Tàu, thuyền buồm Việt Nam và vai trò của tàu buồm ngày nay (Phần 1)

HQVN -

Tiếp theo và cũng là kết thúc chủ đề về tàu buồm hải quân, bài viết dưới đây nghiên cứu về lịch sử những chiếc tàu thuyền buồm Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại và vai trò của tàu buồm ngày nay.

Nhiều nghiên cứu có giá trị về hàng hải thế giới cho thấy, các chuyến vượt biển đường dài bằng ghe-thuyền buồm của cư dân Việt cổ đã được thực hiện từ khoảng năm 4.000-3.000 TCN. Trước đó một thời gian, chắc chắn bè mảng chạy buồm có khả năng đi biển đã xuất hiện. Người ta đã chứng minh được rằng, bè có trang bị buồm là phương tiện viễn duyên đầu tiên của nhân loại, đồng thời kỹ thuật chạy buồm Á Đông, mà trung tâm là của cư dân Việt sống ở vùng duyên hải, đã ảnh hưởng sang phương Tây, ngược với ngộ nhận từ trước tới nay.

Thuyền buồm cánh dơi

Trong các loại buồm xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam từ thời cổ đại hiện vẫn còn được sử dụng, nổi bật là buồm tai trâu, buồm cánh dơi và buồm tứ giác. Kết cấu buồm tai trâu ở vùng Cửa Lò (Nghệ An) đã ảnh hưởng trực tiếp đến cánh buồm của cư dân vùng hồ Ti-ti-ca-ca ở Nam Mỹ. Còn buồm cánh dơi ở vùng Bắc Bộ được chứng minh gần đây bằng kỹ thuật khí động là loại buồm hoàn hảo nhất. Điều này chứng tỏ người Việt cổ đã là những nhà sáng chế thiên tài. Loại buồm tứ giác của người Việt cổ đã ảnh hưởng sang thế giới Ả-rập, biến thành buồm tam giác, sau đó truyền sang Địa Trung Hải vào khoảng thế kỷ thứ 2 và sang bờ Tây Đai Tây Dương vào thế kỷ 15.

Các tài liệu, di chỉ khảo cổ ở nhiều địa điểm ven biển rải rác khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chỉ ra sự tương đồng với nền văn hoá Đông Sơn và Hoà Bình của người Việt cổ. Phân tích các biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn, một tài liệu vật thể vô giá, đã cho thấy cách nay trên 2.000 năm, người Việt đã đóng được những chiếc thuyền buồm có thể vượt qua Thái Bình Dương đến tận châu Mỹ. Năm 1993, các nhà thám hiểm và nghiên cứu hàng hải phương Tây đã chứng minh bằng thực nghiệm về khả năng bè mảng làm bằng tre luồng sử dụng buồm cánh dơi của người Việt có thể dễ dàng vượt Thái Bình Dương đến nước Mỹ.

Trong khoảng 1.000 năm dưới thời Bắc thuộc có lẽ là khoảng thời gian tổ tiên người Việt thực hiện nhiều nhất các chuyến viễn dương bằng mảng-ghe-thuyền buồm. Chính sử Trung Hoa đã phải ghi nhận: Vào thế kỷ thứ 3, tàu thuyền ở Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam đã rất tiến bộ, chở được tới 700 người và 260 tấn hàng hoá, mang 4 buồm không đặt thẳng một hàng dọc nên đón được nhiều gió từ nhưng hướng khác nhau.

Dưới sự đàn áp khốc liệt của các thế lực phong kiến hà khắc phương Bắc, rất nhiều người Việt đã phải rời bỏ quê hương di cư lên vùng Đông Bắc Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và Nam Á. Sau khi đất nước giành lại độc lập chính thức bằng trận thủy chiến ghe-thuyền buồm trên dòng sông Bạch Đằng năm 938, người Việt không còn viễn dương nhiều như trước. Điều này lý giải cho sự đứt quãng về ảnh hưởng Á Đông đối với văn hoá bản địa Mỹ châu kể từ năm 1.000 sau công nguyên. Về mặt hàng hải và lịch sử thuyền buồm, 1.000 năm là quá đủ cho sự phổ biến và truyền bá những đặc điểm ưu việt về kỹ thuật đóng, sử dụng tàu thuyền buồm và kỹ năng đi biển của người Việt ra thế giới.

Đến thế kỷ 19, khi tàu buồm đạt đến đỉnh cao trong tư cách phương tiện chiến tranh và thương mại trên biển, chính người phương Tây đã phải thán phục trước khả năng sử dụng thuyền buồm của người Việt: Họ lèo lái những con thuyền bé nhỏ với cách thức vượt sóng lượn gió hết sức tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn châu Âu. Điều khiển những chiếc thuyền nhỏ, không chiếc nào vượt quá 50 tấn, họ có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố, điều mà các thương thuyền to lớn của châu Âu không dám thử.

Di sản hàng hải cùng kỹ thuật đóng và sử dụng tàu, thuyền buồm của người Việt phải đồ sộ tầm cỡ hàng đầu thế giới thì đến đầu thế kỷ 20, giới hàng hải phương Tây mới ngỡ ngàng trước tàu, thuyền buồm Việt Nam: Nếu trên thế gian này có một nơi để thuyền buồm cổ xưa đẹp như trong tranh trú đậu và hồi sinh lại trong muôn vẻ đa dạng thì chính là Biển Đông, ở đó chúng ta có thể thấy thuyền với đủ mọi sắc màu. Dân miền biển Việt Nam có phẩm chất đặc biệt là rắn rỏi, thích ứng được mọi tình huống. Họ là những nhà quan sát biết rõ từng dấu hiệu nhỏ của bầu trời, đoán ra được sự thay đổi của thời tiết, biết trước được giờ giấc con nước lên xuống, những tình huống thuận lợi cho một chuyến đi dài, lúc nào nên trở về từ các bãi cá. Họ còn biết các cơn giông ở từng vùng biển; biết rõ hướng đi phức tạp của gió, các chòm sao cho biết giờ trong đêm, các dòng hải lưu, các thao tác khôn ngoan để tránh bão xoáy. Riêng cách vận hành thanh lèo trong tương tác với các cánh buồm đã được người Việt hoàn thiện nhiều thế kỷ trước, trong khi ở châu Âu chỉ một vài nơi mới biết đến và van dụng trên các du thuyền.

Thanh Hải (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn