Tướng lĩnh Pháp cay đắng thừa nhận thất bại sau hai đợt tiến công của quân ta ở Điện Biên Phủ

Hai đợt tiến công của quân ta ở Điện Biên Phủ (đợt 1 từ ngày 13 đến 17/3/1954, đợt 2 từ ngày 30/3 đến 30/4/1954) đã giáng cho địch những tổn thất nặng nề. Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương, ở Bắc Bộ và ở Điện Biên Phủ đổ lỗi cho nhau. Ngay sau thất bại ở những ngày đầu, Tổng chỉ huy Navarre cay đắng nói: “…Nếu cho rằng ta có thể thắng trận Điện Biên Phủ, thì qua những ngày đầy tai họa (14 và 15/3), mọi cơ may để thành công không còn nữa”.

De Castries đã dao động và mắc mưu Việt Minh

17h5, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công và nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Trận Him Lam thắng lợi cho thấy sự tiến bộ trong cách đánh công kiên của bộ đội ta. Một nguyên nhân bộ đội Việt Nam giành thắng lợi trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và là điểm mới trong tác chiến chiến dịch là vai trò của pháo binh. Uy lực và hiệu quả của các trận pháo kích khiến các khẩu pháo của Pháp bị phá hủy và bị khống chế. Tướng Yves Gra viết: “Trận đánh bắt đầu bằng sự xuất hiện của pháo binh Việt Minh và điều này đã gây nên một sự bất ngờ chiến thuật thực sự… Pháo binh Việt Minh được bố trí thành từng khẩu riêng biệt suốt dọc sườn núi phía Đông của lòng chảo… Sự phân tán đó tránh được các cuộc phản pháo và công kích của không quân Pháp. Pháo binh Việt Minh bắn bằng cách bắn trực tiếp và có thể bắn dồn dập với một mật độ nhất định… Pháo binh Pháp rất dễ bị phá hủy bằng những phát đạn bắn thẳng từ trên núi”[1].

Tướng lĩnh Pháp cay đắng thừa nhận thất bại sau hai đợt tiến công của quân ta ở Điện Biên Phủ

Bộ đội ta chia thành nhiều mũi, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau khi kết thúc cuộc tấn công Him Lam, sáng ngày 14/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thông báo cho phía Pháp được đến trận địa cứu giúp thương binh và thu gom những lính Pháp chết trận, tỏ rõ thiện chí và chính sách nhân đạo trong chiến tranh. Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm sau khi xin ý kiến của tướng Cogny đã tổ chức đến lấy thương binh, tử sĩ. Tổng chỉ huy Navarre tỏ ra bất bình về việc này khi ông cho rằng De Castries đã dao động và mắc mưu Việt Minh: “Tình hình trên là rất nghiêm trọng. Việc không tập hợp được các tiểu đoàn phản kích (nhằm chiếm lại Him Lam) chứng tỏ không những ta thiếu chuẩn bị sẵn sàng - điều tôi không thể ngờ tới - mà còn thiếu sự phản ứng nhạy bén một cách đáng lo ngại. Việc nhận tạm ngừng bắn (để lấy thương binh) lại càng nghiêm trọng hơn nữa… Nếu tướng Giáp đề nghị như thế, hẳn phải có lý do mà điều cốt yếu là để ngăn cản chúng ta phản kích ra Beatrice (Him Lam), điều mà ông lo ngại. Không nghi ngờ gì, chẳng riêng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm mà cả Bộ chỉ huy ở Hà Nội (do Cogny đứng đầu) cũng có sự dao động”[2].

“Mọi cơ may để thành công không còn nữa”

Tiếp theo cụm cứ điểm Him Lam, đêm 15/3/1954, quân ta tổ chức tiến công cụm cứ điểm đồi Độc Lập (Gabrien) sau khi Bộ đội Pháo binh đã bắn cấp tập vào các đơn vị trong cụm cứ điểm. Đây là cứ điểm do Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Bộ binh Angeri số 7 (5e/7 RTA) gồm 4 đại đội đóng giữ, có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh, có công sự vững chắc, cách trung tâm Mường Thanh 4km về phía Bắc. Pháo từ trung tâm Mường Thanh bắn ra nhằm chia cắt đội hình tiến công của bộ đội Việt Nam, đồng thời De Castries điều động Tiểu đoàn dù số 5 vừa đặt chân xuống Điện Biên Phủ chưa đầy một ngày, cùng 6 xe tăng ra cứu viện cho Gabrien. Tuy nhiên, với lực lượng áp đảo, có cách đánh phù hợp và quyết tâm cao, sau hơn 3 giờ tiến công, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Đồi Độc Lập, bắt sống nhiều tù binh.

Tổng chỉ huy Navarrethừa nhận: “Việc thất thủ hai cụm cứ điểm vòng ngoài có hậu quả rất nghiêm trọng. Phía Bắc và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm bị hở và đối phương có thể đưa một bộ phận pháo binh vào gần hơn. Chúng ta bị tổn thất nặng và tiêu hao một lượng rất lớn đạn dược. Lượng dự trữ giảm nhiều và cần có một khoảng thời gian để bổ sung. Nếu cho rằng ta có thể thắng trận Điện Biên Phủ, thì qua những ngày đầy tai họa (14 và 15/3), mọi cơ may để thành công không còn nữa”[3].

Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương, ở Bắc Bộ và ở Điện Biên Phủ đổ lỗi cho nhau. Tướng Cogny đề xuất với Navarre cần thay thế Đại tá De Castries. Tổng chỉ huy Navarre thì cho rằng cả Cogny, De Castries, Trung tá Langlais, cấp phó của De Castries, người được giao chỉ huy các đơn vị dự bị và tổ chức phản kích, nắm quyền chỉ huy phân khu trung tâm thay cho Đại tá Gaucher vừa bị chết hôm trước, đều phải chịu trách nhiệm về hai thất bại nặng nề vừa qua. Tuy vậy, Navarre quyết định không thay thế các sĩ quan khác vào vị trí của ba người nêu trên mà chỉ yêu cầu cấp phó của Nava là tướng Bodet và tướng Dechaux, chỉ huy không quân Pháp ở Bắc Bộ, tăng cường theo dõi, kiểm tra các hoạt động của tướng Cogny khi Navarre vắng mặt tại Hà Nội.

Một trong những sự kiện gây bất ngờ và hoang mang trong hàng ngũ sĩ quan, binh lính đang phòng thủ tại tập đoàn cứ điểm, đó là việc tự sát của Đại tá Pirothc Chỉ huy pháo binh Tập đoàn cứ điểm, tại hầm chỉ huy bằng lựu đạn vào ngày 16/3/1954. Trước khi diễn ra trận đánh vào Him Lam, Piroth đã mạnh miệng tuyên bố sẽ làm “câm họng pháo binh của Việt Minh chỉ sau vài phút khai lửa”. Tuy nhiên, tổn thất của Pháp, đặc biệt là pháo binh sau hai trận Him Lam và Độc Lập đã làm Piroth hoàn toàn tuyệt vọng và dẫn đến kết cục trên. Tình trạng đào ngũ diễn ra cả ở trong các đơn vị lính Bắc Phi, quân của Bảo Đại và lính người Thái, gây nên sự hoang mang cho các đơn vị đồn trú.   

Bị bóp nghẹt như con côn trùng trong mạng nhện

Thất bại của địch ngay trong đợt đầu chiến dịch là rất nặng nề. Nó không chỉ thể hiện ở số lượng địch bị tiêu diệt, số trận địa địch bị ta phá hủy, đánh chiếm, số vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch tổn thất, tinh thần của sĩ quan, binh lính địch bị tác động mạnh mẽ, mà còn chứng tỏ rằng chiến thuật phòng ngự trận địa kiểu tập đoàn cứ điểm - một giải pháp chiến lược của địch để đối phó với cuộc tiến công lớn của chủ lực ta tỏ ra không hiệu quả. Những trung tâm đề kháng mạnh nhất không thể đứng vững trước các cuộc tiến công. Lực lượng phản kích không thể giành lại những vị trí đã mất. Pháo binh địch tỏ ra bất lực trước pháo binh ta. Đặc biệt, chỗ dựa của tập đoàn cứ điểm là sân bay bị uy hiếp nghiêm trọng. Sau này, qua những tập hồi ký của một số tướng lĩnh Pháp, họ tỏ ra ngỡ ngàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm mạnh nhất tập đoàn cứ điểm.

Tướng lĩnh Pháp cay đắng thừa nhận thất bại sau hai đợt tiến công của quân ta ở Điện Biên Phủ

Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Langlais viết: “Không hiểu vì lý do gì mà các cứ điểm ngoại vi Beatrice và Gabrien bị tiêu diệt trong vòng 6 - 12 giờ. Các cứ điểm này được bảo vệ bằng một dải phòng ngự phụ rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo”. Từ Thủ tướng Pháp Lanien đến các tướng Navarre, Cogny đều chuyển sang “thái độ bi quan sâu sắc”. Navarre than phiền rằng: “Tổn thất của chúng ta là nặng nề và chúng ta đã tiêu phí một số rất lớn vũ khí; dự trữ của chúng ta đã bị xuống rất thấp, cần phải nhiều thời gian mới bổ sung được”. Tướng Cogny thú nhận với một số nhà báo: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta”[4].

Về phía ta, với quyết tâm cao vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bộ đội đã đào được hàng trăm kilômét giao thông hào cùng hàng nghìn công sự và hàng vạn ụ súng các loại, hình thành một hệ thống trận địa tiến công, bao vây hoàn chỉnh từ đại đoàn đến phân đội, vây kín trận địa khu trung tâm của đối phương. Tướng Navarre thừa nhận: “Cuộc tấn công vào hệ thống giao thông, từ đầu đến cuối trận đánh mang lại kết quả vô cùng thất vọng vì Việt Minh tổ chức tốt việc phục hồi đường sá bị cắt đứt và sửa chữa nhanh chóng những đoạn đường vừa bị tấn công. Chúng ta đã không thể ngăn được binh đoàn tác chiến của Việt Minh triển khai xung quanh Điện Biên Phủ. Tất cả những gì ta có thể làm được là làm chậm đi mà thôi. Chúng ta cũng không ngăn chặn được sự gia tăng một cách đều đặn khả năng chi viện của họ”[5].

Chiều ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm bắt đầu. Đề cập đến chiến thuật của Bộ đội Việt Nam sử dụng trong đợt hai, tướng Yves Gra viết: “Trong thời kỳ này ông Giáp không chủ trương mở những trận công kích quy mô lớn, tiêu hao nhiều về người và đạn dược. Ông thực hiện việc tiêu hao kẻ thù bằng cách quấy rối và đánh chiếm lần lượt từng cứ điểm ngoại vi, nhằm siết chặt vòng vây khu trung tâm. Ông dùng phương pháp “vây lấn” thay cho phương pháp xung kích ồ ạt từ cự ly ngắn. Phương pháp đó là vây hãm điểm tựa bị công kích bằng một hệ thống chiến hào, cuối cùng hoàn toàn cuốn chặt lấy điểm tựa, giống như con nhện bắt côn trùng trong mạng nhện. Như vậy, vị trí trở nên bị cô lập, bị phong tỏa và nhanh chóng bị bóp nghẹt vì thiếu đạn dược, thực phẩm và nhất là thiếu nước”[6].

Theo QĐND điện tử


[1] Yvơ Gra, Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương 1945-1954, Nxb Plon, Pari, 1979, tr.969-970.

[2] Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr.205

[3] Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr.208.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (hồi ức), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.240.

[5] Henri Navarre, Đông Dương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.319.

[6] Yvơ Gra, Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Sđd, tr.984.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn