Tàu sân bay thế hệ mới của Hải quân Pháp sẽ được đặt tên như thế nào?
Việc đóng tàu sân bay thế hệ mới (PANG) thay thế tàu sân bay Charles de Gaulle đang sử dụng hiện nay sẽ được bắt đầu từ cuối năm 2025 đến đầu năm 2026. Quá trình đặt tên cho tàu PANG của Hải quân Pháp phải đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt.
Nặng hơn, lớn hơn và mạnh mẽ hơn
Vào cuối những năm 1980, Pháp bắt đầu đóng chiếc thứ nhất trong số hai tàu sân bay để thay thế các tàu sân bay đang có trong trang bị lúc đó là Foch và Clemenceau. Đó là khởi điểm bắt đầu của cuộc phiêu lưu kéo dài 14 năm và đôi khi bị chậm tiến độ do thiếu vốn, cánh quạt bị lỗi, sàn bay không đủ dài và che chắn bức xạ lò phản ứng hạt nhân không đủ an toàn.
Mặc dù được giao cho Hải quân Pháp vào năm 2000, con tàu này hoạt động cầm chừng cho đến khi được tái trang bị vào năm 2007. Trong khi đó, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ hai, có tên gọi là PA2, đã bị hủy do thiếu tiền…
Hiện nay, Charles de Gaulle là tàu sân bay duy nhất của Pháp, dùng động cơ hạt nhân. Tàu có chiều dài 260m, có lượng giãn nước 38.000 tấn. Tàu sân bay này có kích thước nhỏ hơn một nửa so với các tàu sân bay lớp US Nimitz (333m) và Ford (337m) của Mỹ, nhưng vẫn có thể mang theo 30-40 máy bay.
Từ tàu sân bay Charles de Gaulles (phía trên, bên trái) đến tàu PANG tương lai. Ảnh: Le Point
Theo báo Le Figaro, được đưa vào phục vụ năm 2001, tàu sân bay Charles de Gaulle dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2038-2040. Để thay thế tàu sân bay Charles de Gaulle, Pháp sẽ phát triển tàu PANG trong một vài năm tới.
Trong thông báo với báo chí đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cho biết, dự án đóng tàu PANG sẽ bắt đầu “vào cuối năm 2025, đầu năm 2026”. Các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên sẽ diễn ra “vào năm 2036-2037”. Dự án về con tàu công nghệ tương lai này đã được đưa vào Luật Chương trình quân sự hiện đang được Quốc hội xem xét.
Bộ trưởng Sébastien Lecornu mô tả tàu PANG là “thánh đường công nghệ” nhờ sự ưu việt của nó như nặng hơn, to hơn và mạnh hơn so với tàu Charles de Gaulle. Tàu PANG sẽ có chiều dài 305m, chiều rộng 79,5m và trọng tải 75.000 tấn (tức gần gấp đôi tàu sân bay Charles de Gaulle). Tàu có hai lò phản ứng mới (với hai phòng nồi hơi có công suất 220 MW/phòng, lớn hơn công suất 150MW của tàu Charles de Gaulle). Ngoài ra, tàu PANG có khả năng mang theo khoảng 32 chiến đấu cơ thế hệ mới NGF (do Tây Ban Nha, Ðức, Pháp hợp tác sản xuất) và 3 máy bay E-2D Hawkeyes.
Tập đoàn Hải quân Technicatome và một số xưởng đóng tàu sẽ chịu trách nhiệm đóng tàu PANG với tổng chi phí ước tính hơn 5 tỷ euro. Đây là tàu chiến lớn nhất ở châu Âu, sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2038-thời điểm tàu sân bay Charles de Gaulle được 40 tuổi.
Tàu PANG sẽ mang tên ai?
Đối với tàu PANG của Hải quân Pháp, điều quan trọng là cần có một cái tên, giống như các con tàu trước đây.
Kể từ khi Hải quân Hoàng gia ra đời do Vua Louis XIV và Bộ trưởng Tài chính Jean-Baptiste Colbert khởi xướng, tên gọi tàu hải quân chưa thực sự được quan tâm. Cho đến thời Napoléon, tên của những con tàu được đề cập tới, dù là danh từ riêng hay tính từ, đều nhấn mạnh đến 4 biểu tượng: Biển, chiến tranh, chủ quyền và địa lý.
Từ nền Quân chủ tháng Bảy (giai đoạn 1830-1848 trong lịch sử Pháp) đến nền Cộng hòa thứ ba (1870-1940), các nhà lãnh đạo quân sự đã thể hiện sự táo bạo khi sử dụng những cái tên liên quan đến thần thoại (Eurydice, Calypso,…). Ngày nay, tàu ngầm hạt nhân (SSBN) lớp Le Triomphant được đặt tên nhằm biểu dương sức mạnh và quyền lực (Téméraire, Vigilant, Terrible...). Các tàu khu trục nhỏ đa nhiệm vụ kế thừa tên các vùng của Pháp (Lorraine, Alsace, Provence...). Tên tàu sân bay trực thăng đề cập đến các yếu tố liên quan đến biển (Mistral, Tonnerre...). Một số tàu khác còn mang tên gắn với các cuộc cách mạng trong quá khứ của Pháp (Vendémiaire, Prairial...).
Nhưng trước khi công bố chính thức tên của một con tàu, quy trình này phải đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt. Việc đặt tên cho các tàu nhỏ chỉ cần có sự xác nhận của Tổng tham mưu trưởng Hải quân. Nhưng với các tàu khu trục nhỏ hoặc các tàu lớn, nhất thiết phải thông qua Bộ trưởng Bộ Quân đội. “Không có quy tắc cụ thể nào về thời gian. Chúng tôi muốn đặt tên cho tàu trước khi đóng tàu. Chúng tôi không tổ chức các cuộc họp mà chủ yếu lấy ý tưởng hay từ trong lực lượng”, đại diện của Hải quân Pháp cho hay. Các ý tưởng đề xuất sau đó được gửi đến Cục Lịch sử Quốc phòng để nghiên cứu và tham mưu cho cấp trên. Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quân đội hoặc Tổng thống Cộng hòa sẽ người quyết định tên con tàu, tùy thuộc vào tầm quan trọng của nó. “Đặc quyền đặt tên cho các con tàu lớn của Hải quân, chẳng hạn như tàu sân bay, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SNLE), luôn thuộc về nguyên thủ quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu nhấn mạnh.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên Le Terrible của Hải quân Pháp. Tàu được hạ thủy vào ngày 21/3/2008. Ảnh: reddit
“Cái tên phải nói với mọi người rằng nó tỏa sáng trên trường quốc tế”, Hải quân Pháp chỉ ra. Theo Le Figaro, cái tên “Richelieu”-Hồng y và là Bộ trưởng của Vua Louis XIII-ban đầu được cánh tả Pháp chọn để đặt tên cho tàu Charles de Gaulle hiện nay. Nhưng sự xuất hiện của cánh hữu, với việc bổ nhiệm ông Jacques Chirac làm thủ tướng năm 1986, đã nghiêng về phía Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa thứ năm. Ngày nay, Charles de Gaulle là tàu sân bay nổi tiếng được cả thế giới biết đến.
Ngoài ra, tên tàu phải có ý nghĩa. Ví dụ, Jacques Chevallier, tên của kỹ sư thiết kế động cơ tàu ngầm hạt nhân (SSBN) lớp Le Redoutable, được đặt tên cho tàu hỗ trợ hậu cần mới của Hải quân Pháp. Con tàu này vừa thực hiện các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên vào năm 2022. Hay tàu tuần tra mang tên người lính anh hùng Auguste Bénébig sẽ được triển khai ở Nouméa sau khi thử nghiệm.
Cái tên cũng cần thể hiện sức mạnh của con tàu. Vì vậy, “một chiếc tàu ngầm sẽ không bao giờ được gọi là Le Réconfortant” (Sự an ủi). Thay vào con tàu sẽ được gọi là Le Redoutable (Đáng gờm), Le Foudroyant (Tia chớp), Le Terrible (Sự khủng khiếp)...
Trên tinh thần tiếp nối với tàu Charles de Gaulle, tàu PANG tương lai rất có thể kế thừa tên của một nhân vật nổi tiếng, hoặc thậm chí là một nguyên thủ quốc gia Pháp. “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không chọn những chính trị gia còn sống”, Hải quân Pháp quả quyết. Rất có thể là Francois Mitterrand, Jacques Chirac hay một nhân vật nữ mang tính biểu tượng như Marianne. “Tổng thống Macron rất thích các biểu tượng. Vì vậy sẽ có một sự cộng hưởng rất mang tính biểu tượng...”, tờ Liberation cho hay.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn