Tết ở điểm cực Đông của Tổ quốc

HQVN -

Cách đất liền gần 400 hải lý, đảo Tiên Nữ thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là điểm cực Đông của Tổ quốc-Mảnh đất đầu tiên trên đất nước ta đón thời khắc giao thừa thiêng liêng và ánh bình minh của ngày đầu năm mới.

Cũng như bao người lính Trường Sa khác, lính đảo Tiên Nữ luôn tâm niệm, khi chuyến tàu Hải quân từ đất liền ra thăm, mang hàng, quà, nhu yếu phẩm ngày Tết ra tới đảo, thế là Tết đến, Xuân về.

Từ ngày tàu cập cảng, cán bộ, chiến sĩ bắt đầu hối hả với công tác chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Đại úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo chia sẻ: “Được sự quan tâm của cấp trên, các cá nhân, đoàn thể, anh em ở đảo đón Tết cũng có đầy đủ lương thực, thực phẩm như thịt bò, gạo nếp, lá dong, dưa hành, câu đối, đậm đà hương vị Tết cổ truyền”.

Không có mai tươi như ở đất liền, các chiến sĩ đã tự chế ra cành mai Tết theo phong cách riêng của đảo. Một thanh thép to được uốn làm thân chính, các thanh thép nhỏ hơn uốn làm cành. Để thân cây to, xù xì, có màu xanh rêu như thân mai thật, họ dùng giấy báo cũ vo thành các đoạn thân, sau đó dùng bao bảo quản cắt thành các đoạn dây rồi quấn ép giấy báo theo các đoạn thân, cành thép. Hoa và lá mai làm bằng nhựa được mua sẵn trong đất liền, gửi theo tàu ra đảo. Dưới bàn tay khéo léo của lính đảo Tiên Nữ, cây mai tự chế trông bắt mắt và rực rỡ như mai tươi bán ở chợ hoa Tết.

Chuẩn bị phòng đón Xuân ở đảo Tiên Nữ

Ngày giáp Tết, đảo Tiên Nữ tổ chức mổ lợn để gói bánh chưng. Người đun nước, người mài dao, người ngâm gạo, rửa lá dong... Ai cũng tất bật. Họ vừa làm vừa tranh luận về các món ăn, phong tục tập quán các vùng miền đón Tết cổ truyền... Binh nhất Trần Trọng Đại, 19 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên được đón Tết ngoài đảo xa. Những kỷ niệm về Tết năm nay sẽ theo em mãi và là kỷ niệm đẹp của thời trai trẻ”.

Còn Đại úy Phạm Đình Luân, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ cho biết: “Trên đảo không gian sinh hoạt hạn chế, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, vì vậy công tác tăng gia sản xuất gặp rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ đã tìm mọi biện pháp khắc phục. Đảo cũng trồng được rau xanh, nuôi được lợn, gà, vịt, bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống cho bữa ăn hàng ngày cũng như phục vụ đón Tết”.

Để cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón Tết ấm áp, đủ đầy, bà con nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thông qua Câu lạc bộ tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương đã gửi tặng đảo một cây quất. Đại úy Lê Văn Anh cho biết thêm: Chúng tôi rất biết ơn tình cảm và sự quan tâm của nhân dân trong đất liền. Chúng tôi sẽ tích cực học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Cùng với chuẩn bị cho bộ đội đón Tết, đảo Tiên Nữ luôn duy trì nghiêm nền nếp SSCĐ và đẩy mạnh đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Cán bộ, chiến sĩ luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ. Đại úy Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ đã 3 lần đón Tết ở Trường Sa. Anh ra đảo Tiên Nữ công tác 5 tháng thì vợ sinh con gái đầu lòng. Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: “Vợ tôi sinh con khi chồng không ở nhà. Tết này cũng chỉ có hai mẹ con nhưng lần nào gọi điện về nhà vợ cũng động viên chồng yên tâm, công tác tốt”.

Đại úy QNCN Trần Quang Chiểu, Trưởng xuồng CQ quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết: “Nhà tôi gần Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Trạng Trình quê tôi thiêng lắm, quanh năm du khách khắp cả nước về tham quan, du lịch và đặc biệt là cầu cho con cái chăm ngoan, học giỏi. Năm nào cũng vậy, cả nhà tôi đến đền thắp hương Trạng Trình, mong năm mới sức khỏe, may mắn, các cháu học hành tiến bộ”.

Uy nghi hải đăng đảo Tiên Nữ

Sau 3 năm học tại Trường Trung cấp Y dược Thăng Long, Phạm Quang Việt, ở phường Đông Hải, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân. Nhiều năm công tác tại các đảo trên huyện đảo Trường Sa, tháng 8-2020, Việt được điều động làm quân y trên đảo Tiên Nữ. Kể về gia đình mình, Việt trải lòng: “Mẹ em sức khỏe yếu, vừa mới phải nghỉ không lương và đóng bảo hiểm, chờ mấy năm nữa để làm thủ tục về hưu. Kinh tế gia đình cũng khó khăn nên toàn bộ lương em gửi về để mẹ trang trải cuộc sống và có một chút dành dụm”.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo, dù hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng họ đều có một hậu phương vững chắc, đó là những người mẹ, người vợ luôn thay chồng, thay con lo toan mọi việc gia đình, nhất là những ngày giỗ chạp, lễ tết. Để ở nơi cực Đông của Tổ quốc, những người lính đảo Tiên Nữ yên tâm làm nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Bài, ảnh: Nguyễn Ninh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn