Thuyền trưởng và đại úy (Phần 2)

HQ Online -

Ở phần 1 bài viết cùng tên, chúng ta đã phần nào biết rõ hơn về cấp bậc đại úy và những cấp bậc quân hàm thấp hơn trong hải quân một số nước. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về tên gọi của những cấp bậc quân hàm cao hơn.  

Các vị chỉ huy cấp trên

Lịch sử tên gọi các cấp bậc cao hơn đại tá trong tiếng Anh cũng thú vị không kém. Các sĩ quan hàng tướng lĩnh trong hải quân được gọi là “admiral” (đô đốc) với một số tiền tố khác nhau để chỉ các thứ bậc cao thấp. Khác với các tên gọi để chỉ quân hàm như trên đã biết, đều có gốc gác từ tiếng Latinh hoặc Đức (Germanic), từ “admiral” lại có gốc từ tiếng Arập là “amir-ar-barh” có nghĩa là “hoàng tử”/“người chỉ huy trên biển”. Người châu Âu biết đến từ này là do các chiến binh Thập Tự Chinh thế kỷ XI mang về từ Trung Đông. Cũng như mọi từ vay mượn khác, từ “amir-ar-barh” cũng đã biến đổi nhiều lần và từ khoảng thế kỷ XVI thì được viết là “admiral” như ngày nay trong tiếng Anh hoặc tương tự trong một số thứ tiếng khác, chẳng hạn như “aдмирал” trong tiếng Nga…

Thời xưa, nhiệm vụ của “admiral” là lên tàu chỉ huy hạm đội, nếu tàu kỳ hạm của “admiral” dẫn đầu hạm đội, thì “admiral” sẽ bổ nhiệm một người làm phó đi ở giữa đoàn tàu, nếu “admiral” đi ở giữa đoàn tàu thì ông phó đi dẫn đầu, một ông phó của phó sẽ đi ở phía sau đoàn tàu. Cứ như vậy, truyền thống này được phản ánh trong sự biến đổi ngôn ngữ, người phó cho “admiral” đi ở giữa đoàn tàu (hạm đội) được gọi là “vice admiral”, trong đó chữ “vice” là một từ Latinh chỉ người làm cấp phó. Người làm phó của phó được gọi là “rear admiral”, chữ “rear” có nghĩa là “ở phía sau”. Khi hệ thống cấp bậc quân hàm đã ổn định thì “admiral” dùng để chỉ “đô đốc”, “vice admiral” chỉ “phó đô đốc” còn “rear admiral” chỉ “chuẩn đô đốc” như trong tiếng Việt ta vẫn gọi.

Hạm đội tàu buồm thời xưa

Trong Hải quân Anh, cấp tương đương với chuẩn tướng lục quân được gọi là “đề đốc” (commodore). Người Anh vay mượn từ “commodore” từ tiếng Hà Lan “commandeur” có nghĩa là “người có quyền chỉ huy những người khác”. Câu chuyện lịch sử thú vị đằng sau từ “commandeur” như sau. Trong một cuộc chiến tranh trên biển với người Anh năm 1652, người Hà Lan do đã có nhiều “admiral” chỉ huy các hạm đội, nhiều “captain” chỉ huy các tàu rồi, nên họ cần vài người chỉ huy các hải đội tàu trong một hạm đội và họ cũng không muốn bổ nhiệm thêm “admiral” vì như thế sẽ phải trả nhiều tiền lương. Cho nên họ nghĩ ra chức “commandeur” và chỉ trả khoảng một nửa lương so với “admiral” và thế là chức vụ (sau này là cấp bậc) “commodore” (đề đốc) ra đời.

Thời nay, Hải quân Anh, Ấn Độ và một số nước khác có “commodore” (đề đốc) là một cấp bậc sĩ quan cao hơn đại tá và dưới chuẩn đô đốc. Hải quân Mỹ thì không có cấp bậc quân hàm này, nhưng chức vụ thì có vì bất kỳ “captain” nào được giao chỉ huy nhiều hơn một tàu trên biển sẽ được gọi là “commodore”, khi hết nhiệm vụ thì lại trở về “captain”. Ở Mỹ, vì vậy, chỉ có chuẩn đô đốc, nhưng họ lại có 2 bậc là “rear admiral” (lower half) - đô đốc một sao tương đương với “commodore” (đề đốc) và “rear admiral” (upper half) - đô đốc hai sao - chuẩn đô đốc. Ý nghĩa “có quyền chỉ huy người khác” của từ “commodore” ngày nay được phản ánh trong một số chức vụ. Chẳng hạn ở Australia người chỉ huy hạm đội (fleet) được gọi là “fleet commander”, nhưng các tiểu hạm đội (flotilla) trong hạm đội đó được chỉ huy bởi các “commodore flotilla” (comflot). Tương tự, người chỉ huy một đoàn hộ tống (convoy) cũng được gọi là “commodore” (đề đốc đoàn hộ tống).

Tên gọi và tiến trình văn hoá

Như vậy, lịch sử hình thành tên gọi hệ thống cấp bậc quân hàm sĩ quan trong Hải quân Anh và một số nước khác chính là lịch sử phát triển của ngôn ngữ. Những từ, thuật ngữ chỉ cấp bậc quân hàm này đi vào ngôn ngữ và văn hóa của họ hết sức tự nhiên qua nhiều thế kỷ, không có sự khiên cưỡng nào. Sự phát triển ngôn ngữ này hiện nay vẫn được thể hiện trong hải quân của họ, chẳng hạn, ngoài trường hợp “commodore flotilla” như đã biết, thì chức vụ “first lieutenant” ở các căn cứ hải quân, nhất là ở Anh, Australia… vẫn đang tồn tại như là một dạng phó của phó, nhưng điểm hơi khác là người giữ chức “first lieutenant” lại có quân hàm “lieutenant-commander” (thiếu tá).

Ở các nền văn hóa khác cũng có sự biến đổi như vậy, tiếng Việt ta cũng thế, chẳng hạn ngày nay thiếu úy là sĩ quan cấp thấp nhất trong quân đội ta, nhưng ngày xưa thiếu úy lại là một chức võ quan to, chỉ sau mỗi thái úy (Thái úy Lý Thường Kiệt), hoặc đô đốc (Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đô đốc Đặng Tiến Đông, Đô đốc Long, Đô đốc Tuyết…) thời Quang Trung đại phá quân Thanh là chức vụ của võ quan chỉ huy những cánh quân của nhà vua. Ngày nay, đô đốc được dùng để chỉ cấp bậc cao nhất của sĩ quan hải quân tương đương thượng tướng.

Magellan và hải trình vòng quanh thế giới

Sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa này chính là sự phản ánh của lịch sử phát triển, truyền thống của một dân tộc và quân đội của họ. Chẳng hạn, người nói tiếng Anh sẽ hiểu và dịch là “admiral” (đô đốc) bất cứ ai chỉ huy hải quân dù là ở nước họ hay nước khác trên thế giới.

Quay lại tiêu đề “Thuyền trưởng và đại úy” (Два Капитана), nếu đi máy bay thì hành khách thường nghe câu thông báo bằng tiếng Anh (ngành hàng không luôn dùng tiếng Anh) “This is captain speaking…” lúc này “captain” không phải là “đại úy” hay “thuyền trưởng” nữa mà là viên cơ trưởng trên máy bay đang thông báo gì đó. Ngành hàng không và cả không quân các nước đều sao chép một số thuật ngữ của ngành hàng hải, như bản thân máy bay cũng là “ship” (con tàu), nhà bếp trên tàu và trên máy bay đều là “galley”, tương tự sàn máy bay và boong tàu đều là “deck”…và người chỉ huy máy bay cũng là “captain” giống thuyền trưởng trên tàu thủy.

Captain James Cook

Như vậy, khi ngành hàng không ra đời và hải quân có không quân riêng, thì “captain” trong hải quân còn có thêm nghĩa “cơ trưởng” trên máy bay, ngoài các nghĩa “đại tá” và “thuyền trưởng” đã hình thành từ trước đó. Lịch sử cũng đã ghi nhận có nhiều “captain” hải quân (nước Anh chẳng hạn) đã làm được những việc lớn, như ngài captain James Cook (thuyền trưởng Giêm Cúc) là người đã khám phá ra một lục địa mới ngày nay là một đất nước giàu có, phát triển là Australia.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng hy vọng trong tương lai Hải quân Việt Nam sẽ không thiếu những “captain ba trong một” tức là thượng tá làm thuyền trưởng đồng thời cũng là cơ trưởng máy bay hải quân, giống như nhiều lực lượng hải quân hùng mạnh khác trên thế giới.

Đức Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn