Top 5 tàu ngầm tấn công hàng đầu của Nga

 Với chiến lược phát triển bất đối xứng để đối kháng lại Hải quân Mỹ, Hải quân Xô Viết trong quá khứ và Hải quân Nga hiện nay rất chú trọng phát triển tàu ngầm quân sự. Và thực tế, tới tận thời điểm hiện tại, dù không còn duy trì được hạm đội tàu ngầm lớn mạnh như dưới thời Liên Xô, Hải quân Nga vẫn sở hữu những dòng tàu ngầm nguyên tử, chạy diesel-điện hàng đầu thế giới. Liên quan tới vấn đề này, mới đây, kênh truyền hình Nga Zvezda đã xếp hạng 5 lớp tàu ngầm uy lực hàng đầu của Hải quân Nga hiện nay. Báo QĐND Điện tử xin gửi tới bạn đọc bảng xếp hạng trên:

Tàu ngầm tấn công lớp Shchuka-B

Đứng đầu danh sách xếp hạng của Zvezda TV là tàu ngầm nguyên tử tấn công thuộc Đồ án 971 Shchuka-B (tên mã NATO: Akula). Dòng tàu ngầm tấn công này của Hải quân Liên Xô và Nga chính thức hoạt động từ năm 1984 và được phân loại thuộc dòng tàu ngầm tấn công thế hệ thứ 3. Shchuka-B  được thiết kế với mục tiêu chính là bảo vệ, hộ tống các đơn vị tàu mặt nước và săn tìm tàu ngầm của đối phương.

Tàu ngầm tấn công lớp Shchuka-B.

Tàu ngầm Shchuka-B được trang bị 8 ống phóng ngư lôi lắp các dòng ngư lôi thông thường, ngư lôi siêu bọt và các dòng tên lửa hành trình phóng qua ống ngư lôi. Tàu ngầm thuộc Đồ án 971 của Nga nổi tiếng ở khả năng hoạt động im lặng và ẩn nấp dưới lòng biển sâu.

Tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Paltus và Varshavyanka

Các dòng tàu ngầm thông thường chạy diesel-điện thuộc Đồ án 877 Paltus (Halibut) và Project 636 Varshavyanka (lớp Kilo) rất nổi tiếng ở khả năng hoạt động ở vùng biển nông và đặc tính “im lặng” của chúng.

Tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Kilo.

Tàu ngầm Varshavyanka được các chuyên gia NATO đặt biệt danh là “hố đen giữa lòng biển sâu” vì khả năng ẩn mình dưới nước của nó. Tàu ngầm lớp này được thiết kế để chủ động tấn công tiêu diệt đối phương trước khi chúng kịp phát hiện ra việc mình đang trong tầm ngắm.

Cả tàu ngầm lớp Paltus và Varshavyanka được trang bị ngư lôi cỡ 533mm. Cùng với đó, để tấn công các mục tiêu trên mặt nước và trên bộ, các tàu ngầm này còn có thể bắn tên lửa hành trình Kalibr qua ống ngư lôi.

Ngoài Hải quân Nga, tàu ngầm lớp Paltus và Varshavyanka còn đang phục vụ trong biên chế hải quân nhiều quốc gia trên thế giới.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey

Được thiết kế là dòng tàu ngầm chuyên chở tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm chiến lược, tàu ngầm thuộc Đồ án 995/995A Borey có khả năng hoạt động không giới hạn nhờ động cơ hạt nhân. Ngoài các loại tên lửa chiến lược mang theo, tàu ngầm Borey cũng được trang bị các loại ngư lôi dẫn hướng bằng dây dẫn để tiêu diệt tàu nổi, tàu ngầm của đối phương.

Tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Borey.

Khi chiến đấu, tàu ngầm lớp Borey có thể cơ động với vận tốc tới 30 hải lý/ giờ; lặn sâu xuống 450m và dự trữ hải trình liên tục trong 90 ngày.

Hiện tại, Hải quân Nga đã trang bị 3 tàu ngầm lớp Borey và con số này tới năm 2020 sẽ được tăng lên 8 tàu.

Tàu ngầm tấn công lớp Yasen

Đây là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến và đắt giá nhất trong biên chế Hải quân Nga và được xếp loại là tàu ngầm tấn công thế hệ thứ 4. Chiếc tàu ngầm lớp Yasen đầu tiên đã được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc năm 2014.

Tàu ngầm tấn công lớp Yasen.

Với ngư lôi tự dẫn và tên lửa hành trình, tàu ngầm lớp Yasen có thể thực hiện các vụ tấn công trong tầm 600km. Tàu ngầm lớp Yasen thực sự là mối nguy hiểm chết người đối với chiến hạm, tàu ngầm đối phương. Một điểm đặc biệt của tàu ngầm lớp Yasen là được trang bị hệ thống ngói cao su giảm ồn và khung thép từ tính thấp giúp nó dường như vô hình trong lòng đại dương.

Tàu ngầm lớp Yasen thực sự là “kho vũ khí” dưới lòng biển với 32 tên lửa Kalibr hay 24 tên lửa Onyx. Ngoài ra, 8 ống phóng ngư lôi 650mm và 2 ống phóng cỡ 533mm cho phép tàu ngầm này có thể thực hiện các đợt tấn công bằng ngư lôi hoặc rải thủy lôi ngăn chặn tàu đối phương.

Với hệ thống thủy âm cơ lớn và hiện đại; ẩn nấp dưới đại dương, tàu ngầm lớp Yasen là đối thủ xứng tầm với tàu ngầm tấn công lớp Seawolf của Mỹ.

Tại sao Liên Xô và Nga lại sỡ hữu hạm đội tàu ngầm hùng hậu bậc nhất thế giới?

Sau thế chiến thứ 2 và trong chiến tranh lạnh, do đã có kinh nghiệm chế tạo và kinh nghiệm sử dụng từ cuộc chiến trên Thái Bình Dương, nên Mỹ sở hữu một số lượng đáng kể các hạm đội tàu sân bay tấn công mạnh mẽ. Trong khi đó, Liên bang Xô Viết do không đủ tiềm lực, kinh nghiệm sử dụng dòng vũ khí hải quân hiện đại này so với Mỹ, đã phải tìm cho mình chiến lược hải quân riêng để làm đối trọng. Các dòng tên lửa hành trình diệt hạm có cánh tự dẫn chính là câu trả lời cho vấn đề này. Việc tập trung phát triển tên lửa diệt hạm đã cung cấp cho Hải quân Liên Xô hàng loạt dòng tên lửa siêu âm mạnh mẽ, có uy lực lớn.

Tàu ngầm tấn công mang tên lửa có cánh vẫn là "sát thần" đối với các chiến hạm nổi kể cả ở thời điểm hiện tại

Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra là làm sao đưa những bệ phóng tên lửa diệt hạm tiếp cận hạm đội của đối phương ở khoảng cách cần thiết, bí mật và khi cần tung ra đòn tấn công quyết định. Tàu ngầm hạt nhân tấn công chính là một trong những phương án giải quyết vấn đề này. Kết quả của quá trình này là sự xuất hiện của các đơn vị tàu ngầm nguyên tử tấn công mang tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa như: Tàu ngầm thuộc Đồ án 971 Shchuka-B, 945 Bаrrаcudа, 671RTM Shuka… Ở thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh, Hải quân Xô Viết có thể triển khai hàng trăm tàu ngầm tấn công theo dõi và săn tìm các hạm tàu sân bay của Mỹ và NATO. Lực lượng tàu ngầm của Nga hiện nay dù không có quy mô như dưới thời Liên Xô, nhưng vẫn có đủ sức răn đe ở cấp độ toàn cầu đối với các đối thủ tiềm năng.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn