Thuyền thúng, nhà thùng đánh giặc

HQVN -

Chú Mười Nguyễn Tiên Tri, người thương binh, cựu chiến binh thuộc phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã hơn mười năm nay là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Trường và đã có ngót hai mươi năm liên tục làm Trưởng ban quản lý đình Trường Đông. Mười Lý là cái tên mà người dân làng chài ở đây thường gọi chú. Dáng tầm thước, chắc đậm với nước da đỏ au, thoạt nhìn không ai nghĩ là chú đã ở ngoài tuổi xưa nay hiếm

Phía xa kia là Hòn Tằm, Hòn Ngoại, Hòn Mun, Sông Tắc và dãy Hoàng Ngưu. Chỉ tay về những phía xa xa, gương mặt chú đầy nỗi xúc động về một thời trai trẻ…

                     

Vịnh Nha Trang được ví như cái eo, cong như tấm lưng người con gái tưởng như thật lãng mạn hiền hòa, nhưng trong những năm chống Mỹ lại là một điểm tập trung lực lượng của hải – lục – không quân của Mỹ - ngụy. Chứng kiến những chiến sĩ cách mạng của ta bị chúng tử hình man rợ ở Đồng Bò, Nha Trang… chú Mười cùng một số thanh niên làng chài phẫn uất, lòng căm thù giặc trào lên như sóng nước. Những cơ sở, những tổ du kích bắt đầu nhen nhóm. Tổ hoạt động của chú gồm các đồng chí như Nguyễn Liền, Trần Tây, Phạm Dữ, Đinh Ngặn… được giao nhiệm vụ theo dõi đường đi lối lại, giờ tuần tra trên biển của địch; nhận và tiếp tế vũ khí, lương thực cho các căn cứ của ta ở chiến khu Đồng Bò, Hòn Tằm… Họ phải giấu vợ giấu con để hoạt động bí mật. Hoàn cảnh lúc bấy giờ, ai cũng vừa hoạt động, vừa phải lo giặc giã vừa phải lo kiếm ăn nuôi sống gia đình. Người du kích ngày đi biển kiếm sống, tối đi làm nhiệm vụ. Đêm ra khơi câu mực, trưa chở mắm, chiều thả lưới… “Nhà thùng” Cửa Bé là nơi sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống cũng là nơi che giấu, ẩn nấp cho bộ đội, thương binh của ta hoạt động bí mật. Thuyền nan, thuyền ván, thuyền thúng là những phương tiện đánh bắt gần bờ ngày đó. Nhưng với người du kích, những phương tiện đánh bắt đó là những mũi tiến công mau lẹ và hiệu quả.

Vào một đêm năm 1967, cơ sở của Mười Lý được tổ chức phân công kết hợp với bộ đội đặc công mật khu Hòn Tằm bám sát và công phá tàu hàng của địch. Kế hoạch đánh tàu địch đã được bàn bạc và triển khai bí mật, bất ngờ. Nửa đêm, từ lạch biển các mũi tiến công nhanh chóng tiếp cận tàu địch. 12 giờ 30 phút khuya, sau cái lóe đèn phin là những tiếng nổ rung trời, rung biển, chiếc tàu giặc đã bị đắm chìm. Quân ta rút về và … nhậu một chầu lai rai.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, tổ Mười Lý được giao nhiệm vụ từ căn cứ Đồng Bò đi tiền trạm chở đồ tiếp tế ra đảo Hòn Tằm. Đêm đó, bo bo của biệt kích tuần tra ráo riết, sục sạo các cửa biển. Vậy nhưng, với nhiều năm kinh nghiệm trên sông nước, đúng 3 giờ sáng, Mười Lý từ mũi Phú Ông một mình xuất phát với ngụy trang của ngư dân đi câu cá, câu mực. Tay cầm lái, tay cầm lựu đạn M26, chiếc thuyền nan đêm ấy đã len lỏi qua các vọng gác và mạng lưới tuần tra dày đặc của địch đến điểm hẹn đúng theo kế hoạch. Đồng chí Bền, đồng chí Tam ôm lấy chú và những giọt nước mắt xúc động trào ra thầm lăn trên gò má vào lúc bình minh đã gần rạng. Sau bảy năm hoạt động, cơ sở du kích của Mười Lý đã bị lọt vào mắt lũ ác ôn. Chiều tháng 3 năm 1969, chú bị bắt cùng hai cán bộ nằm vùng tại nhà mình, Biền biệt sau gần 4 năm bị giam cầm qua các nhà tù, không khai thác được gì, tháng 10 năm 1972, chú được quân địch thả về. Trở lại làng chài chưa kịp tìm lại tổ chức, thì chú bị ép đi lính cho ngụy quyền. Không muốn đi lính làm tay sai cho địch, chú đã cắn răng tự chặt đứt ngón tay cái của mình…
Chú Nguyễn Đưa, người đồng đội của chú Mười năm xưa, người tổ trưởng liên lạc trở về từ khám Chí Hòa, từ nhà tù Côn Sơn nói về chú Mười lý: “Đây là người du kích kiên gan, nhanh lẹ và đặc biệt lại tài xoay sở chèo chống trên sông nước”
Trưa đã tròn bóng nắng, nơi cửa biển những làn gió hồn nhiên ùa về làm dịu đi cái oi nồng của mùa hạ. Tôi phải tạm biệt làng chài, chia tay người du kích năm xưa nhưng giờ đây nhìn thấy những thuyền thúng, nhà thùng, ghe câu, tôi bỗng thấy tự hào về một thời mỗi dân chài đều là chiến sĩ, mỗi con thuyền đều thành vũ khí…

                                                                                                                                                             Duy Hoàn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn