Từ sĩ quan Hải quân đến thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
HQVN -
Không giống như hình dung của tôi, ngay từ lần đầu trò chuyện qua điện thoại (video call), anh gần gũi, thân thiện và nói chuyện rất duyên. “12 năm ấy biết bao nhiêu tình”-Trung tá Lương Trường Vinh mở đầu câu chuyện nói về quá trình công tác, học tập ở Quân chủng Hải quân, nhất là thời gian làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Những ngày cuối tháng 12 âm lịch, nhiệt độ tại thành phố New York, Hoa Kỳ xuống đến -120C. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; nội chiến, xung đột sắc tộc ở châu Phi; tình hình căng thẳng tại Trung Đông… khiến các sĩ quan kế hoạch Văn phòng các vấn đề quân sự, Lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) phải căng mình làm việc không kể ngày đêm. Sau nhiều lần từ chối vì bận, Trung tá Lương Trường Vinh dành cho tôi 1 giờ trò chuyện.
Trường Sa-nơi thử thách ý chí
Trung tá Lương Trường Vinh, Sĩ quan kế hoạch, Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Văn phòng các vấn đề quân sự, Lực lượng GGHB LHQ là quân nhân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam làm việc tại trụ sở tổ chức này.
Năm 2003, Lương Trường Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, được điều về công tác tại Quân chủng Hải quân. Sau 2 năm làm Trung đội trưởng, anh nhận nhiệm vụ công tác ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Lương Trường Vinh (bên phải) trao đổi với Giám đốc Trung tâm Quân dân sự Australia trong thời gian làm sĩ quan biệt phái tại nước bạn
Anh kể: “Đã gần 15 năm rời xa “quần đảo bão tố” nhưng ký ức về Trường Sa trong tôi vẫn vẹn nguyên. Xúc động và tự hào nhất với tôi là mỗi lần được chào cờ và đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Cũng lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, cũng bài Quốc ca đã “nằm lòng” từ thuở học trò nhưng mỗi lần chào cờ ở Trường Sa, trong tim tôi lại dâng trào cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Tôi và đồng đội muốn hát vang mãi bài Quốc ca giữa biển, đảo quê hương như để khẳng định chủ quyền từ bao đời của dân tộc. Khi Quốc ca vừa dứt, tôi dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự. Kết thúc mỗi lời thề là lời đáp “xin thề” đanh thép, đầy quyết tâm của tôi và đồng đội. Đó là lời hứa của những người lính Trường Sa với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân mà đến nay mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy đầy nhiệt huyết”.
Tết năm 2005, cái Tết đầu tiên ở Trường Sa, Lương Trường Vinh được giao quản lý chiến sĩ mới. Anh đã tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán địa phương, tâm tư nguyện vọng và khéo léo động viên các chiến sĩ vượt qua nỗi nhớ nhà để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Những buổi liên hoan văn nghệ, những lần toàn đảo mổ lợn hay gói bánh chưng bằng lá bàng vuông… đã gắn kết tình cảm cán binh và trở thành kỷ niệm đẹp trong hành trang của Trung tá Lương Trường Vinh. Anh chia sẻ: “Những năm tháng học tập, rèn luyện ở Trường Sa đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện tại cũng như sau này”.
Sĩ quan đầu tiên công tác tại trụ sở Liên hợp quốc
Cơ duyên thực hiện nhiệm vụ trong Lực lượng GGHB LHQ của Vinh xuất phát từ yêu cầu học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sĩ quan của Quân chủng Hải quân năm 2013. Với nỗ lực vượt bậc, Vinh đã hoàn thành xuất sắc khóa học tiếng Anh và nhận được học bổng theo học Trường Chỉ huy Tham mưu Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ trong 1 năm. Đây là điều kiện để anh tiếp tục trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng xử trí các vấn đề quốc tế… để khi Trung tâm GGHB Việt Nam (tiền thân của Cục GGHB Việt Nam hiện nay) ra đời năm 2015, Vinh là một trong những thành viên đầu tiên. Quá trình làm việc tại Trung tâm GGHB Việt Nam, anh được cử đi phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi từ năm 2016 đến năm 2017 và Nam Xu-đăng từ năm 2019 đến đầu năm 2020. Hai lần tham gia phái bộ này giúp anh tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau này ứng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ.
Trung tá Lương Trường Vinh tham gia giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Tiểu bang Yei, Nam Xu-đăng năm 2019
Lương Trường Vinh tâm sự: “Việc tuyển chọn nhân viên vào làm việc tại trụ sở LHQ là quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Đầu tiên, LHQ gửi thư mời các quốc gia cử quân nhân tham gia Lực lượng GGHB LHQ. Sau đó, các quốc gia lựa chọn những sĩ quan có đủ tiêu chí ứng cử. Bước tiếp theo, LHQ xét duyệt hồ sơ. Các ứng viên được xét duyệt sẽ bước vào vòng thi viết để đánh giá trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, nghiệp vụ GGHB. Họ gửi đường link kèm theo mật khẩu và câu hỏi với thời gian làm bài từ 60-90 phút tùy theo vị trí. Sau khi vượt qua vòng thi viết, LHQ sẽ chọn một số ứng viên tiềm năng nhất vào vòng phỏng vấn. Những ai vượt qua vòng phỏng vấn thì LHQ đưa vào danh sách chờ (roster list), khi nào có vị trí trống của nhân sự hết nhiệm kỳ họ sẽ cân nhắc mời thi vòng cuối cùng là “roster selection”. Cơ quan tuyển chọn của LHQ sẽ tiếp tục lựa chọn ứng viên trên cơ sở kết quả điểm thi các vòng và đặc biệt là kinh nghiệm công tác, đáp ứng các yêu cầu công việc để bố trí vào từng vị trí thích hợp.”
Hiện nay, nhiệm vụ của Lương Trường Vinh là xây dựng kế hoạch cho việc chuẩn bị và triển khai lực lượng GGHB LHQ đến các phái bộ; đưa ra những nội dung tham mưu về chuyên môn quân sự. Cùng với đó, anh còn làm nhiệm vụ điều phối, tham gia đàm phán bản ghi nhớ và cam kết triển khai lực lượng; chuẩn bị nội dung, báo cáo, cố vấn quân sự về các phái bộ. Anh cho biết thêm: “Ngay từ đầu, khi chuẩn bị hồ sơ và tham gia ứng tuyển tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung công việc cũng như các tiêu chí. May mắn là quá trình học tập, công tác ở Quân chủng Hải quân và ở Cục GGHB Việt Nam, tôi thường xuyên được giao nhiệm vụ chuẩn bị triển khai lực lượng đơn vị và cá nhân nên không bị bỡ ngỡ và luôn thực hiện tốt những yêu cầu này”.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam đánh giá: Trung tá Lương Trường Vinh là người có năng lực công tác tốt, kỹ năng mềm giải quyết các vấn đề đụng độ, xung đột ở địa bàn được LHQ đánh giá cao. Việc Vinh trúng tuyển vào vị trí nhân viên tại trụ sở Lực lượng GGHB LHQ khẳng định sĩ quan GGHB Việt Nam có đủ năng lực tham gia các hoạt động của LHQ đồng thời cũng thể hiện tâm thế của chúng ta là sẵn sàng tham gia vào các vị trí đòi hỏi cao hơn ở tổ chức này.
Sáng đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Việc Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB của LHQ (cử sĩ quan, thành lập bệnh viện dã chiến…) là hoạt động đối ngoại quan trọng, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với một lĩnh vực trọng yếu của cộng đồng quốc tế. Hoạt động này đã góp phần khẳng định vị thế đất nước, con người Việt Nam và hiện thực hóa chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trung tá Lương Trường Vinh chia sẻ: “Cùng với thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn theo nhiệm vụ, chúng tôi còn tích cực làm công tác dân vận như tham gia dạy học, hướng dẫn người dân bản xứ trồng rau xanh, hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách; may khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tặng đồng đội và người dân địa phương... Những việc làm nhỏ nhưng thiết thực đó góp phần giúp đỡ nhân dân nước sở tại vượt qua khó khăn và làm sáng đẹp thêm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế”.
Thảo luận nhóm tại Hội nghị East Asia Summit về tìm kiếm và cứu nạn trong các thảm họa thiên tai, nhân tai tại Sydney, Australia năm 2015 (Lương Trường Vinh ngồi giữa)
Là người con của đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Vinh và đồng đội thấu hiểu được sự mất mát, đau thương của chiến tranh và giá trị to lớn của hòa bình. Anh luôn tự nhắc mình và đồng đội phải nỗ lực nhiều hơn để góp phần giúp nhân dân các nước đang còn nội chiến, xung đột sắc tộc vượt qua khó khăn. “Nhiều khi thấy người dân của các nước chưa hài lòng và đặt kỳ vọng nhiều hơn vào Lực lượng GGHB của LHQ, tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng và các phái bộ của LHQ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để thực hiện sứ mệnh mang lại hòa bình cho nhân dân các nước đang chìm đắm trong chiến tranh”-Lương Trường Vinh bộc bạch thêm.
Ở Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Nam Xu-đăng, nơi anh Vinh từng làm việc, nhiều người vẫn chưa biết về đất nước và con người Việt Nam, thậm chí có người vẫn nghĩ rằng Việt Nam đang còn chiến tranh. Trước thực tế đó, anh chia sẻ cho họ những thông tin, tư liệu, hình ảnh để họ thấy một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, đang đổi mới và phát triển từng ngày. Qua đó, nhiều người đã hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam và mong muốn đất nước họ, dân tộc họ cũng sớm được hòa bình, phát triển thịnh vượng trong tương lai…
Những câu chuyện của Trung tá Lương Trường Vinh có sức lôi cuốn lạ kỳ, khiến cho 1 giờ đồng hồ anh dành cho tôi thật ngắn ngủi. Là người bận rộn, luôn làm việc có nguyên tắc, anh nhìn đồng hồ rồi kết thúc buổi trò chuyện và không quên hẹn tôi một dịp khác, khi anh về nước, gặp gỡ trực tiếp sẽ trao đổi nhiều hơn. Từ quê hương Việt Nam, cách nơi anh đang công tác nửa vòng trái đất, tôi cũng chỉ kịp chúc anh và những người lính mũ nồi xanh LHQ một năm mới thêm mạnh khỏe, tiếp tục phấn đấu góp phần giữ gìn hòa bình cho các dân tộc và toàn thể nhân loại.
Đặng Tùng
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nhân viên giặt là trả lại tiền bỏ quên cho khách - ( 01-12-24 09:00 )
- Hải quân Việt Nam – Campuchia rút kinh nghiệm tuần tra chung - ( 06-12-24 08:00 )
- Hải quân Việt Nam - Hải quân Trung Quốc tuần tra liên hợp lần thứ 37 - ( 05-12-24 03:00 )
- Thuyền trưởng tàu chiến đấu đạt giải Nhất hội thi - ( 05-12-24 09:00 )
- Phiên họp Nhóm công tác chung Hải quân Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 9 - ( 27-11-24 08:00 )