Trang bị UAV tự sát cho tàu hải quân
HQVN -
UAV tự sát như thể hiện trong tên gọi đã thể hiện là một loại vũ khí đáng gờm trong thực chiến. Kinh nghiệm của các bên sử dụng loại vũ khí này trong các cuộc xung đột, chiến dịch quân sự từ chiến trường ở Syria, Iraq cho đến Ucraina gần đây đã cho thấy ưu thế của loại vũ khí này so với vũ khí khác như tên lửa, máy bay… bí mật, rẻ tiền, đánh rất đúng mục tiêu nhưng ít gây ra tổn thất cho xung quanh, rất khó phát hiện và đánh chặn và đặc biệt là tính bất ngờ về nơi xuất phát.
Nhiều trường hợp chúng còn có thể sử dụng trong những tình huống nằm ở ranh giới của hoà bình và chiến tranh.
Thử nghiệm phóng UAV từ giá phóng trên tàu cao tốc
Vì những lý do như trên, việc đưa UAV tự sát vào trang bị như là một loại vũ khí tiêu chuẩn cho tàu hải quân chỉ còn là vấn đề thời gian. Những nước tự chủ được công nghệ chế tạo UAV dù chưa công khai nhưng trên thực tế đang tiến hành nghiên cứu và đã có những thử nghiệm theo hướng này. Hải quân Nga, theo nhiều thông tin cả chính thức và không chính thức đã tiến hành thử nghiệm triển khai UAV tự sát từ tàu hải quân trong điều kiện thực chiến ngay từ năm 2021 ở chiến trường Syria. Việc trang bị UAV tự sát cho tàu hải quân gần đây đã giành được nhiều sự quan tâm đang được thảo luận khá nghiêm túc.
UAV tự sát (kamikaze drone) còn có một số tên gọi khác như: Đạn lảng vảng (loitering munition) và đạn bắn chặn/yểm hộ (barraging munition) do có đặc điểm hoạt động là khi được phóng đi chúng sẽ lảng vảng trên không gần mục tiêu, sau đó, khi đã xác định đúng mục tiêu cần tiêu diệt (tự động hoặc được chỉ thị) sẽ lao vào mục tiêu đồng thời tự huỷ mình. Loại đạn này ở Nga do Công ty Zala, một công ty con của Tập đoàn vũ khí Kalashinikov sản xuất với tên gọi Lancet, hiện đã có phiên bản Lancet-3.
Để trang bị UAV tự sát cho tàu hải quân phải giải quyết 2 bài toán cơ bản về kỹ thuật-công nghệ và phương pháp tác chiến. Trong đó, về kỹ thuật công nghệ bao gồm việc phóng UAV trên tàu, người Nga đã thử nghiệm giá phóng trên tàu ngay từ tháng 4/2021.
Về tác chiến, mục tiêu đánh của UAV tự sát trên tàu hải quân sẽ là các mục tiêu điểm trên bờ (trạm ra đa, trận địa phòng không, trận địa hoả lực bờ, sân bay, mục tiêu khác); mục tiêu mặt nước như tàu, xuồng cao tốc chở đặc nhiệm… Để sử dụng thì tàu mang UAV sẽ lại gần bờ đối phương, nhận chỉ thị mục tiêu hoặc tự quan sát xác định mục tiêu và truyền lên UAV tự sát. Phương pháp sử dụng chiến đấu sẽ theo 3 giai đoạn như sau:
(1) Tàu mang phóng hàng loạt UAV tự sát.
(2) Các UAV tự sát bay đến khu vực tác chiến, bay lượn lảng vảng tại đó chờ chỉ thị hoặc tự xác định lại chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.
(3) Các UAV lao vào tiêu diệt các loại mục tiêu trên bờ và trên mặt nước theo phân công từ trước.
Tác chiến theo phương pháp này yêu cầu các UAV tự sát ở một mức độ nào đó phải được cài đặt trí tuệ nhân tạo (AI) và điều này thì UAV Lancet của Nga đã có sẵn.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Shadow Seal-Tàu ngầm siêu nhỏ - ( 17-09-24 04:00 )
- Khai mạc Diễn tập Kakadu năm 2024 - ( 10-09-24 07:00 )
- Dòng tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản - ( 29-07-24 08:00 )
- Đoàn công tác Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chào xã giao chính quyền TP.Surabaya và một số đơn vị Hải quân Indonesia - ( 18-07-24 07:00 )
- UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV - ( 14-07-24 08:00 )