Ảnh minh họa
Mưa lộp độp trên mái nhà, nhảy nhót trên những tàu lá chuối, gió rì rào, đẩy những cành lá rung rinh ngoài cửa sổ làm nước mưa tung tóe, hắt qua cửa sổ bắn vào mặt tôi mát lạnh. Tôi nhớ đến mùa nước lũ năm xưa, những năm 70-80 của thế kỷ trước. Quê tôi nổi tiếng là vùng quê cách mạng và cũng được mệnh danh là vùng đất của xứ “khỉ ho, cò gáy”, xứ “lội bộ, quần đùi”. Ấy vậy mà trong tôi, đó là vùng quê đẹp nhất, êm đềm và nhiều kỷ niệm tuyệt vời không thể nào quên.
Mỗi năm, vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, sấm bắt đầu đùng đùng, chớp lóe lên những tia lửa điện ngoằn ngoèo phía trời xa, mây vần vũ trên bầu trời. Khi đó, người lớn lo chuẩn bị lương thực, thực phẩm để dự trữ, còn lũ trẻ chúng tôi biết ngay là mùa mưa lũ đã về. Trâu, bò được đưa lên núi cao tận hóc Đùng Đùng. Hàng xóm xúm lại, giúp đỡ nhau di chuyển gà vịt, đồ đạc lên những khu gò cao tránh lũ lụt.
Mưa nặng hạt dần, đến cao điểm thì như ai nghiêng vò nước trên trời dội xuống, nước nhanh chóng dâng lên. Đám con nít chúng tôi phấn khởi ra mặt. Mùa nước nổi, con nít quê tôi có rất nhiều thú chơi: té nước, thi bơi, bắt cá, nhặt trứng chim, bắt chuột... Nước dâng lên, cá từ bàu sâu, sông cái, khe suối chui ra hàng đàn; chúng bơi, nhảy, lách lên những bãi cạn, có đàn đến cả trăm con không chừng. Chúng nhảy nhót, phóng nhanh, bơi chậm tìm chỗ đẻ trứng, tìm mồi. Có đủ loại cá: chép, rô, chuối, chình... nhưng nhiều nhất vẫn là cá đá. Cá đá mùa mưa bụng trứng căng lên, dùng rổ tre, vợt, nơm đều có thể bắt được cá; đem về nấu mẳn với lá gừng, kho keo hay nướng lên ăn ngọt lịm, trứng cá đá thành từng thỏi ăn bùi bùi, ngon tuyệt vời. Chim cũng muôn loài: bìm bịp, vạc, cò, vịt trời... bay lượn, lội bơi khắp cánh đồng.
Tuổi thơ tôi lớn lên nhẹ nhàng, trong sự bình yên của quê nghèo, không biết đến mùi vị của sữa, đường, thi thoảng mẹ đi chợ về cho đứa cái bánh cam, miếng bánh đa vừng, vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Giờ đây, nông thôn quê tôi đã đổi mới nhiều rồi, tất cả đã khang trang, bề thế hơn. Lũ bây giờ nước dâng nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đàn cá, đàn chim cũng không về như xưa nữa. Tất cả chỉ còn lại những kỷ niệm của thế hệ chúng tôi hơn 40 năm về trước...
Nguyễn Bá Thuyết