Thức đêm cho bệnh nhân ngủ

HQVN -

“Ở khu cách ly tập trung, nhiều đêm chúng tôi thay nhau canh trực xử lý tình huống để cho bệnh nhân được ngủ ngon giấc, giữ gìn sức khỏe ổn định”-Trung úy, Bác sĩ Hoàng Xuân Bảo, Khoa B3, Viện Y học Hải quân chia sẻ.

Đoàn Quân y Hải quân được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đoàn được chia thành 10 tổ, mỗi tổ gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. 8 tổ phụ trách tại 8 khu cách ly tập trung F0 không triệu chứng, 2 tổ đi lấy mẫu xét nghiệm ở cộng đồng và tiêm phòng theo sự điều hành của địa phương. Mỗi tổ sẽ chịu trách nhiệm độc lập về chuyên môn và phụ trách một khu cách ly có 150-200 bệnh nhân, riêng Tổ 616 có lượng bệnh nhân luôn dao động từ 600-700 bệnh nhân.

Hầu hết các khu cách ly đều tận dụng cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn huyện, triển khai thành các khu vực cho bệnh nhân, khu vực cho nhân viên y tế, vùng đệm để thay đổi trang bị phòng hộ cá nhân. Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên điều kiện sinh hoạt của anh chị em gặp nhiều khó khăn. Sinh hoạt hằng ngày chỉ gói gọn trong khuôn viên khu cách ly và hoàn toàn không tiếp xúc với người bên ngoài.

Quân y Hải quân khám và chăm sóc bệnh nhân F0 tại khu cách ly xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Xuân Bảo

Trung úy Hoàng Xuân Bảo chia sẻ: “Hằng ngày, chúng tôi tiến hành thăm khám cho bệnh nhân 2 lần (sáng, chiều). Công việc gồm có đo thân nhiệt, đo SPO2 (độ bão hòa oxy máu trong mao mạch để phát hiện triệu chứng thiếu oxy), đo huyết áp, tư vấn, động viên bệnh nhân, cấp các thuốc hỗ trợ giảm ho, hạ sốt, vitamin tổng hợp và kết hợp điều trị bằng phương pháp đông y. Ở khu cách ly tập trung, nhiều đêm chúng tôi thay nhau canh trực xử lý tình huống để cho bệnh nhân được ngủ ngon giấc, giữ gìn sức khỏe ổn định”.

Qua thăm khám, nếu phát hiện các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng, các tổ Quân y Hải quân sẽ tiến hành cấp cứu ban đầu rồi chuyển về bệnh viện dã chiến trên địa bàn để điều trị. Những trường hợp sau 7 ngày cách ly, nếu bệnh nhân ổn định thì tổ sẽ lập danh sách để lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm PCR. Sau khi có kết quả, những bệnh nhân đủ điều kiện sẽ được trung tâm y tế địa phương chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung và tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Ban ngày ở trong khu vực bệnh nhân, tối đến tất cả các tổ quân y sẽ nghỉ tại khu vực dành cho nhân viên y tế (dãy nhà cách đó 50m) và luôn luôn trực điện thoại để sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết. Kể từ khi nhận nhiệm vụ tại khu cách ly, bác sĩ Hoàng Xuân Bảo cũng như những y, bác sĩ Hải quân tại đây không thể nhớ hết đã có bao nhiêu cuộc điện thoại vào ban đêm từ bệnh nhân cần được hỗ trợ, có thể chỉ là những trường hợp nhẹ như sốt, ho, đau bụng nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển nặng cần cấp cứu ngay.

Do đặc điểm của bệnh diễn biến nhanh, thiếu oxy thầm lặng nên mặc dù các bệnh nhân nơi đây đều được thăm khám đầy đủ theo quy định, tại thời điểm thăm khám bệnh nhân có thể rất ổn định nhưng chỉ vài giờ sau đó, bệnh nhân có thể chuyển biến nặng hơn ngay lập tức. Vì vậy, ngay khi nhận điện thoại cần hỗ trợ, tổ quân y lại nhanh chóng mặc quần áo bảo hộ, có mặt kịp thời để hỗ trợ. Khi vào khám, có bệnh nhân đã sốt lên 380C, biểu hiện khó thở, đo SPO2 90%, người mệt. Sau hội chẩn chớp nhoáng, tổ quân y của Viện Y học Hải quân do bác sĩ Bảo phụ trách đã cho bệnh nhân thở oxy, dùng thuốc kháng viêm, chống đông máu, hạ sốt, hướng dẫn bệnh nhân thở, động viên tinh thần bệnh nhân và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân lên bệnh viện dã chiến tiếp tục điều trị.

Trung úy, Bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiếu, Khoa A2, Viện Y học Hải quân cho biết: “Khu cách ly thường xuyên nhận thêm bệnh nhân mới. Có bệnh nhân chưa kịp vào tới khu cách ly nhưng đã có biểu hiện nặng; có lần mới chỉ khám ban đầu, tổ đã phát hiện và phải chuyển 5 bệnh nhân lên bệnh viện dã chiến”.

Đại diện chính quyền địa phương thăm, động viên lực lượng Quân y Hải quân. Ảnh: Xuân Bảo

Còn bộ phận do Trung tá, Bác sĩ Phạm Văn Duy, Ban Quân y Vùng 1 phụ trách có 6 người, được chia thành 2 tổ kết hợp với 1 cán bộ y tế địa phương điều hành. Hằng ngày, mỗi tổ lấy từ 500-550 mẫu xét nghiệm Covid-19 lưu động tại địa phương, sau đó bàn giao mẫu cho Trung tâm Y tế Vĩnh Cửu. Hai tổ này còn tham gia tiêm vắc xin cho người dân địa phương, có ngày tiêm đến 1.100 lượt người. Do địa bàn hoạt động rộng, có những địa phương cách nơi ở đến hơn 50km, nhiều hôm các anh phải đi từ 5 giờ và đến 21 giờ mới hoàn thành công việc trở về nơi nghỉ. Với sự nỗ lực hết mình cứu chữa bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ Hải quân luôn nhận được những tình cảm quý mến đặc biệt từ bệnh nhân, nhân dân và chính quyền địa phương huyện Vĩnh Cửu.

Ông Nguyễn Thanh Vinh, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Từ ngày có lực lượng Quân y Hải quân về đây tăng cường, công tác phòng, chống dịch tại địa phương đã cải thiện và ổn định rất nhiều. Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn các y, bác sĩ Hải quân đã chung sức, sát cánh góp phần sớm đưa cuộc sống của nhân dân địa phương trở lại trạng thái bình thường mới”.

Vượt lên khó khăn, vất vả nơi tâm dịch, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên Quân chủng Hải quân luôn hãnh diện và tự hào vì được thực hiện nhiệm vụ tình nguyện, nhân đạo đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Điều hạnh phúc nhất với họ là cùng với các lực lượng, chính quyền nơi đây sớm đem lại cuộc sống ổn định cho người dân địa phương.

Khánh Hưng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn