“Tôi là thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”

HQVN -

Vịnh Cam Ranh không chỉ tuyệt đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Ai đã từng đến thăm mảnh đất này, chắc hẳn không quên một địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử cách đây 74 năm: Công viên 18-10.

Sự kiện lịch sử và cuộc đấu trí ngoại giao khôn khéo

Công viên 18-10-nơi có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ung dung trên bục mang hình dáng cách điệu một con tàu gợi nhớ về sự kiện lịch sử ngày 18-10-1946. Ngày ấy, trên đường về nước sau chuyến thăm Pháp và ký Tạm ước 14-9, Bác Hồ đã gặp Đô đốc D’argenlieu trên Chiến hạm Suffer đậu ngoài khơi vịnh Cam Ranh để bàn về việc thi hành Tạm ước.

Bác Hồ và anh hùng vũ trụ Ti Tốp trong chuyến tham quan Vịnh Hạ Long năm 1962. Ảnh: TL

Trước đó, ngày 31-5-1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Bác lên đường thăm nước Pháp. Cùng thời điểm, phái đoàn Chính phủ Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng sang đàm phán với Chính phủ Pháp tại Fontainebleau về các vấn đề hòa bình, độc lập, thống nhất ở Việt Nam và Đông Dương nhưng không đạt được kết quả.

Tuy nhiên, với thiện chí hòa bình và nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn, chuẩn bị lực lượng cho toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Sau đó, Người về nước bằng đường biển, trên tàu Dumont d’ariville với chủ ý kéo dài thời gian hòa hoãn ngày nào tốt ngày ấy.

Cao ủy Pháp ở Việt Nam D’argenlieu nhận thông báo về bản Tạm ước trong đó Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ và chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào 30-10. Cho rằng Tạm ước là một “thảm họa” cho Pháp, D’argenlieu mời gặp Bác tại vịnh Cam Ranh để tiếp tục mưu toan của mình ở Đông Dương.

Ngày 18-10-1946, D’argenlieu và Tổng chỉ huy quân Pháp ở Việt Nam-Tướng lục quân Molière đón Bác Hồ tại vịnh Cam Ranh. Cuộc hội kiến bàn luận cách thức thực hiện Tạm ước 14-9 và đã thỏa thuận được một số điểm. Bác kiên quyết phản đối yêu cầu của D’argenlieu đòi Quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút quân về miền Bắc.

Bữa tiệc sau đó trên chiến hạm Suffer trở thành một cuộc đấu trí tài tình của Bác với viên Cao ủy Pháp. Bác ngồi giữa D’argenlieu và Molière. D’argenlieu cười, giễu cợt: “Thưa Ngài Chủ tịch, Ngài đang bị đóng khung giữa hải quân và lục quân đó”. Y cố tình nói chậm, nhát gừng, nhấn mạnh vào các từ “đang bị đóng khung”, có ý đe dọa. Bác mỉm cười ứng đáp ngay: “Nhưng mà Ngài Đô đốc biết đấy, chính bức họa mới làm nên giá trị cho cái khung”. D’argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Ngài danh hiệu Người thủy thủ nhỏ”. Bác đáp lại: “Phải, tôi là thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Những câu nói mỉa mai của D’argenlieu được Bác đáp trả đầy khôn khéo, cương quyết, thể hiện tài ngoại giao của Người.

Dự báo thiên tài và tư tưởng lớn về xây dựng Hải quân

Theo Bác, biển nước ta ví như mặt tiền, như cửa ngõ quốc gia. Lịch sử dân tộc ghi nhận có tới 2/3 các cuộc chiến tranh kẻ thù sử dụng đường biển để xâm lược nước ta, vì vậy muốn giữ nước thì trước hết phải giữ biển. Vì thế mà Bác luôn dành tình cảm đặc biệt và sự quan tâm to lớn đối với Hải quân.

Hai tháng sau khi Cục Phòng thủ bờ bể chuyển thành Cục Hải quân, bộ đội Hải quân vinh dự đón Bác lần đầu về thăm. Người kiểm tra Trường Huấn luyện Hải quân và Xưởng 46, hai “viên gạch” đầu tiên của Hải quân ta. Người căn dặn, nhà trường phải thi đua dạy tốt, học tốt, tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền, thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Tàu 524 của trường đưa Bác đi thăm vịnh Hạ Long. Người ân cần dạy cán bộ, thủy thủ từ cách xếp cuộn dây, đo sâu bằng dây dọi, giữ gìn bảo quản tàu cho đến động tác chèo xuồng khi gặp dòng nước xoáy, lái tàu cập rời bến, thả nhổ neo…

Ngày 15-3-1961, bộ đội Hải quân được đón Bác về thăm lần thứ hai. Bác quan tâm hỏi han tình hình và khen cán bộ, chiến sĩ về những thành tích bước đầu rồi căn dặn: “Hải quân phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên; phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải Hải quân của thế giới”; “biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình vùng biển nước ta và vũ khí trang bị mình có”. Khi đi kiểm tra vùng biển Đông Bắc, đến cửa hang Đầu Gỗ, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Câu nói ấy đã trở thành phương châm hành động, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Bộ đội Hải quân.

Ngày 13-11-1962, khi về thăm Hải quân lần thứ ba, Bác mừng vì Hải quân đã có sự phát triển nhanh chóng. Bác đến thăm căn cứ Vạn Hoa. Trên tàu Hải Lâm, Người đội chiếc mũ Hải quân, đưa anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Titov đi thăm vịnh Hạ Long. Hình ảnh đó mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Những lời dạy của Người như mệnh lệnh thiêng liêng. Ngày nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã trở thành một quân chủng hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

Hương Trần

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn