Tinh gọn bộ máy - động lực mới để phát triển kinh tế
Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ, công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng, là then chốt của then chốt, quyết định to lớn tới sự phát triển của đất nước.
Vấn đề tinh gọn bộ máy được nhắc tới trong các nghị quyết đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ gần đây và Ban Chấp hành Trung ương từ khóa VII đến nay đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về đổi mới, kiện toàn bộ máy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục. Cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, chưa hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng...
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh minh họa: TTXVN
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương được triển khai mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Trong Phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Không tinh gọn bộ máy, không phát triển được”.
Do đó, việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đang được kỳ vọng là động lực mới cho phát triển kinh tế thời gian tới. Động lực mới ấy được cộng hưởng từ nhiều nguồn gắn với kết quả trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài của quá trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Động lực ấy đến từ việc tiết kiệm nguồn lực chi thường xuyên ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy chuyển sang tăng chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Động lực ấy đến từ việc tiết kiệm được các nguồn lực về thời gian, công sức và tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; từ nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ quản lý, tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường gắn với bối cảnh mới. Ngoài ra, động lực mới còn đến từ củng cố lòng tin, cải thiện vị thế và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn lực tiềm năng.
Động lực phát triển từ tinh gọn bộ máy sẽ lan tỏa và thấm sâu tới mọi đối tượng khi đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Từng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, hệ thống hành chính đều chắt lọc, được xác định chính xác tính cần thiết. Việc tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người. Với yêu cầu tinh gọn bộ máy, với yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí việc làm ngày càng cao thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ buộc phải coi trọng sử dụng người có năng lực nổi trội, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm công vụ cao. Cùng với đó là thanh lọc kịp thời những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Cơ chế, chính sách là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, do đó cần thay đổi tư duy làm luật và nâng cao chất lượng các văn bản luật. Trong khi đó, cơ chế, chính sách là do con người làm ra. Có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ là cơ sở cho những cơ chế, chính sách tốt ra đời. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; liên tục tổng kết thực tiễn để đánh giá chính sách, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống luật và các dự án luật; phát hiện và tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc qua thực tiễn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm... để góp phần khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.
"Ngọn cờ" kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam đã được phất cao, tạo ra hứng khởi mới, khí thế mới, niềm tin và nhiều kỳ vọng mới trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Trong đó, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị vừa là mục tiêu, nhiệm vụ vừa là giải pháp tạo động lực thể chế mới quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời gian tới. Do đó, vấn đề này cần được tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, triệt để nhằm mang lại hiệu quả thực sự, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Chính ủy Vùng 1 kiểm tra, chúc tết Tiểu đoàn 158 - ( 27-01-25 02:00 )
- Tinh gọn bộ máy - động lực mới để phát triển kinh tế - ( 27-01-25 08:00 )
- Những hoạt động nổi bật của Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 26-01-25 08:00 )
- Vùng 4 tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” - ( 25-01-25 07:00 )
- Trung ương thống nhất tinh gọn bộ máy của Chính phủ còn 17 bộ, ngành và 5 cơ quan trực thuộc - ( 25-01-25 02:00 )