Tiếp thêm sức mạnh cho Hải quân Nga
Trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại hiện chiếm 62% trong kho vũ khí của Hải quân nước này. Thời gian tới, Nga sẽ dồn lực tăng cường sức mạnh cho Hải quân nhằm bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Được thành lập từ năm 1696 dưới thời đại của Sa hoàng Pyotr Đệ nhất, hiện nay Hải quân Nga thuộc Lực lượng vũ trang Nga có 5 đơn vị chiến dịch-chiến lược, bao gồm: Hạm đội Baltic, Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Caspi. Ngày 20-7-2017, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn "Những nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của Hải quân đến năm 2030". Theo đó, Nga sẽ nỗ lực bảo đảm cho lực lượng Hải quân giữ vị trí thứ hai trong danh sách Hải quân các nước trên thế giới về khả năng chiến đấu.
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cho biết, hải quân nước này đang làm chủ những công nghệ mới nhất, sử dụng các mẫu vũ khí và thiết bị kỹ thuật không có loại tương tự trên thế giới. Tính đến tháng 7 vừa qua, Hải quân Nga sở hữu hơn 210 tàu mặt nước (bao gồm tàu sân bay hạng nặng Đô đốc Kuznetsov và tàu tuần dương mang tên lửa hạng nặng Pyotr Velikiy), 69 tàu ngầm (trong đó có 46 tàu ngầm hạt nhân) và hàng trăm tàu hỗ trợ. Hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lưu ý, theo Chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2027, trong 10 năm tới, Hải quân Nga sẽ tiếp nhận hơn 180 tàu mới các loại.
Tàu ngầm hạt nhân thuộc Đề án 995 Vladimir Monomakh. Ảnh: RIA Novosti
Theo RT, trong quá trình hiện đại hóa hải quân, việc nâng cao chất lượng thành tố trên biển trong “bộ ba hạt nhân” của Nga (máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa chiến lược) có ý nghĩa quan trọng. Khái niệm về “bộ ba hạt nhân” này xuất hiện từ cuối những năm 1950, khi mà hai siêu cường lúc đó là Liên Xô và Mỹ chỉ sở hữu 3 thành tố trên bộ, trên không và trên biển. Hải quân Nga đang thực hiện kế hoạch thay thế các tàu tuần dương ngầm mang tên lửa chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô (Đề án 667 và 941) bằng các tàu ngầm hạt nhân mới thuộc Đề án 955 lớp Borey. Với tiếng ồn thấp và được trang bị tên lửa liên lục địa Bulava, các tàu ngầm lớp Borey sẽ trở thành “xương sống” của thành tố trên biển trong “bộ ba hạt nhân” của Nga.
Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, có nhiều diễn biến khó lường, những loại vũ khí độc đáo sẽ giúp Hải quân Nga có thêm sức mạnh để sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa. Hiện nay, trong kho vũ khí của Hải quân Nga, vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại chiếm hơn 62%. Không dừng lại ở con số này, Mocow sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của hải quân. Tổng thống Vladimir Putin từng cho biết, Nga tăng cường sức mạnh hải quân nước này nhằm mục đích phòng thủ, bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Trao đổi với Sputnik, nhà sử học quân sự Sergei Chennyk nhận định, tỷ lệ vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại trong kho vũ khí hải quân vượt quá 62% là một thành tựu to lớn của đất nước nói chung và Lực lượng vũ trang Nga nói riêng. “Vào đầu những năm 2000, trên thực tế, chúng ta không có mẫu vũ khí nào có thể coi là mới. Do đó, đối với Hải quân Nga, việc sở hữu hơn 50% vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại là một thành tựu to lớn. Nhiều loại vũ khí không chỉ mới mà còn không có loại tương tự trên thế giới. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, hạm đội của thế kỷ 21”, ông Sergei Chennyk khẳng định.
Về phần mình, chuyên gia quân sự Yury Knutov cho rằng, nếu xét trên phương diện số lượng vũ khí thì Hải quân Mỹ vượt trội hơn, nhưng về mặt chất lượng thì Hải quân Nga đang giữ một trong những vị trí hàng đầu trên thế giới. Ông cũng nhận định, “chìa khóa” thành công của lực lượng hải quân khi triển khai hoạt động là sự phối hợp giữa tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay, tổ hợp phòng thủ ven biển. Ông nói thêm, điều quan trọng là cuối năm nay, tàu ngầm hạt nhân Khabarovsk thuộc Đề án 09851-phương tiện mang thiết bị lặn không người lái Poseidon (biệt danh “vũ khí ngày tận thế”) sẽ được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Sevmash. Trong Thông điệp liên bang năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên tiết lộ về Poseidon. Khi đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Nga đang phát triển thiết bị lặn không người lái đặc biệt, có khả năng hoạt động ở độ sâu lớn. Nó có tốc độ lớn hơn nhiều so với các loại ngư lôi và tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay, cũng như có phạm vi hoạt động tương đương với các loại tên lửa liên lục địa”.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện thủy thủ cũng có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân. Cựu Phó tổng tư lệnh thứ nhất Hải quân Nga, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen từ năm 1991 đến 1992, Đô đốc Igor Kasatonov cho biết: “Các chuyến đi vòng quanh thế giới của các tàu chiến ảnh hưởng đáng kể đến kỹ năng chiến đấu của các thủy thủ bởi vì họ cần phải làm quen với mọi thứ chứ không chỉ mình con tàu”.
Theo kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu ý kiến cộng đồng toàn Nga công bố mới đây, phần lớn công dân Nga tin tưởng, Hải quân Nga có thể bảo vệ vững chắc biên giới trên biển của đất nước trong trường hợp có mối đe dọa thực sự. Và người dân Nga cũng cho rằng được phục vụ trong lực lượng hải quân là một niềm vinh dự.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn