Tinh gọn bộ máy: Những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2025
Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Giữa tháng Tư vừa qua, kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chỉ đạo Trung ương), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã và đang diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, thống nhất cao trong toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy những chủ trương, quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất đúng, rất trúng, hợp ý Đảng, lòng dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18, sáng 14/4. Ảnh: TTXVN
* Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 tới. Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Theo Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, sau khi Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp và Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo dự thảo Hiến pháp sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Như vậy, ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thực hiện công tác này.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 được tổ chức ngày 16/4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Một là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9,10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình.
Hai là các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo quy định, khi nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được xem xét, biểu quyết thông qua, ngay sau đó cơ quan chức năng sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
Cũng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11, về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan hữu quan tiến hành công việc này một cách khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch…
*Những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5-2025
Kế hoạch số 47-KH/BCĐ thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp (ban hành ngày 14/4/2025) của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Kế hoạch số 47) đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm dự kiến hoàn thành trong từng thời điểm cụ thể trong năm 2025 và 2026.
Riêng trong tháng 5-2025, theo Kế hoạch số 47, ở Trung ương và địa phương trên cả nước tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính của cấp huyện lên cấp tỉnh và xuống cấp xã và giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau sắp xếp bảo đảm cân đối, phù hợp với chủ trương tiết kiệm, giảm chi ngân sách cho bộ máy; hướng dẫn về sắp xếp, bố trí, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; về áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính sau sắp xếp (vùng cao, biên giới, hải đảo...). Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Cùng với đó, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật, nghị quyết quy định về thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức lại hệ thống thanh tra…; quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, quản lý xã hội, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cấp Trung ương (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương), chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong từng ngành, lĩnh vực, như tư pháp, tài chính, ngân sách, thuế, đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch, xây dựng, giao thông, vận tải, thủy lợi, đất đai, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, bảo hiểm, lao động, việc làm…, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; báo cáo Bộ Chính trị những nội dung theo thẩm quyền.
Kế hoạch số 147 nêu rõ quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cấp Trung ương là xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giữ vai trò kiến tạo, quản lý vĩ mô và kiểm tra, giám sát. Cấp tỉnh hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp tỉnh theo hướng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cấp xã chuyển từ mô hình “chính quyền quản lý” sang mô hình “chính quyền phục vụ”, lấy người dân là trung tâm, chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và liên quan đến cá nhân, tổ chức ngay từ cơ sở.
Trước ngày 31/5, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xác định lộ trình, hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính tự quản, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở.
Cũng trong tháng 5/2025, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tham mưu hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng (thay thế Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư).
Liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, theo Kế hoạch số 47, đầu tháng 5/2025, Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.
Đảng ủy Công an lãnh đạo, chỉ đạo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về tổ chức đảng trong Công an nhân dân (bổ sung, sửa đổi Quy định số 192-QĐ/TW, ngày 18/5/2019).
Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và một số luật, pháp lệnh, nghị quyết khác có liên quan; cơ chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra trong hoạt động tố tụng.
*Cơ bản các địa phương đã hoàn thành xây dựng đề án sắp xếp cấp xã, sáp nhập tỉnh
Theo Kế hoạch số 47, trước 1/5/2025 là thời điểm các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương hoàn thành xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện; lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện đề án (theo các quy định, hướng dẫn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương), báo cáo Chính phủ (theo hướng dẫn của Chính phủ).
Đối với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo (trước khi sắp xếp): Trước 1/5/2025, các tỉnh ủy, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập) xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện đề án, trình Chính phủ (theo hướng dẫn của Chính phủ).
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành các nội dung của Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025; Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh đã trình hồ sơ 2 Đề án về Trung ương vào ngày 24/4/2025 - là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành và trình về Trung ương.
Về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính, ngày 28/4 vừa qua, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố phải sắp xếp). Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành. Theo số liệu tổng hợp ban đầu đến ngày 28/4, Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ Đề án sắp xếp cấp xã, sáp nhập tỉnh của 20 địa phương.
Bộ Nội vụ đang khẩn trương, làm xuyên dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đảm bảo tiến độ đề ra. Dự kiến trước ngày 10/5, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của cả nước và trước ngày 15/5, Bộ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định...
Vừa qua, kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, phạm vi công việc rất rộng, các nhóm công việc liên quan chặt chẽ với nhau, cả hệ thống chính trị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp thực hiện đồng bộ. Nhất là nhóm công việc về hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện, về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, về hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định, phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện thông suốt và hiệu quả.
TTXVN
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tinh gọn bộ máy: Những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2025 - ( 01-05-25 08:00 )
- Công nhân Việt Nam và sứ mệnh ở kỷ nguyên phát triển mới - ( 01-05-25 03:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tăng cường phối hợp liên ngành bảo đảm an ninh, an toàn dịp lễ - ( 01-05-25 07:00 )
- Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - ( 01-05-25 07:00 )
- “Lời thề giữ biển” - Chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam - ( 30-04-25 03:00 )