Tiếng rao gọi hè

HQ Online -

Đâu chỉ có tiếng con tu hú gọi hè? Đâu chỉ có tiếng ve râm ran cho hè về sôi động? Trong kí ức tuổi thơ tôi, hè còn chợt về trong cái nắng trưa oi ả, bỗng vang lên tiếng kèn “kem mút” và tiếng rao của bác hàng kem Phù Lưu: “Ai kem đê..ê…ê!”

Chả là quê tôi xưa ở gần làng Phù Lưu (Kiến An, Hải Phòng) nổi tiếng với nghề thu mua, tái chế phế liệu. Những bác bán kem dạo thời đó cũng chính là những người đi thu mua đến từ làng nghề này. Từ lông ngan, lông vịt, đến nhôm, đồng, sắt vụn… bác đều có thể quy đổi ra kem được.

Tôi chẳng nhớ lần đầu mình nghe tiếng kèn “kem mút” là khi nào. Chỉ biết nó phát ra từ một quả bóng cao su nhỏ, được gắn với một cái lưỡi gà và chiếc phễu đồng. Bóp vào nó kêu “kem”, nhả ra nó kêu “mút”. Sau ba hồi “kem mút”, bao giờ cũng là tiếng rao của bác hàng kem: “Ai kem đê..ê…ê!”. Khi đường làng rộn ràng những âm thanh ấy, thế là mùa hè của bọn trẻ quê chúng tôi đã về, bên cạnh cái oi nồng của nắng, còn có vị ngọt lạnh của những que kem.

Tranh minh họa

Cái thời cơm chẳng đủ ăn, kem là thức quà xa xỉ với chúng tôi. Đứa nào được bố mẹ chiều thì lâu lắm mới có 200 đồng để mua một que kem. Còn anh em tôi, chẳng may mắn như thế. Nếu muốn ăn, phải lùng sục khắp góc nhà, xó bếp, tìm nhặt những vật dụng hư hỏng mang ra đổi cho bác hàng kem. Hoặc khi nhà có khách, làm thịt ngan hay vịt, tôi chờ rồi gom lông của chúng lại cũng để đổi lấy kem. Có lần, cái cuốc nhà tôi bị gãy cán, tôi cũng mang ra đổi. Đến khi bố tôi tìm lưỡi cuốc để tra lại thì không thấy, ông gọi anh em tôi tới, và mỗi đứa “ăn” luôn mấy con “lươn mây” lằn mông. Bà nội tôi nói chêm vào: “Nhỡ kem người ta làm bằng nước lã, cho đường hóa học, ăn lắm có bữa sâu răng, đau bụng”. Chẳng biết lời dọa ấy có thật không. Lúc đầu chúng tôi cũng sợ. Nhưng chỉ được vài hôm, tiếng rao đầy “ma lực” của bác hàng kem lại chiến thắng lí trí thơ ngây của anh em tôi…

… Giữa cái nắng trưa hè, bác hàng kem mặt đỏ gay, gù lưng đạp chiếc xe Thống Nhất cà tàng chở thùng kem phía sau. Thoáng nghe tiếng bác từ đằng xa, tôi cùng đám bạn trong xóm đã lỉnh kỉnh các thứ đồ, ra đứng chờ sẵn ở đầu ngõ. Bác hàng kem dừng xe lại bên khóm tre cạnh đường. Mấy đứa chạy bổ đến vây lấy thùng kem của bác, ánh mắt thèm thuồng, nước miếng chỉ trực trào ra. Chiếc thùng kem làm bằng gỗ thông, cáu bụi, bên trong lót lớp xốp cách nhiệt. Những que kem trắng muốt xếp thành hàng và được ngăn bằng giấy báo vụn. Nhưng đó là một thế giới đầy bí ẩn, có hấp lực kì lạ mà lần nào chúng tôi cũng cố kiễng chân, nghển cổ để được ngó vào bên trong khám phá.

Bác hàng kem sau khi đã thỏa thuận trao đổi xong, cẩn thận mở lớp vải trên nắp thùng, để lộ những que kem đang phả hơi nước mát lạnh. Lần lượt đưa kem cho từng đứa, bác không quên dụ dỗ: “Lần sau có đồ lại mang ra bác đổi đắt cho nhé!”. Thường thì mỗi đứa chỉ đổi lấy một chiếc kem, còn lại để dành cho lần sau. Thế nên, dù háu lắm, nhưng chúng tôi cũng chỉ dám mút nhẹ hoặc cắn từng miếng kem rất nhỏ, chậm rãi tận hưởng vị ngòn ngọt, ngầy ngậy thấm dần trong khoang miệng. Một cảm giác mát lạnh chạy từ đầu lưỡi, chân răng, xuống đến thực quản và mát ngược lên tận óc. Có lần, anh em tôi chẳng kiếm được gì để đổi, đành xin mút “nhờ” của bạn, hẹn hôm nào có sẽ trả lại. Bao trưa hè như thế, chúng tôi ngồi ăn kem dưới bờ tre đường làng mát rượi, ánh mắt dõi theo bác hàng kem cho tới khi bóng bác khuất hẳn phía sau cổng làng. Tiếng kèn “kem mút” nhỏ dần rồi tắt hẳn, cây kem trên tay chỉ còn lại chiếc que tre bé xíu, sạch bong. Lòng lại ngẩn ngơ, hồi hộp chờ đợi tiếng rao kem vọng lại từ đằng xa…

Thời khốn khó qua rồi. Bây giờ về quê, thấy kem bày bán khắp nơi. Từ kem que, ốc quế, kem hộp, đến kem tươi, kem xôi… các vị; từ kem thương hiệu Tràng Tiền, Thủy Tạ, đến kem Thái Lan, Hàn Quốc… đủ cả. Trẻ quê thời nay cũng không khó để có tiền mua vài cây kem. Thậm chí, hè về, nhiều gia đình còn mua sẵn kem để trong tủ lạnh, con trẻ thích ăn lúc nào thì lấy. Bởi vậy, đường làng đã vắng hẳn bóng dáng những bác hàng kem bán dạo thủa nào. Chỉ còn lại xa xăm trong kí ức một tiếng rao trưa như vẫy gọi ta về tuổi thơ. Như dẫn bước chân ta tìm về một khoảng trời lịm mát giữa cái chang chang nắng hè hoài niệm.


Cao Dân
 

 

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn