Tết thời bao cấp
Người Hà Nội, nhất là những người có tuổi, đã sống qua thời bao cấp thì luôn luôn nhớ về những kỷ niệm xưa. Trong lòng cảnh Tết mới ngày nay luôn có hình ảnh của cảnh Tết xưa-thời bao cấp.
Tết là đợi chờ, là háo hức với nhiều niềm vui cho tất cả mọi người, tuy rằng thật bận rộn. Quanh năm vất vả, thiếu thốn đến đâu cũng sẽ được giải tỏa trong 3 ngày Tết... Nhưng đó là Tết của một thời bao cấp, khi cuộc sống vật chất chưa thật đủ đầy mà đầy ắp tình người và mang đúng ý nghĩa ngày đầu năm theo truyền thống dân tộc.
Người Hà Nội, nhất là những người có tuổi, đã sống qua thời bao cấp thì luôn luôn nhớ về những kỷ niệm xưa. Trong lòng cảnh Tết mới ngày nay luôn có hình ảnh của cảnh Tết xưa-thời bao cấp.
Lũ trẻ con chúng tôi ngày đó chờ đón Tết rất vô tư và háo hức. Chúng tôi được nghỉ học cả tuần lễ trước Tết. Thời bao cấp, chế độ cung cấp theo tem phiếu, ăn uống đạm bạc nhưng ngày Tết sẽ có thêm một vài tiêu chuẩn về hàng hóa mà ngày thường không có. Có nhiều thứ ngày Tết mới được mua như: Túi hàng Tết gồm có ít bóng bì, măng khô, miến, lá nem, mì chính, hạt tiêu, lá dong... rồi hộp mứt Hà Nội, gói chè Ba Đình, chai rượu chanh Thanh Mai, gói kẹo mềm (mà rất cứng) và có cả một bánh pháo Trúc Bạch. Không phải mua một lúc, một nơi mà có ngay tất cả. Phải xếp hàng để mua từng thứ từ cả chục ngày trước Tết, khi những quầy hàng Tết của mậu dịch được mở ra. Tôi giúp mẹ được nhiều nhất là việc đi xếp hàng. Có khi phải dậy sớm đi xếp hàng từ 5 giờ sáng, chờ tới lúc mở cửa để mẹ ra mua hàng vì trẻ con không được cầm tiền và tem phiếu, nhỡ đánh mất là cả nhà năm đó không có Tết. Xếp hàng là sự bận rộn, nhưng cũng là niềm vui của bọn trẻ như tôi. Không chỉ hàng Tết mà còn nhiều thứ khác cần mua như gạo nếp, thịt, rau... Đủ mọi thứ mà thứ nào cũng phải xếp hàng. Tháng giáp Tết, mẹ tôi thường phải dành phiếu để dồn mua thịt gói bánh chưng hay nấu nồi măng chân giò. Có năm, cơ quan bố mẹ tôi được chia thêm ít thịt hay cá do công đoàn cơ quan liên hệ mua thêm được từ ngoại thành thì vui lắm.
Mô phỏng phòng khách căn hộ tập thể thời bao cấp ở Hà Nội tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh Thành
Ở Hà Nội, ngõ nào, phố nào cũng có những máy nước công cộng. Đây là nơi tụ tập đông vui suốt ngày đêm của các mẹ, các chị hay đám thanh niên để xếp hàng lấy nước về để kín vào xô, chậu dùng cho nấu ăn ngày Tết, hoặc các mẹ rửa lá dong và vo gạo nếp. Thời bao cấp hầu như các nhà phải tự gói bánh chưng dù chỉ chưa tới chục chiếc. Luộc bánh chưng cũng phải mượn nồi của nhau nấu quay vòng chứ không phải nhà nào cũng luộc bánh đêm Giao thừa. Nhất là còn vì củi cũng phải mua định lượng theo phiếu, mỗi gia đình cả tháng có vài chục cân và đun thêm than. Ngày bão tháng Bảy, bọn choai choai chúng tôi đi chặt cành cây đổ trong đêm ngoài phố đem về, cũng là một khoản đáng kể để dành cho việc luộc bánh chưng cuối năm.
"Phú quý sinh lễ nghĩa". Thời bao cấp ở nhà tôi hầu như không biết đến cúng ông Công, ông Táo và đốt vàng mã. Đơn giản vì vật chất nghèo nàn, mọi thứ phải dành cho ngày Tết. Trẻ con đứa nào cũng mong ngày Tết có quần áo mới nhưng vì vải may phải mua theo phiếu nên Tết đến, mấy chị em tôi mỗi đứa chỉ được may thêm cái áo hoặc cái quần, còn thường là mẹ tôi đem nhuộm lại quần áo cũ cho đẹp. Riêng người lớn thì chủ yếu là ăn mặc lịch sự. Bố tôi có bộ comple dùng đi công tác nước ngoài, ngày Tết mới đem ra mặc. Mẹ tôi cũng chỉ có một bộ áo dài để diện trong dịp này.
Hoa ngày Tết cũng thế, mấy chục gia đình trong dãy nhà tôi ở, chỉ có đôi nhà mua được cành đào phai. Ngày ấy rất hiếm đào cây và cũng không có cây quất. Mẹ tôi là giáo viên nên dịp Tết thường được nghỉ nhiều. Vì thế có năm, mẹ tôi xin được một cành đào cũ từ năm trước, thế là buổi tối, mấy mẹ con làm những bông hoa đào bằng giấy pơ-luya tô màu gắn vào. Mẹ tôi rất khéo tay, trông cành đào giả rất đẹp và chúng tôi rất hãnh diện. Có Tết không làm được cành đào giấy, nhưng dù có làm hay không, ở nhà tôi dứt khoát phải có một bó hoa thập cẩm. Mẹ tôi mua lẻ những bông hoa dơn, thược dược và violet đem cắm lẫn, làm thành một lọ hoa đẹp để trên bàn trong mấy ngày Tết. Tôi sang nhà các bạn khác chơi, thấy hầu như nhà ai cũng có một lọ hoa như thế. Mẹ tôi bảo, đấy là kiểu trang trí hoa Tết truyền thống của người Hà Nội. Gần nhà tôi có mấy nhà cô chú người miền Nam tập kết. Cô chú nào khéo tay thì làm giả một cây mai vàng cho đỡ nhớ quê, còn thì cũng cắm lọ hoa thập cẩm như ở nhà tôi.
Trưng bày "Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp" thu hút khách tham quan. Ảnh: Minh Thành
Không khí Tết trong khu tập thể đến rất sớm và ấm áp. Nửa tháng cuối năm, nhà nước cho quét vôi lại tất cả các tòa nhà. Một màu vàng nhạt phủ lên khiến cho tòa nhà như khoác áo mới. Các cửa sổ xanh cũng được cho sơn lại. Còn nhân dân thì tổ chức tổng vệ sinh toàn khu nhà. Trước các dãy nhà treo băng rôn đỏ với dòng chữ vàng "Chúc mừng năm mới" hoặc "Năm mới thắng lợi mới". Nhà nào cũng quét mạng nhện, dọn vệ sinh và lau chùi bàn, tủ. Ngày ấy rất ít nhà có bàn thờ, nhưng ở chỗ trang trọng nhất trong nhà, người ta vẫn hay mua và treo đôi câu đối đỏ. Có nhiều nhà treo ảnh Bác Hồ.
Dù giúp bố mẹ những việc lặt vặt nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn có nhiều thời gian và thích tụ tập nhau chơi đủ thứ trò trẻ con. Các gia đình khu nhà tôi ở thường rất ít khi dành bánh pháo độc nhất để đốt đêm Giao thừa mà thường xé lẻ ra chia cho trẻ con đốt chơi từ trước Tết cả tuần. Bánh pháo Trúc Bạch có 180 quả pháo tép và 5 quả pháo đùng chỉ to bằng ngón tay út. Trẻ con đứa nào cũng xin bố mẹ một que hương và đem pháo xuống sân đốt. Đứa này đốt thì những đứa khác đứng xem. Mấy anh lớn hơn thì được đốt pháo đùng, có anh tai quái chặn cái ống bơ sữa bò lên quả pháo để khi nổ, cái ống bơ văng cao lên trời. Đám con gái thường được mua pháo dây đốt hay pháo đập nhỏ như viên bi. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt kèm theo những làn khói xám và mùi thuốc pháo lúc nào cũng lan tỏa trong không gian gây niềm phấn khích rất đặc trưng của ngày Tết. Không khí Tết đến sớm là vì thế.
Đêm Ba mươi ít người đi chơi ngoài đường, dưới sân nhà tập thể vắng ngắt. Mọi người thường quây quần trong gia đình, bóc hộp mứt hay mở chai rượu chanh cả nhà cùng thưởng thức.
Tết là ngày sum họp gia đình trong cả một năm. Ngày Tết, nhà nào cũng đông đủ và quây quần nhất. Các gia đình đều cố gắng có hai bữa cơm chung là chiều Ba mươi và sáng mồng Một Tết. Thời gian còn lại đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, có khi còn sang chúc Tết nhà hàng xóm xung quanh. Hà Nội thời bao cấp người không thật đông, phương tiện đi lại ít nên trong mấy ngày Tết, đường phố thường vắng vẻ, không khí thoáng đãng. Người lớn nói với nhau rất nhẹ nhàng và trẻ con chúng tôi cũng phải như vậy.
Ngày ấy, người ta chỉ mừng tuổi chủ yếu cho con cháu trong nhà và các cụ già, số tiền chỉ là ước lệ. Nhiều khi là mừng tuổi bằng mấy quả pháo tép.
Ngày mồng Một, đại diện tổ dân phố và các đoàn thể thường tập trung đi chúc Tết các gia đình có các cụ cao tuổi, rồi sau đó mới về nhà lo việc riêng. Tiếp khách ngày xuân cũng chỉ có nước chè, thêm ít hạt dưa, hạt bí chứ không có mứt hay bánh kẹo.
Thời bao cấp hồi chiến tranh, vật chất ít nhưng mọi người trọng tinh thần và luôn tôn trọng, nhường nhịn nhau, nhất là trong mấy ngày Tết. Vì thế, ai cũng mong Tết và nhớ Tết khi đến độ xuân về.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung tâm Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ Vùng 3 liên hoan văn nghệ - ( 04-10-24 02:00 )
- Tổng duyệt chương trình tham gia Hội thi chủ tịch công đoàn giỏi toàn quân năm 2024 - ( 03-10-24 12:00 )
- Tháng Mười yêu thương - ( 01-10-24 01:00 )
- Những thơm thảo mùa thu... - ( 29-09-24 08:00 )
- Giao lưu điển hình tiên tiến “Những bông hoa biển” - ( 24-09-24 07:00 )