truyền hình. Báo Hải quân Việt Nam mở rộng phạm vi phát hành báo in, chuyên mục truyền hình “Tổ quốc và người chiến sĩ Hải quân” tới 48 tỉnh, thành; đưa báo điện tử vào hoạt động tạo kênh thông tin quan trọng về biển, đảo. Đặc biệt, trong các tình huống chủ quyền biển, đảo của nước ta bị xâm phạm công tác TTBĐ (nhất là báo chí) đã thực sự trở thành một phương thức, một lực lượng quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức và hành động hướng ra biển của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước; trở thành sức mạnh to lớn trong xây dựng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các đại biểu Trung ương Đoàn viếng bia di tích Đoàn tàu Không số tại bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Thanh Thủy

Ngoài tuyên truyền, Quân chủng còn tổ chức thành công 157 đoàn công tác với tổng số gần 17 nghìn đại biểu trong nước và kiều bào đi thăm quân, dân Trường Sa, DK1. Các chuyến đi đều đạt được 3 mục đích lớn là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo; khẳng định chủ quyền; thu hút nguồn lực. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” của Trung ương Đoàn chia sẻ: Tôi vinh dự được nhiều lần ra thăm, nắm bắt thực tiễn ở Trường Sa. Mỗi lần đi tôi lại thấy thêm yêu, thêm tự hào về đất nước mình và ngày càng vững tin vào khả năng bảo vệ chủ quyền của quân và dân nơi đây. Tôi thấy mình cần trách nhiệm và có nhiều hoạt động thiết thực hơn để chung tay với quân và dân nơi đây xây dựng biển, đảo ngày càng giàu, đẹp và vững chắc hơn.

Quân chủng Hải quân cũng rất coi trọng công tác dân vận và tìm kiếm cứu nạn. Đã có 865 người, trên 100 tàu bị nạn trên các vùng biển đã được bộ đội Hải quân cấp cứu, cứu kéo an toàn. Mỗi khi có thiên tai, bão, lũ, bộ đội Hải quân luôn tiên phong giúp nhân dân trên các địa bàn đóng quân. Trên các vùng biển, lực lượng Hải quân thường xuyên đồng hành, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền.

Đồng thời, thông qua hoạt động đối ngoại như: trao đổi đoàn, tàu hải quân thăm các nước, phối hợp tuần tra chung, hợp tác với hải quân trong khu vực và trên thế giới, Quân chủng đã lồng ghép công tác TTBĐ để góp phần duy trì trật tự và môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Cần đa dạng hóa hình thức và nội dung hơn

Công tác TTBĐ vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, lâu dài. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chỉ đạo: Quân chủng Hải quân và các cơ quan, đơn vị cần bám sát diễn biến của tình hình Biển Đông và có những dự báo chính xác để xác định nội dung, hình thức và tần suất tuyên truyền phù hợp. Trong tuyên truyền phải nắm vững phương châm kiên trì, kiên quyết và nhất quán đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, chú trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đồng thời xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết với các quốc gia, dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn Đảng ủy Ngoài nước thăm Hải đội 4, Vùng 1 Hải quân. Ảnh: Duy Khánh

Thực tiễn cho thấy, công tác TTBĐ chỉ đạt được hiệu quả khi được tổ chức phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch khoa học, triển khai đồng bộ các giải pháp. Vì thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, làm cho đông đảo quần chúng và các tầng lớp nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về chủ quyền biển, đảo. Từ đó, phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng và bảo vệ biển, đảo, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương cũng cần nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển biển, đảo cả trước mắt và lâu dài, nhất là các dự án phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, các đặc khu kinh tế, hình thành các khu kinh tế liên hợp biển-đảo-đất liền, góp phần củng cố thế trận quốc phòng-an ninh trên từng hướng và cả nước.

Công tác TTBĐ là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của Quân chủng Hải quân là nòng cốt cần được phát huy hơn nữa. Chúng ta có thể tin tưởng rằng bằng sức mạnh tình cảm, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội thì chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng-an ninh của Đảng, Nhà nước ta sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa.

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn